Chứng kiến việc bố làm xong tôi cũng xấu hổ chẳng dám bênh.
Gia đình tôi luôn được khen là gia đình kiểu mẫu vì có đủ 4 thế hệ, lại còn có truyền thống làm nghề thủ công. Dù làng tôi giờ đã hiện đại hơn, mọi thứ thay đổi chóng mặt khác xưa nhưng gia đình tôi vẫn giữ được căn nhà cũ xây gần 1 thế kỷ và nề nếp gia phong khiến nhiều người ngưỡng mộ khi nhìn vào.
Cuối năm ngoái cụ tôi mất, nhưng đứa em họ lại sinh chắt sớm nên giờ gia đình tôi vẫn được coi là đủ 4 thế hệ. Tổng số thành viên gia tộc lên đến hơn 50 người rồi, nhưng may mắn là tất cả đều hòa thuận vui vẻ, dù ở xa hay gần thì cũng thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với nhau mọi thứ trong cuộc sống.
Không tính ngày rằm với lễ Tết thì một năm họ nhà tôi có 16 cái giỗ, dĩ nhiên là không ai nhớ đầy đủ được nên phải ghi chép hết vào quyển sổ riêng. Ông nội tôi giữ chức trưởng họ nên tháng nào cũng phải qua nhà thờ Tổ mấy lượt để xem sắp tới có ngày giỗ chạp gì. Mỗi lần thông báo trong nhóm đại gia đình là chuẩn bị cỗ tiếp, mọi người đều hồ hởi bàn tán rất “xôm” vì lại được gặp nhau ăn uống chém gió.
Cả họ nhà tôi 90% vẫn theo nghề nấu xôi với giò chả truyền thống nên cơ bản kinh tế đều ổn định. Người đi trước giúp đỡ người đi sau, anh chị em đùm bọc lẫn nhau nên chưa bao giờ mâu thuẫn nhau chuyện gì căng thẳng. Hàng quý mỗi nhà đóng góp một khoản tính theo đầu người để cho vào quỹ chung làm cỗ. Bà nội với mẹ tôi là “thủ quỹ”, vì mẹ tôi vốn xuất thân nghề kế toán ra.
Tháng này có 2 cái giỗ liền nhau chỉ cách 2 ngày, nhưng vì dính trong tuần nên để tiện cho cả họ họp mặt thì ông nội bảo gom chung vào một ngày thứ 7 luôn. Ông tôi không phải người cổ hủ nên giờ việc gì cũng ưu tiên tiện lợi cho mọi người trước, chọn lúc con cháu không phải đi học đi làm để tụ họp đông đủ.
Mà kể ra cô dì chú bác trong họ cũng hay. Dù giữ gìn nề nếp truyền thống nhưng mọi người đều không quá cứng nhắc, vừa đi thuê nấu cỗ bên ngoài để đỡ xích mích chuyện rửa bát, vừa cập nhật xu hướng ẩm thực để cả họ cùng thưởng thức món ăn theo sở thích riêng. Ví dụ như ngoài các món quen thuộc trong bữa giỗ như gà luộc, nem rán, miến xào… thì trẻ con trong nhà được ăn thêm gà rán, rồi trà sữa tráng miệng, hoa quả dầm sữa chua các kiểu. Nói chung là vui nên ai cũng thích ăn giỗ.
Tuy nhiên có ngày vui thì cũng có ngày buồn. Đám giỗ trưa nay là lần đầu tiên trong nhà cãi nhau to, và nguyên do thì cực kỳ “củ chuối”.
Hai nhân vật chính của drama hôm nay chính là ông nội và bố tôi. Vừa vào cỗ được một lúc, mọi người chúc tụng nhau mấy lượt rượu thì xảy ra chuyện.
Bố tôi thích ăn phao câu nên vừa ngồi xuống mâm đã cầm đũa tia ngay một vòng rồi. Phát hiện “mục tiêu” trong đĩa gà chặt vừa mang ra, bố liền nhanh tay đưa đũa định gắp vào bát mình. Ai dè ông nội nhanh tay hơn, tưởng mắt mờ tay run mà ông gắp miếng gà chuẩn xác không ngờ mọi người ạ!
Bố tôi ngỡ ngàng hỏi sao ông lại tranh chiếc phao câu. Ông chả còn răng đâu mà nhai gà nữa, nhưng phần thịt mỡ béo ngậy ấy thì ông vẫn rất mê. Ông bảo: “Ai gắp trước thì xí phần trước”, bố tôi tỏ vẻ hờn dỗi uống cạn chén rượu suông xong trách ông là: “Bố chả nhường con gì cả”.
Ông nội trợn mắt lên quát: “Mày là con không nhường bố thì thôi, có cái phao câu mà cũng hỗn hào với bố”. Thế là không ai chịu kém ai câu nào, bố tôi và ông nội ngồi “khẩu chiến” giữa đám giỗ luôn!
Bố tôi tức quá cầm miếng phao câu ném thẳng ra sân cho chó. Ông nội cũng chẳng vừa, cầm cái dép đập ngay vào lưng bố tôi!
Ban đầu cả nhà tưởng họ chỉ cãi nhau vớ vẩn như bọn trẻ con hay tranh ăn thôi, thế nên không ai buồn can mà chỉ ngồi cười phụ họa. Nhưng mấy phút sau tình hình dần trở nên căng thẳng hơn. Đến lúc bố tôi bị ông nội đánh thì không khí “chiến sự” hoàn toàn thay đổi.
Sợ xảy ra ẩu đả nên các bác ngồi cùng mâm đã nhanh tay giữ bố tôi và ông nội lại. Hai người đôi co không nhịn nhau câu nào. Ông nội tôi hay nói dai nên dĩ nhiên là không chịu thua, còn bố tôi thì cãi lại vì tự ái. Lát sau có vẻ mỏi mồm nên họ tạm ngừng không nói nữa. Nhưng các bác vừa buông tay ông nội ra thì bố tôi lại tiếp tục ăn thêm cái dép nữa vào lưng!
Diễn biến xảy ra quá bất ngờ nên không ai kịp phản ứng. Rồi cảnh tượng sau đó khiến cả họ cùng sốc. Bố tôi lăn ra sân giãy đành đạch ăn vạ như con nít luôn!
Mẹ tôi vội bốc ngay 2 cái phao câu từ mâm khác sang để tống vào bát bố, bê ra sân dỗ bảo ăn đi. Anh em tôi cũng xấu hổ nên bảo bố đừng làm trò cười vậy nữa. Hơn 50 tuổi rồi chứ có ít ỏi gì đâu mà ăn vạ tùm lum!
Bố tôi không nghe ai khuyên cả, còn cởi áo ra rồi trèo lên cây xoài ở cổng nhà thờ họ, nằng nặc kêu: “Bao giờ bố xin lỗi con thì con mới xuống!”.
Ai đi qua cũng bật cười khi thấy bố tôi mặc mỗi quần đùi ngồi xổm trên cây. Mẹ con tôi không biết giấu mặt vào đâu, cứ đứng dưới năn nỉ bố trèo xuống. Sau thấy bố quá ngang nên mẹ con tôi đành kệ, vào mâm ăn nốt với mọi người cho xong. Đúng là dở khóc dở cười, bẽ mặt không chịu nổi…