Theo Sohu, chị Cao ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã kinh doanh trong nhiều năm và tích góp được một khoản tiền kha khá. Đến tháng 5 năm 2017, khi số tiền tích luỹ đã lên đến 10 triệu NDT (hơn 34,8 tỷ đồng), người phụ nữ này quyết định gửi toàn bộ tiền của mình vào ngân hàng cho an toàn thay vì đem tiền đi đầu tư để “tiền để ra tiền” như những người khác.
Khi đang loay hoay chưa biết chọn ngân hàng nào, chị Cao nghe nói lãi suất của một ngân hàng ở tỉnh Cát Lâm cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác nên đã gửi tiết kiệm ở đó với kỳ hạn 1 năm. Nghĩ đến khoản lãi lớn sẽ nhận được khi đáo hạn, chị Cao rất vui mừng. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng này, khoản tiền gửi của chị bất ngờ có biến động lớn.
Chị Cao. Ảnh: Sohu
Theo đó, khi đang họp với các đối tác kinh doanh để bàn về kế hoạch phát triển của công ty trong quý tiếp theo, chị Cao nhận được tin nhắn thông báo từ ngân hàng với nội dung số tiền 10 triệu NDT đã được chuyển đi. Để xác thực nội dung của tin nhắn, người phụ nữ này mở ngân hàng trực tuyến ra kiểm tra thì phát hiện số dư tài khoản ngân hàng của mình hiện thị 0 NDT. Vì quá lo lắng, chị Cao đã bỏ ngang công việc đang bàn để đến ngân hàng tìm hiểu nguyên nhân.
Sau khi kiểm tra dữ liệu, nhân viên ngân hàng cho biết tài khoản của chị đã bị đóng băng và 10 triệu NDT trong đó đã được cầm cố làm tài sản thế chấp cho một công ty bất động sản. Hơn nữa, nhân viên ngân hàng còn cho biết việc này là do chính chị Cao ủy thác và ký vào giấy cầm cố.
“Chị có thể rút khoản tiền này vào năm 2099”, nhân viên này cho biết.
Sau khi nghe câu trả lời của nhân viên ngân hàng, chị Cao gần như chết lặng. Người phụ nữ này cho biết sau khi gửi tiền ở ngân hàng trê, chị đã đi công tác và không ở Cát Lâm trong 3 ngày nên không thể uỷ quyền cho người khác. Hơn nữa, chị Cao cũng cho biết chị chưa từng ký vào bất cứ giấy tờ nào có nội dung uỷ thác hay cầm cố tài sản như nhân viên ngân hàng nói. Thậm chí, chị Cao cũng không hề biết công ty bất động sản mà ngân hàng đề cập đến và cũng không biết ai liên quan đến công ty này.
Đến đây, chị Cao bắt đầu nghi ngờ về độ uy tín của nhà băng này nên đã lên mạng tìm kiếm những thông tin liên quan. Sau đó, cô phát hiện ngân hàng này trước đây từng có sai phạm về cho vay tiền gửi và tạo chính sách tiền gửi ảo nên đã bị Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc xử phạt.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát còn phát hiện nhiều nạn nhân tương tự như chị Cao cũng bị rơi vào bẫy của ngân hàng này. Họ cảm thấy sự việc không đơn giản nên đã báo cáo sự việc lên Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc. Sau đó, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu về ngân hàng này để ngăn chặn những trường hợp tương tự.
Về vụ án của chị Cao, Tòa án địa phương đã ra phán quyết yêu cầu phía ngân hàng phải hoàn trả toàn bộ tiền gửi 10 triệu NDT cho chị. Dù không có được số tiền lãi như mong muốn song qua sự việc trên, chị Cao cũng rút ra được “bài học xương máu” cho mình. Cảnh sát cũng khuyên người dân nên chọn những ngân hàng có uy tín để gửi tiền, đồng thời đề cao cảnh giác trước những lời chào mời lãi suất cao từ phía các ngân hàng để tránh bị lợi dụng hoặc sập bẫy lừa đảo.