Nieh Hualing Engle, tiểu thuyết gia, dịch giả, biên tập viên và là người đồng sáng lập Chương trình Viết văn Quốc tế, đã qua đời tại nhà ở Thành phố Iowa vào ngày 21/10.

Tải hoa sen trắng đám tang đăng facebook, báo hiệu gia đình có người mất

van chuong anh 1

Tiểu thuyết gia, dịch giả, biên tập viên và là người đồng sáng lập International Writing Program Nieh Hualing Engle. Ảnh: FocusTaiwan.

Theo thông tin từ website chính thức của Chương trình Viết văn Quốc tế (International Writing Program – IWP), Nieh Hualing Engle, người đồng sáng lập IWP cùng chồng mình là Paul Engle, đã thanh thản tạ thế tại nhà riêng ở Thành phố Iowa vào ngày 21/10, hưởng thọ 99 tuổi.

Nieh Hualing (tên khai sinh của bà) sinh ngày 11/1/1925 tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Năm 1948, bà tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Khoa Ngôn ngữ phương Tây của Đại học Quốc gia Trung ương. Sau khi cùng gia đình chuyển đến Đài Loan, Nieh trở thành biên tập viên văn học và tạp chí, đồng thời bắt đầu giảng dạy các khóa học viết sáng tạo tại Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Tunghai.

Bà gặp Paul Engle, khi đó là giám đốc của Iowa Writers’ Workshop (Hội nghị Người viết) khi ông đang thăm Đài Loan để nghiên cứu bối cảnh văn học đương đại ở châu Á. Ông đã mời bà tham dự Hội nghị. Bà nhận lời mời của Engle và đến Iowa vào năm 1964 với 7 cuốn sách đã được xuất bản.

Năm 1966, sau khi nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành tiểu thuyết từ Writers’ Workshop, bà đã đề xuất với Engle, lúc đó chuẩn bị nghỉ hưu, rằng họ nên bắt đầu một chương trình dành riêng cho các nhà văn quốc tế. Họ lên kế hoạch mời các nhà văn có sách đã xuất bản từ khắp nơi trên thế giới đến Iowa để trau dồi kỹ năng, trao đổi ý tưởng và tạo dựng tình bạn xuyên văn hóa. Với sự hỗ trợ từ Đại học Iowa và một khoản tài trợ tư nhân, nhóm nhà văn quốc tế đầu tiên đã hội tụ tại Iowa vào năm 1967 – lứa đầu tiên của IWP.

Nieh Hualing và Paul Engle kết hôn vào năm 1971. Với Engle làm giám đốc và Nieh Engle làm trợ lý giám đốc rồi sau đó là phó giám đốc, IWP đã phát triển thành chương trình lưu trú được công nhận dành cho những người sáng tác văn chương. Là một biên tập viên tích cực, Nieh Engle đã tìm cách giới thiệu các xu hướng văn học Trung Quốc ít được biết đến.

Năm 1976, để vinh danh vai trò của họ trong việc thúc đẩy giao lưu văn chương quốc tế, 300 nhà văn đã đề cử đôi vợ chồng cho Giải Nobel Hòa bình.

Nieh Engle tiếp tục làm giám đốc Chương trình Viết quốc tế (IWP) sau khi Engle nghỉ hưu vào năm 1977. Bà nghỉ hưu vào năm 1988 và tiếp tục là thành viên của Ban cố vấn IWP.

Nhiều tác giả từng tham dự IWP đã nổi tiếng và có nhiều thành tựu văn chương, tiêu biểu có thể kể đến Orhan Pamuk (Nobel Văn chương 2006), Mạc Ngôn (Nobel Văn chương 2012) và mới đây nhất là Han Kang (Nobel Văn chương 2024).

Một số nhà văn từ Việt Nam đã tham dự IWP là Văn Cầm Hải, Phan Hồn Nhiên, Hiền Trang…

Tại Đại học Iowa, Nieh Engle là đồng giám đốc của Hội thảo Dịch thuật từ năm 1975 đến năm 1988. Bà đã nhận được một số bằng tiến sĩ danh dự cũng như giải thưởng Cống hiến xuất sắc cho nghệ thuật từ Tiểu bang Iowa và Hiệp hội thống đốc quốc gia năm 1982. Tạp chí Trung Quốc Asia Weekly đã gọi tiểu thuyết Mulberry and Peach (tựa bản tiếng Anh dịch từ tiếng Trung, tạm dịch: Dâu tằm và đào mọng) của bà là một trong 100 tiểu thuyết Trung Quốc hay nhất thế kỷ 20.

Bên cạnh công việc hành chính và biên tập, Nieh Engle còn duy trì sự nghiệp văn chương với hơn hai chục cuốn sách, được viết bằng tiếng Trung dịch sang nhiều thứ tiếng, bao gồm tiểu thuyết, tập tiểu luận, tập truyện ngắn, bản dịch và tác phẩm biên tập. Trong số đó gồm Mulberry and Peach đã giành Giải thưởng Sách Mỹ năm 1990; Thirty Years Later (tạm dịch: Ba mươi năm sau); Black, the Most Beautiful Color (tạm dịch: Đen: màu đẹp nhất); và People in the Twentieth Century (tạm dịch: Người thế kỷ 20).

Tiểu thuyết bằng tiếng Trung, Far Away, a River (tạm dịch: Viễn tận, một dòng sông) xoay quanh chủ đề thường được phản ánh trong các tiểu thuyết của bà: tìm kiếm bản sắc và nguồn gốc. Hồi ký của bà, Images of Three Lives (tạm dịch: Hình ảnh ba cuộc đời) là tiểu luận bằng hình ảnh, ghi lại những trải nghiệm của bà ở Đại Lục, Đài Loan và Mỹ.