Tôi năm nay 40 tuổi. Khi mẹ tôi mất, tôi vẫn còn nhỏ, mới chỉ 7-8 tuổi, tôi biết và ghi nhớ được một số thứ nhưng vẫn không thể thay đổi được gì, để rồi dẫn đến những ký ức thật đau lòng mà đến giờ tôi vẫn không muốn nhớ lại.

Sau khi mẹ mất, tôi sống với ông bà nội. Lúc đó, bố tôi chạy khắp nơi kiếm sống nên chỉ có thể để tôi ở nhà cho ông bà chăm. Nhưng ông bà không thích tôi, chỉ thiên vị anh họ tôi. Mỗi khi có đồ ăn ngon, anh họ tôi đều được ăn trước, tôi chỉ có thể ăn đồ thừa lại, khi nào anh họ có chuyện gì cần giúp đỡ, anh ấy sẽ gọi tôi trước tiên. Suốt năm tháng ấu thơ, vì chơi với anh họ nhiều nên tôi được nuôi dạy không khác gì một cậu bé.

Lúc nào tôi cũng mong bố về, vì chỉ khi bố về, tôi mới cảm nhận được tình thương của một ông bố dành cho con. Ông sẽ mua quà, đồ ăn, nước ngọt cho tôi, tất cả những thứ đó tôi đều chưa nhìn thấy bao giờ. Bố còn cõng tôi đi chợ, mua cho tôi thật nhiều quần áo mới.

Thiên vị con riêng của vợ hai, người đàn ông hối hận vì lãng quên con ruột - Ảnh 1.

Hình minh họa

Tuy nhiên, niềm hạnh phúc ngắn ngủi đó đã bị tan vỡ bởi sự xuất hiện của hai người phụ nữ. Năm thứ ba sau khi mẹ tôi qua đời, bố tôi mang về hai người, một người là mẹ kế của tôi còn một người là con gái bà ấy.

Mẹ kế của tôi là một người phụ nữ vất vả. Đây là điều mà mãi đến khi lớn lên tôi mới biết. Nơi mẹ kế từng sống là một vùng quê rất nghèo. Vừa đến thời thiếu nữ thì bà đã bị gia đình ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi. Mãi mấy năm sau, bà sinh được một cô con gái. Gia đình chồng cũ không ưa bà, thường xuyên ghẻ lạnh, có khi còn đánh mắng, mẹ kế phải gánh hết trách nhiệm lao động nặng lên vai. Cuối cùng, sau nhiều năm nỗ lực và đấu tranh, mẹ kế ly hôn. Bởi vì em gái còn nhỏ nên mẹ kế chỉ có thể đưa em đi làm cùng để kiếm sống. Cuộc sống của hai mẹ con khá bấp bênh, bữa đói bữa no.

Sau này, bà gặp bố tôi ở một công trường xây dựng. Bố tôi cũng thương hai mẹ con họ nên giúp đỡ rất nhiệt tình, hai người đã quen nhau và hiểu hoàn cảnh của nhau, từ từ đến với nhau. Điều đáng nói là họ đã ở bên nhau gần một năm trước khi được bố đưa về nhà giới thiệu.

Bố tôi rất thích mẹ kế, một mặt là do mẹ kế tính tình hiền lành và rất quan tâm đến công việc gia đình, giúp đỡ và bầu bạn với bố tôi rất nhiều. Mặt khác, mẹ kế rất giỏi chịu khổ, dù là công việc đồng áng hay lao động chân tay bên ngoài bà đều làm được, cộng thêm những gì bà đã từng trải qua khiến bố tôi càng thương hơn. Sau khi mẹ kế và em kế đến nhà chúng tôi, gia đình chúng tôi đã thay đổi rất nhiều.

Đầu tiên, bố tôi xây nhà với sự giúp đỡ của ông bà và các chú để chúng tôi có thể sống riêng. Sau đó, bố tôi ở lại làng, buổi sáng làm ruộng hoặc vào thành phố làm thuê. Ngày nào bố cũng trở về nhà chứ không bôn ba như ngày trước nữa.

Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy bố tôi có thái độ khác giữa tôi và em kế.

Khi đối xử với tôi, bố hầu như vẫn giữ thái độ như trước. Nếu có đồ ăn ngon, ông sẽ gọi tôi ăn. Khi có tiền tiêu vặt trong túi, ông sẽ cho tôi một ít. Mọi thứ có vẻ vẫn thế, không thay đổi gì. Nhưng nếu đặt tôi và em kế lại với nhau, sự khác biệt liền hiện ra rất rõ ràng.

Em gái kế nhỏ hơn tôi 3 tuổi, là một cô bé khá dễ mến. Ngày nào bố tôi đi làm về, ông cũng gọi con bé đầu tiên:

“Lan ơi, Lan ơi! Đang làm gì đấy con? Sao không ra chào chú?”.

“Lan đâu rồi, chú mua kẹo vị táo Lan thích đây, mau ra ăn đi nào!”.

Sau đó, em kế chạy đến chỗ bố tôi, bố bế cô bé lên và hỏi hôm nay con đã làm gì, có học hành chăm chỉ không và có ngoan ngoãn không? Tôi cực kỳ ghen tị. Bởi vì bố chưa bao giờ ôm tôi như thế khi tôi bằng tuổi em gái nên đương nhiên tôi cảm thấy không thoải mái. Đôi khi tôi cũng mong bố đi làm về sẽ gọi tôi ra, ôm tôi và hỏi thăm chuyện trong ngày. Nhưng hy vọng cuối cùng vẫn là hy vọng, và điều đó đã không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, giống như hầu hết những người bình thường, khi bước vào và thấy tôi đang làm bài tập, bố tôi chỉ thản nhiên hỏi:

“Mai đang học à con?”.

Tôi ậm ừ, rồi cũng trả lời cho xong. Nếu trong túi bố có thứ gì ăn được thì bố sẽ đưa cho tôi. Sau đó bố đi rửa tay rồi trò chuyện với mẹ kế, sự quan tâm dành cho tôi cứ thế mà qua.

Sau đó là đến bàn ăn, kể từ khi mẹ kế và em kế vào nhà, con bé luôn ngồi giữa bố tôi và mẹ kế trong bữa ăn, còn tôi thì luôn ngồi cạnh bố. Em kế sẽ được ăn miếng đầu tiên, sau đó mới đến lượt tôi. Nếu tôi tỏ thái độ, bố sẽ luôn nói:

“Con là chị cả, con phải học cách nhường nhịn em gái mình”.

Tôi không nói gì nữa và mọi chuyện vẫn cứ trôi đi như vậy.

Thiên vị con riêng của vợ hai, người đàn ông hối hận vì lãng quên con ruột - Ảnh 2.

Hình minh họa

Sau này, khi tốt nghiệp cấp 2, tôi vào trường nghề để học chứ không lên cấp 3. Vì sống nội trú ở trường nên tôi chỉ về vào cuối tuần. Họ càng ngày càng giống một gia đình hoàn hảo, còn tôi thì như người thừa ra. Mỗi lần về nhà, tôi luôn thấy họ nói chuyện cùng nhau rất sôi nổi. Mẹ kế đang nấu ăn, em gái đang làm bài tập, còn bố thì đang dọn dẹp, sửa chữa đồ đạc ở nhà. Ngay cả khi xem TV, ba người cùng xem một bộ phim truyền hình, trò chuyện về các nhân vật trong phim và nội dung của bộ phim đó. Tôi chưa xem nên đương nhiên là tôi không có đề tài chung nào để nói với họ.

Ngoài ra, tôi cũng thấy em kế của mình có rất nhiều quần áo mới, nhiều hơn so với khi tôi bằng tuổi em ấy. Cứ như vậy, tôi cảm thấy rất thất vọng với gia đình này và rất oán giận cha tôi. Rõ ràng tôi là con gái ruột của ông ấy, nhưng tôi lại cảm thấy em kế của tôi mới là con gái ruột thực sự của bố.

Sau này, tôi trở nên ít nói và thậm chí còn nhốt mình trong phòng khi về đến nhà. Họ tưởng tôi đang ở tuổi dậy thì bất ổn, nhưng không ai nghĩ họ chính là lý do khiến tôi trở nên như vậy.

Sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật, tôi rời nhà và chọn làm việc ở trong thành phố. Họ không ngăn cản tôi, tôi cũng chỉ về nhà vào mấy dịp lễ, về vài hôm rồi lại đi. Bố tôi ngoài việc hỏi tôi có đủ tiền tiêu không thì cũng không hỏi han gì thêm.