Đó là câu chuyện diễn ra trong gia đình ông Trương, từng sinh sống tại ngôi làng nhỏ ở thành phố Nam Bình (Trung Quốc). Ông Trương là một người đàn ông nổi tiếng chăm chỉ và cần cù.
Vợ ông qua đời vì bệnh tật từ rất sớm, để lại ông và cậu con trai duy nhất nương tựa vào nhau. Để nuôi dạy con trai, ông Trương đã làm việc chăm chỉ ở công trường trong nhiều năm. Dẫu cuộc sống có khó khăn thì ông Trương chưa một lần phàn nàn về cảnh “gà trống chăm con” vất vả, cũng như luôn dành mọi điều tốt nhất cho con.
Sao bao năm, con trai tên Trương Lôi đã trưởng thành và có sự nghiệp khá thành công. Chưa đầy ba mươi tuổi, Trương Lôi đã là giám đốc của công ty, thu nhập hàng tháng lên đến chục nghìn tệ. Đây là mức lương đáng nể với những người sinh ra ở nông thôn. Hơn nữa, con trai của ông Trương mỗi tháng đều đặn gửi tiền về cho cha, thể hiện mặt hiếu thảo của mình.
Nỗi lòng của người cha sống một mình trong đống tiền và căn nhà lớn
Có cậu con trai thành đạt nên nhiều hàng xóm xung quanh dành cái nhìn ngưỡng mộ với ông Trương. Họ đều nói rằng, ông Trương đã dành cả cuộc đời nuôi dưỡng một người con trai giỏi giang và hiếu thảo, nên thành quả nhận được lúc tuổi già lại xứng đáng.
Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Chỉ ông Trương mới hiểu nỗi lòng của mình mà khó chia sẻ cùng ai. Đó là dù hiếu thảo và có lòng nhưng cậu con trai Trương Lôi lại quá bận rộn. Mặc dù ông Trương có tiền nhưng cảm thấy chúng không còn ý nghĩa gì khi không có con trai cạnh bên.
Cũng vì thế, từ sâu đáy lòng, ông Trương luôn cảm thấy cay đắng và cô đơn khi sống trong căn nhà rộng lớn nhưng thiếu vắng hơi người. Trước những lời khen ngợi của hàng xóm, ông Trương chỉ cười trừ.
Con trai ông từng khuyên nhủ cha dọn lên thành phố sống, nhưng ông Trương đã dành phần lớn cuộc đời ở nông thôn. Ông hiểu bản thân không quen sống ở thành phố, và con dâu cũng không thích cảnh cha đẻ con ruột sống chung này. Ông Trương không muốn gây rắc rối nên luôn từ chối yêu cầu dọn lên thành phố sinh sống của con trai.
Chỉ những người đã từng trải qua hoàn cảnh này mới biết nỗi đau khi không có con cái bầu bạn sớm chiều. Vì vậy, đôi khi cảm xúc khó chịu dâng cao, ông Trương sẽ gọi điện cho con trai, nhắc nhở anh về thăm mình. Tuy nhiên, mỗi lần ông Trương nhắc đến chuyện này, Trương Lôi luôn cảm thấy cha sinh sự vô cớ. Trong mắt con trai, sự nghiệp là quan trọng nhất, hơn nữa hàng tháng anh ta vẫn gửi số tiền không nhỏ về cho bố. Trước đó, Trương lôi cũng đề nghị cha bỏ quê lên thành phố sinh sống, nhưng cha còn không chịu. Do đó Trương Lôi nghĩ rằng, anh đã làm mọi thứ trong khả năng của mình, còn về việc cha nghĩ sao về bản thân thì anh cũng đành chịu.
Ông Trương không thuyết phục được con trai, vì vậy sau đó, ông cũng không còn gọi con trai quay về nữa. Cứ như thế, ông Trương sống ngày càng lặng lẽ, rồi sau đó qua đời trong cô đơn và buồn chán.
Trao tiền tiết kiệm cuối đời cho người xa lạ
Khi con trai Trương Lôi biết tin cha qua đời, dù có đau buồn nhưng anh vẫn bình tĩnh tiếp nhận vì cho rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tất yếu, một ngày nào đó cha anh sẽ phải đối diện với sự ra đi. Anh vội vã trở về quê hương, tổ chức một đám tang hoàng tránh cho cha mình. Tang lễ hoàn thành, trước khi Trương Lôi định trở về thành phố, anh tình cờ phát hiện trong nhà có một cuốn sổ ngân hàng. Kỳ lạ thay, cuốn sổ không còn một xu nào.
Trương Lôi hoang mang chạy đi hỏi hàng xóm sự việc thì mới biết trước khi qua đời, cha mình đã đưa toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm cho trưởng thôn. Sau khi biết được chuyện này, người con trai rất tức giận, nghĩ rằng số tiền này nhất định bị trưởng thôn lừa gạt. Nếu không cha anh tại sao không kể mọi chuyện cho mình, hơn nữa tiền tiết kiệm sao không đưa con trai duy nhất? Trương Lôi càng nghĩ càng thấy mọi việc không đáng tin, nên anh chạy đi tìm trưởng thôn.
Khi gặp trưởng thôn, Trương Lôi chưa kịp nói gì thì đối phương đã đưa cho anh một lá thư. Khi Trương Lôi mở nó ra, anh nhận ra đó là di thư của cha mình. Nội dung bức thư nhắc đến việc ông Trương đã đưa tiền tiết kiệm những năm tháng cuối đời là 200.000 NDT (700 triệu đồng) cho trưởng thôn. Số tiền này sẽ được trưởng thôn dùng để xây dựng nơi ở cho những cao tuổi trong làng.
Di thư có một đoạn nhắn nhủ riêng gửi tới Trương Lôi: “Những năm cuối đời của bố đã thực sự khó khăn vì không có con ở bên. Bố và những người bạn già khác cô đơn quá. Người trẻ thời nay bận rộn, bố biết mình cũng không thể thay đổi thực tế này. Nên bố muốn giúp đỡ người cao tuổi khác cũng có con đi làm xa như mình. Sau khi bố ra đi, on hãy sống thật tốt nhé”.
Đọc xong bức thư, trong lòng Trương Lôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Nghĩ đến người cha đã khuất của mình, anh thực sự hối hận. Nhưng người đã ra đi, tiếc nuối cũng chẳng ích gì! Dẫu biết người trẻ nào cũng ôm mộng khát vọng lớn, muốn lao đầu kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp, song dù bận rộn đến đâu, bạn cũng nên dành thời gian về thăm cha mẹ già, vì một ngày nào đó họ có thể sẽ ra đi mãi mãi.