Ủng hộ nâng mức phạt giao thông từ 1-1-2025, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần rà soát và xử lý dứt điểm các trụ đèn tín hiệu gặp sự cố cũng như đặt biển báo giao thông hợp lý hơn.
Cảnh sát giao thông quan sát hệ thống camera tại một nút giao ở Hà Nội – Ảnh: HỒNG QUANG
Sau khi Tuổi Trẻ Online thông tin Vượt đèn đỏ bị phạt 20 triệu, từ 1-1-2025 nhiều lỗi giao thông tăng mức phạt hàng chục lần, nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình ủng hộ và đề xuất thêm các giải pháp để việc thực thi được nghiêm minh.
Trước đó, thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025.
Theo đó, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao.
Không thể lấy lý do lương tài xế thấp để bao biện cho vi phạm
Ủng hộ việc pháp luật cần có chế tài nghiêm minh, bạn đọc tên L.G. cho rằng: “Cần làm mạnh thì mới trị được vấn nạn ý thức bất chấp khi tham gia giao thông. Khi tăng mức phạt giao thông càng cao, thì mới có trật tự nghiêm chỉnh.
Đồng quan điểm, độc giả tên Bình cho biết mức phạt trên là hợp lý, bên cạnh đó khi có luật nghiêm thì người thực thi phải nghiêm để răn đe. Không để tình trạng luật nghiêm còn người vi phạm vẫn không giảm.
“Mức xử phạt tăng cao ở thời điểm hiện nay là hình thức răn đe thật sự cần thiết, đúng người đúng việc”, độc giả này để lại ý kiến.
Trong khi đó, bạn đọc tên Dân đề xuất nên phạt nặng hơn nữa tội nhậu xong lái xe.
“Chẳng ai cấm nhậu, nhưng nhậu xong lái xe thì phải xử thật nghiêm. Nhậu xong chạy ngoài đường nếu không gây tai nạn cho người khác cũng gây tai nạn cho chính mình, làm khổ người thân, làm khổ y bác sĩ, cả cơ quan chức năng”.
Ủng hộ việc xử nghiêm các trường hợp vừa lái xe vừa dùng điện thoại, bạn đọc Vương Kiếm Đông cho rằng: Tăng mức phạt là rất hợp lý, tuy nhiên cần tăng cường thực thi, tuần tra giám sát và phạt nghiêm, kết hợp phạt nguội qua camera.
Còn theo độc giả Xuan Lam, trường hợp dùng biển số giả, mục đích là làm việc xấu, vi phạm pháp luật một cách có chủ đích. Do đó việc dùng biển số giả cần phải tăng mạnh mức phạt lên đến 80-100 triệu đồng. Tước bằng lái ít nhất 1 năm.
“Tôi nhận thấy cơ quan chức năng phạt còn nhẹ với học sinh lái mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi. Phải phạt mạnh vào xem gia đình còn dám giao xe cho trẻ không”, tài khoản nguy****@gmail.com chia sẻ.
Bên cạnh đó, bạn đọc A.C. bày tỏ băn khoăn về mức phạt quá cao: “Lương lái xe 8-10 triệu đồng, đường phố thì đông, chỉ cần sơ sẩy là phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, mức phạt 18-20 triệu đồng kèm treo bằng”.
Tranh luận lại, bạn đọc Hải Long cho rằng: “Vậy thì tốt nhất cứ ra đường lái xe là phải cẩn thận, chấp hành nghiêm. Không thể lấy cái nghèo ra để bao biện cho vi phạm”.
Cảnh sát giao thông lập biên bản tài xế vi phạm – Ảnh: HỒNG QUANG
Cần rà soát hệ thống đèn tín hiệu, biển báo
Trong các hành vi vi phạm được tăng hình thức xử phạt, lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu được nhiều người quan tâm.
Độc giả Nguyễn Phong Phú rất tán thành tăng mức phạt cao giữa thời điểm tình hình trật tự an toàn giao thông quá phức tạp như hiện nay.
Tuy nhiên, cần thiết thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Kiểm tra, sửa chữa tất cả đèn tín hiệu, biển báo giao thông. Đồng thời, thành lập đội tuần tra kiểm soát việc lấn chiếm lề đường, cây cối, chướng ngại vật.
Thường xuyên đi kiểm tra để kịp thời giặm vá đường bị bong tróc, ổ gà, ổ voi. Cùng với đó, cần xem xét để có thể hoàn thiện những vạch phân làn đường cho tất cả tuyến đường để ngăn chặn hành vi vượt trái, lấn làn quá nguy hiểm.
Trong khi đó, bạn đọc Đức đề xuất ở các nút giao thông, đèn tín hiệu phải có bộ đếm số. Khi có quy ước bộ đếm số thì có thể xem xét nếu hệ thống đèn giao thông lỗi.
Đồng quan điểm, tài khoản kham****@gmail.com cho rằng cơ quan chức năng chỉnh đèn thuận đủ thời gian, có đếm giây và tất cả mọi thứ rõ ràng. Như vậy, mức phạt có tăng cao cũng hoàn toàn hợp lý.
Tương tự, tài khoản lhtk****@gmail.com có ý kiến: cơ quan chức năng cần rà soát lại đèn giao thông bị lỗi, không hiển thị số đếm lùi. Có trường hợp khi đèn đang xanh, tài xế đi qua thì đột nhiên chuyển thành đèn đỏ mà không qua pha đèn vàng.
Còn bạn đọc Quảng Bình đề nghị cần có quy định chặt chẽ trong việc cắm biển báo giao thông. Ví dụ như tính hợp lý của vị trí cắm biển, đặc biệt là biển tạm.
Nếu biển cắm không hợp lý phải có cổng thông tin để người dân phản hồi và phải công khai vị trí cắm biển (tọa độ, loài biển), để người dân giám sát và các công ty làm phần mềm giao thông cập nhật cảnh báo giao thông.