Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai nói trước lãnh đạo Thành uỷ, UBND TPHCM rằng: “Nếu không vì cổ đông, vì 3.000 nhân viên thì tôi đã tự tử rồi”.
Mẹ Cường Đô La nói mình rất khổ tâm khi các dự án không thực hiện được (Video: Đông Giang)
Ngày 10/4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trực Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và đại diện các sở, ngành… đã có buổi gặp gỡ với hơn 100 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch TP Trần Vĩnh Tuyến và lãnh đạo nhiều sở ngành đã có cuộc gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản bày tỏ sự bức xúc về các điều khoản trong một số luật chồng chéo, thủ tục rườm rà bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan như “thanh tra” thì phải “thank you”.
Nhiều doanh nhân khẩn thiết kêu gọi chính quyền thành phố mạnh tay, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc tại những dự án đang “mắc kẹt” khiến nguồn cung đưa ra thị trường khan hiếm.
Đáng chú ý là phần trình bày đầy bức xúc, có lúc ngập ngừng như nghẹn lại của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai, mẹ của Cường Đô la.
Bà Loan kể về tình cảnh “sống dở chết dở” khi đang có tới 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Thậm chí, dự án dù đã bán rồi nhưng “đi mòn dép” cũng không làm được sổ đỏ cho người mua.
CEO Quốc Cường Gia Lai cho rằng các dự án của công ty mình không phải vướng vì “hồi tố đất công”, vì quỹ đất này chủ yếu là đất nông nghiệp, doanh nghiệp tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.
Mẹ Cường Đô La: “Không vì cổ đông, 3.000 nhân viên thì tôi đã tự tử”
Kể về dự án 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè, bà Loan nói như khóc. Bà tốn 3 năm xin thủ tục đầu tư. Tháng 10/2017, dự án này được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư. Tháng 10/2018 dự án đã duyệt xong 1/500.
Thủ tục đã hoàn tất, hồ sơ không sai bất cứ dấu phẩy. Thế nhưng, khi trình UBND TPHCM thì chuyên viên trả về với lý do: “Sở Xây dựng ghi “cơ bản hoàn thành”, trong khi chuyên viên đòi là phải ghi “hoàn thành” thì mới nhận”, bà Loan nói.
“Chỉ một câu chữ thôi mà bắt chúng tôi phải quay lại từ đầu làm lại dự án gần như 100%, từ duyệt quy hoạch 1/2.000, trong lúc chúng tôi đã được duyệt đồ án 1/500”, bà Loan bức xúc.
Chưa dừng lại ở đó, khi hồ sơ trở về “số mo”, bà Loan liên hệ Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài Chính, UBND quận 7… để cập nhật phê duyệt quy hoạch. Do quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời giám đốc nên Sở Tài chính bảo mẹ Cường Đô la nếu muốn nhanh thì phải tự tìm hồ sơ.
“Tôi bỏ cả ăn sáng, ăn trưa. Tôi ngồi chầu chực ở quận 7 lấy được hồ sơ. Thế nhưng, khi tôi đến Sở Quy hoạch kiến trúc thì bị yêu cầu phải có công văn từ Sở Tài chính”, bà Loan nói.
“Làm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh mà mệt mỏi quá, bức xúc quá. Tôi nhiều lần trong tâm trạng chán nản, nếu không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên Quốc Cường Gia Lai thì tôi đã tự tử. Tôi còn nghĩ rằng mình để lại tâm thư để nhà nước làm cách nào tháo gỡ thủ tục”, bà Loan nói.
Sau những bằng chứng kể khổ và tố sự ách tắc của các Sở ngành, bà Loan kiến nghị đến lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo giải quyết ngay những tồn tại, vướng mắc nhỏ trong nội bộ từng đơn vị, trước khi giải quyết các vấn đề vĩ mô.
Ngoài ý kiến của bà Loan, hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn cũng nhận nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn của các doanh nhân.
Các sở ngành và lãnh đạo TPHCM lần lượt lắng nghe, chỉ đạo các cơ quan liên quan, trả lời cụ thể cho doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để giải quyết những vướng mắc về thủ tục, các sở ngành cần phải chủ động bàn bạc với nhau để giải quyết các nút thắt.
“Trong trường hợp các sở ngành liên quan vẫn chưa thể giải quyết thì phải báo cáo lên cấp trên, không để xảy ra hiện tượng không chốt thời gian giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.