Đến với chèo khá muộn và từng không biết gì về chèo nhưng nhờ khổ luyện, chỉ 1 năm sau khi vào trường Cao đẳng nghệ thuật Thái Bình, Quỳnh Trang đã trở thành sinh viên giỏi của lớp. HCV đầu tiên trong sự nghiệp của cô là vai Thị Màu kinh điển, từng được rất nhiều “cây đa cây đề” chinh phục.
Mới đây, diễn viên chèo Quỳnh Trang đã ra mắt MV Lời mẹ ru. Đây là ca khúc thuộc dòng nhạc dân ca, được người em viết riêng cho giọng hát của cô.
Đề tài về mẹ và lời ru đã được rất nhiều tác giả khai thác thành công với những ca khúc nổi tiếng. Vậy nên đây cũng là chủ đề khá khó cho tác giả Việt Hoàng để tìm ra cách viết riêng. Ca khúc được tác giả viết cho giọng hát của Quỳnh Trang nên đã có nghiên cứu để phù hợp với âm vực giọng của cô. Mặc dù là một nhạc sĩ trẻ nhưng với Lời mẹ ru, Việt Hoàng đã khéo léo kết hợp âm hưởng của dân ca Bắc bộ và “Đi cấy” của Đông Anh – Đông Sơn (Thanh Hóa) nơi Quỳnh Trang được sinh ra và lớn lên.
Quỳnh Trang trong MV Lời mẹ ru.
Với MV Lời mẹ ru, điều Quỳnh Trang gửi gắm không chỉ đơn thuần là một ca khúc, mà đó còn là bức tranh âm nhạc mà Trang cùng ekip đặt nhiều tâm huyết để khắc hoạ hình ảnh của làng quê Việt Nam xưa, đặc biệt là hình ảnh người mẹ – người phụ nữ truyền thống, luôn tần tảo, hy sinh cho chồng con, cho mái ấm gia đình. “Trang rất tâm đắc với những ca từ khá mới mẻ và giàu hình ảnh trong ca khúc như “Lời ru gánh cả nước non, vòng tay ấm mẹ cho con ngủ tròn“; Hay: “Dẫu cho đi bốn phương trời, lời ru của mẹ theo con trọn đời“. Mong rằng mọi người sẽ đón nhận MV Lời mẹ ru và tìm thấy những ký ức tuổi thơ của mình, những hình ảnh của mẹ qua MV này”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Quỳnh Trang cho biết, khi nhận ca khúc này, cô đã thấy như được tác giả nói hộ lòng mình những ký ức, những kỷ niệm về lời ru của mẹ từ thủa ấu thơ. Cô tâm sự: “Bất cứ ai khi còn nhỏ cũng đã từng được nghe những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Lời ru của mẹ không chỉ là nỗi niềm thao thức hát ru cho con ngủ, mong con khỏe mạnh khôn lớn từng ngày mà lớn hơn, lời ru của mẹ còn chứa đựng tấm lòng bao la và tình mẫu tử thiêng liêng. Để rồi lời ru ấy đã dạy con đạo lý làm người, truyền cho con tình yêu quê hương đất nước, yêu những gì gần gũi thân thương nhất như cây đa, bến nước, sân đình; yêu những người thân thuộc nhất và biết ơn những ai đã đem lại cho con cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay. Dù trưởng thành nhưng nghe lời ru của mẹ, ta vẫn là đứa trẻ bé bỏng của mẹ, muốn sà vào lòng mẹ, được mẹ vỗ về âu yếm như thời bé thơ”.
Đạo diễn Linh Nguyễn (giữa) cùng êkip thực hiện MV Lời mẹ ru.
Khi nhận ca khúc này Quỳnh Trang cũng không nghĩ sẽ thực hiện MV. Cô lựa chọn đạo diễn Linh Nguyễn cùng nhà hát, cũng chính là người đã động viên cô thực hiện MV này. “Khi nhận ca khúc từ người em, tôi chia sẻ với anh Linh Nguyễn và anh bảo, bài này ca từ mộc mạc, gần gũi nhưng đầy chất thơ và rất xúc động nên dễ đi vào lòng người. Nhất định em phải làm MV thì mới diễn tả hết được tinh thần và ý nghĩa của bài hát. Nhờ sự khích lệ này mà tôi mới có động thực để thực hiện nó. Càng ý nghĩa hơn nữa khi đó là MV đầu tiên trong sự nghiệp của tôi”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Vì là MV đầu tiên trong sự nghiệp, lại là ca khúc rất ý nghĩa về tình mẫu tử nên Quỳnh Trang đã mời mẹ mình vào MV, vừa để lưu giữ kỷ niệm, vừa mang lại cảm xúc chân thật nhất cho sản phẩm. Vai người chồng và con trai trong MV cũng là gia đình nhỏ của cô ngoài đời.
Người mẹ trong MV cũng chính là mẹ của Quỳnh Trang ngoài đời.
Tuy nhiên, để hát được ra chất dân ca với một diễn viên chèo cũng không hề đơn giản. “Hát chèo âm thanh cao, thánh thót và phải mở khẩu hình, còn hát dân ca thì dùng đến hát cộng minh nhiều hơn, cách hát ấy ngược lại với hát chèo, phải dựng khẩu hình lên, âm thanh phát ra phải dày, vang, rền. Bởi vậy phải rất khéo léo thì người nghệ sĩ mới hát được hai dòng nhạc mà không để chúng bị lẫn với nhau”, Quỳnh Trang nói.
Từ “như Tây hát chèo” đến đào chính và hàng loạt huy chương
Chia sẻ về lý do vì sao đang là diễn viên chèo lại rẽ hướng sang hát dân ca, Quỳnh Trang tâm sự: “Thực ra, từ bé tôi đã hát thanh nhạc và mong muốn được đi theo dòng nhạc này. Nhưng đúng là nghề chọn người và cơ duyên đến với chèo của tôi đầy ngẫu nhiên theo cách mà tôi không thể ngờ được là có ngày mình lại bén duyên chèo được như thế”.
Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ bé, Quỳnh Trang đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Từ thời mẫu giáo cô đã tham gia hát ở trường, rồi lớn lên cứ thể trở thành “cây văn nghệ”, có cuộc thi nào, chương trình gì là được trường, huyện cử đi tham dự. Nhưng lúc đó, bố mẹ cô chỉ nghĩ cho con tham gia lấy trải nghiệm thôi chứ không muốn con theo nghề ca hát vì định kiến với nghề này.
Sở hữu sắc vóc, giọng hát đẹp và khả năng diễn xuất, Quỳnh Trang gặt hái được nhiều thành công và trở thành đào chính của Nhà hát chèo Hà Nội.
Nhưng như một nhân duyên, học xong lớp 12, Quỳnh Trang về Thái Bình thăm người chị. Sau đó, được bác dâu là nghệ sĩ nhân dân Huyền Phin đưa sang trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình chơi. Tại đây, cô gặp NSND Đình Chiểu, khi đó là hiệu trưởng của trường. Thời trẻ, NSND Huyền Phin và Đình Chiểu là cặp hát đôi ăn ý của Nhà hát chèo Thái Bình, rất nổi tiếng với bài Nắng ấm quê hương. “Bác hỏi han xong thì bảo tôi hát thử và nói, giọng mảnh như thế này thì phải hát chèo mới hợp. Tôi từ chối vì có biết chèo là gì đâu. Nhưng bác động viên tôi rằng cứ học đi rồi sang năm chuyển sang học thanh nhạc cũng được”, Quỳnh Trang kể.
Quá trình học, Quỳnh Trang bị các bạn giễu “dân Thanh Hóa mà lại đi học chèo”. Mà quả thật, lúc vào trường cô như Tây hát chèo, trong khi đó, Thái Bình vốn là cái nôi của chèo. Sinh viên trong trường không con nhà nòi thì cũng được nghe chèo từ bé, ngấm vào máu rồi. Bị các bạn kích, thay vì nản chí thì tính hiếu thắng của tuổi trẻ nổi lên, Quỳnh Trang quyết tâm: “Đã thế thì mình học cho biết tay!”. Cô tập trung vào học, luyện giọng nên từ kỳ 2, cô là học sinh giỏi của lớp và từ năm thứ 2 được nhận học bổng.
Quỳnh Trang trong vở Người hát đào.
Vai diễn mang đến cho cô HCV thứ 2 trong sự nghiệp.
Tốt nghiệp tháng 5/2015 thì tháng 7, Quỳnh Trang dự thi Tài năng trẻ học sinh sinh viên các trường nghệ thuật trên toàn quốc. Với vai Thị Màu, cô xuất sắc giành HCV. Với vai diễn này, cùng thành tích học tập xuất sắc nên khi ra trường, cô được Đoàn chèo Thái Bình mời về nhưng vì muốn “bơi ra biển lớn” nên cô lên Hà Nội thi tuyển vào Nhà hát chèo Hà Nội. Vượt qua rất nhiều thí sinh, Trang là người duy nhất được tuyển vào nhà hát.
Sau nhiều năm nỗ lực cống hiến, năm 2024 Quỳnh Trang trở thành đào chính của Nhà hát Chèo Hà Nội. Cô ghi dấu ấn trong nhiều vai diễn như: Vai Nguyệt Hằng vở Người hát ả đào, vai Tố Oanh vở Cung thương một khúc; thứ chính vai công chúa Thuận Thiên trong Tình sử Thăng Long.
Năm 2024 cũng là năm có nhiều dấu ấn của Quỳnh Trang khi cô được 1 HCV vai Nguyệt Hằng trong vở Người hát ả đào và 1 HCB vai Thơm trong vở Cây tre trăm đốt trong Hội thi liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng.
Trước đó, năm 2022 cô giành giải nhất Sàn chiến giọng hát mùa 4.
Diễn viên chèo nhưng Quỳnh Trang còn giành giải Nhất cuộc thi Sàn chiến giọng hát, do từng có nhiều năm biểu diễn thanh nhạc trước khi đến với chèo. Vì thế, cho đến nay, cô có thể hát được nhiều dòng nhạc khác nhau.
Dù được nhiều giải thưởng về chèo nhưng Quỳnh Trang tâm niệm, để “nuôi” nghề và nuôi dưỡng đam mê, bản thân cô cũng phải xoay xở nhiều nghề khác nhau. Cũng may ngoài hát chèo, màu giọng của Quỳnh Trang hát được cả dân ca, quan họ và cả bolero (cô còn hát ả đào khi diễn vở Người hát ả đào). Thỉnh thoảng cô còn nhận hát đám cưới để có thêm thu nhập. Cô tâm sự: “Hiện lương ở nhà hát của tôi chỉ hơn 5 triệu đồng, nếu không đa di năng thì không đủ sống”. Dù vậy, Quỳnh Trang mong muốn sau này có cơ hội sẽ thực hiện các MV hát chèo cổ để vừa được sống với đam mê, vừa có ý nghĩa lưu giữ nghệ thuật truyền thống.