Cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành ba nhóm tái chế, thực phẩm và khác, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, cá nhân, hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm ba loại gồm tái chế, thực phẩm và khác. Nếu không phân loại, họ sẽ bị xử phạt 500.000 đến một triệu đồng, theo Nghị định 45/2022. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
UBND các địa phương và thanh tra ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt hành vi trên.
Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân loại rác tại nguồn sẽ giúp tăng nguyên liệu tái chế. Đây là cơ sở hình thành nền kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên, phục vụ cho sản xuất. Quy định này cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý, hướng tới nền kinh tế không phát thải năm 2050.
Đồ họa: Đăng Hiếu – Phùng Tiên
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng chất thải không phân loại sẽ gây thiệt hại cho kinh tế, xã hội, đồng thời tác động tiêu cực tới biến đổi khí hậu, do lượng phát thải khí metan lớn từ chất thải hữu cơ.
Thực tế, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ sớm, nhưng còn vướng mắc. Theo bà Xuyến, thiếu hạ tầng thu gom khiến việc phân loại rác không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thực sự hình thành nền kinh tế tái chế, dẫn tới “việc tìm kiếm đầu ra cho chất thải rắn còn lúng túng”.
“Muốn công tác phân loại có hiệu quả, hạ tầng phải đồng bộ”, bà Xuyến nói tại một tọa đàm giữa tháng 12.
Luật Bảo vệ môi trường xác định UBND các cấp chịu trách nhiệm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, gồm quy định phân loại chất thải. Tính đến giữa tháng 12, có 58 địa phương đã ban hành quy định này, 5 địa phương đang chờ phê duyệt.
Với chính sách phân loại rác tại nguồn, các nhà tái chế cũng kỳ vọng có nguồn nguyên liệu sạch, không lẫn rác sinh hoạt, giảm tỷ lệ hao hụt với nguyên liệu đầu vào.
Rác thải sinh hoạt sẽ được phân thành các loại để tiện cho thu gom, tái chế. Ảnh:Gia Chính
Từ ngày 5/1, các cơ sở sản xuất gang, thép, xi măng, lọc hóa dầu… phải chịu phí bảo vệ môi trường với khí thải, theo Nghị định 153/2024.
Mức phí này gồm hai khoản cố định 3 triệu đồng mỗi năm và khoản biến đổi (áp với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, thuộc đối tượng quan trắc). Khoản biến đổi quy theo các chất gây ô nhiễm thải ra gồm 800 đồng mỗi tấn bụi, khí NO2 và NO, 500 đồng cho một tấn CO… Mức phí này áp cho cả các cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, từ tháng 1/2025, cơ sở sản xuất phải công khai mức tiêu thụ năng lượng của xe cơ giới (ôtô, xe máy…), theo Thông tư 55 của Bộ Giao thông Vận tải. Thông tin phải được duy trì trong suốt thời gian họ cung cấp kiểu, loại xe này ra thị trường.
Với nhựa, lộ trình giảm sản xuất, nhập khẩu túi nilon khó phân hủy bắt đầu từ 1/1/2026. Chính phủ giao UBND các địa phương quy định, quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.