Chuyên gia “chẩn bão” Nguyễn Ngọc Huy đưa ra dự đoán về 2 kịch bản phức tạp của bão Trà Mi. Trong đó, một kịch bản cho thấy cơn bão có thể “quay đầu” trở lại biển.

Vì sao bão Trà Mi có thể đi vòng tròn rồi mới tiến vào miền Trung? - 1

Bão Trà Mi quan sát từ vệ tinh Himawari-9 sáng ngày 24/10 (Ảnh: Tropicaltidbits).

Vào 4 giờ sáng nay (24/10) bão Trà Mi đang ở vị trí giữa đảo Luzon của Philippines với sức gió mạnh 85km/h.

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão sẽ đi vào khu vực biển Đông của Việt Nam trong ngày hôm nay, và sẽ mạnh lên với vận tốc gió gần tâm bão 100km/h khi tiến vào khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 25, 26/10.

Sau đó, bão Trà Mi tăng lên cấp 11-12 giật cấp 15 vào ngày 27/10 và hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa).

Theo Reuters, bão Trà Mi đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở Philippines, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, hàng nghìn người sơ tán khi cơn bão đi qua.

Tổng thống Philippines Marcos cho biết lượng mưa đi theo cơn bão là “chưa từng có”, và thậm chí cảnh báo “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến”.

Lực lượng cứu hộ của quốc gia này đã nỗ lực giải cứu, sơ tán người dân trong khi tình trạng gió mạnh, mưa lớn và nước dâng do bão tàn phá các thị trấn ven biển tiếp diễn. Nhiều cơ quan chính phủ, trường học trên khắp đảo Luzon đã phải đóng cửa.

Chia sẻ nhanh với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Ngọc Huy, người nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh “Huy thời tiết”, cảnh báo 2 kịch bản khi bão Trà Mi đổ bộ vào Việt Nam.

Kịch bản thứ nhất, khi bão vào gần bờ vào ngày 27/10 sẽ giảm cấp gió xuống còn khoảng cấp 8 – 9. Sau đó, bão suy yếu thành vùng áp thấp gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 27- 30/10.
Vì sao bão Trà Mi có thể đi vòng tròn rồi mới tiến vào miền Trung? - 2

TS Nguyễn Ngọc Huy dự đoán cơn bão Trà Mi có thể sẽ “đi vòng tròn”, rồi mới đổ bộ vào đất liền (Ảnh: NVCC).

Kịch bản thứ hai phức tạp hơn, khi bão vào gần bờ ngày 27/10 sẽ tương tác với không khí lạnh và bị khối khí áp cao áp đảo, nên quay ngược về phía biển, và yếu đi.

Tuy nhiên sau khi quay ra và khối khí áp cao kia biến mất, bão “tập hợp” lực lượng và một lần nữa tiến vào bờ trong các ngày đầu của tháng 11.

Sở dĩ có kịch bản này là bởi phía cao nguyên Tây Tạng đang có không khí lạnh tràn về phía Nam, kèm theo đó là áp cao lục địa với khí áp lên đến 1020hpa.

Đây đều là hiện tượng thời tiết “khắc tinh” của bão, nên việc cơn bão bị suy yếu hoặc thay đổi đường đi là điều dễ hiểu.

“Cơn bão xuất hiện khi có nhiều hình thái thời tiết diễn ra cùng lúc, nên đường đi của bão sẽ rất phức tạp”, TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định.

Trước đó, chuyên gia này cũng cảnh báo tình hình mưa, bão, lũ sẽ phức tạp khó lường ở miền Trung và kéo dài tới tận tháng 11.

Về việc gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ của các cơn bão tại khu vực biển Đông, TS Huy cho rằng, biến đổi khí hậu là điều kiện thuận lợi để các cơn bão phát triển, khi chúng có xu hướng hấp thụ nước biển ấm lên giống như một “miếng bọt biển” và dần gia tăng cả về kích thước lẫn tần suất xuất hiện.

Bên cạnh đó, năm nay là năm chuyển pha El Nino sang La Nina. Quá trình chuyển pha nhanh đã đốt nóng và gây mất cân bằng nhiệt ẩm trên đại dương.

Yếu tố này đã góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển các cơn bão nhiệt đới.