Dù lấy chồng kém 20 nhưng chị Án vẫn tự tin vào nhan sắc của mình còn chồng chị thì luôn lo lắng sẽ bị ‘vợ bỏ’. Trong cuộc sống hôn nhân và tình yêu luôn có lý lẽ của riêng nó mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Vượt qua mọi định kiến và rào cản họ đến bên nhau và có những tháng ngày đầm ấm và hạnh phúc…
Lý lẽ của trái tim
Cách đây không lâu cặp đôi Hoàng Thị Án (SN 1978, Phú Thọ) và Nguyễn Hữu Hoàn (SN 1999, Hưng Yên) từng khiến cư dân mạng dậy sóng vì đăng ảnh cưới kèm theo giấy đăng ký kết hôn ghi rõ địa chỉ, ngày tháng năm sinh của cả hai người.
Cuộc hôn nhân của họ gây sự chú ý của rất nhiều người và cũng có không ít những lời gièm pha, dị nghị.
Rất nhiều ý kiến trái chiều cho cặp đôi đũa lệch khi nói ‘chú rể bị lừa’, cô dâu ‘trâu già thích gặm cỏ non’. Bởi, họ kém nhau đến 21 tuổi và càng bất ngờ hơn khi mẹ chồng chị Án chỉ hơn chị có 13 tuổi. Nhưng, sau gần 3 năm họ đã chứng minh ‘một tình yêu không tuổi’. Trải qua mọi trở ngại họ vẫn dành cho nhau sự quan tâm và động viên để cùng nhau vun vén một mái ấm.
Mới đây, chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, chị Hoàng Thị Án cho biết: ‘Ngày mới lấy nhau về chúng tôi cũng chịu không ít lời dị nghị, bàn ra tán vào của thiên hạ. Nhưng, chúng tôi vẫn sống vui vẻ và hạnh phúc bên nhau. Mặc dù nhiều hơn chồng đến 20 tuổi nhưng tôi được chồng yêu thương chiều chuộng, thậm chí anh ấy con nơm nớp lo tôi sẽ bỏ’.
Lý do chồng sợ bỏ được chị Án tiết lộ: ‘Lúc nào anh ấy cũng bảo với tôi ‘anh nghèo, làm cũng chỉ đủ ăn, nên anh sợ vợ sẽ bỏ anh đi theo người khác’. Những lúc như thế tôi chỉ biết nói ’em đi đâu được nữa, đây là nhà em, em sẽ ở mãi với anh’. Hôm trước tôi còn hỏi chồng: Em già hơn anh, xấu xí hơn anh anh có chán em không? Chồng tôi chỉ cười. Như vậy là tôi biết chồng chưa bao giờ chê nhan sắc của vợ, nhất là 3 vòng của tôi. Nhiều người cũng hỏi tôi có sợ không, tôi lắc đầu, vì tôi có bí quyết giữ chồng’.
Tiết lộ chuyện mẹ chồng nàng dâu
Trò chuyện thêm với PV về mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu chị Án cho biết, mẹ chồng chị chưa bao giờ coi chị là con dâu mà xem chị như con gái, như một người bạn. ‘Ban đầu mới về tôi cũng ngại ngùng cách xưng hô với mẹ chồng vì vấn đề tuổi tác (mẹ chồng hơn chị Án 13 tuổi – PV).
Sau đó, thấy mẹ chồng tôi cởi mở, hay tâm sự và chân thành nên tôi đã mở lòng mình hơn. Hai mẹ con có chuyện gì cũng nói cho nhau nghe và mẹ rất bênh vực tôi. Có những lúc mẹ thấy tôi tham công tiếc việc liền nhắc nhở ngay. Nhiều người nhìn vào mối quan hệ của hai mẹ con bảo không có mẹ chồng nàng dâu nào giống như mẹ con tôi cả’, chị Án bày tỏ.
Nói đến đây, bỗng nhiên giọng chị Án chùng xuống, có lẽ, còn một nỗi niềm mà chị và chồng chưa làm tròn bổn phận chính là có một đứa con cho vui cửa vui nhà.
‘Gần 3 năm rồi, vợ chồng tôi vẫn mong lắm nhưng chưa được. Đứa con chính là sợi dây thiêng liêng gắn kết giữa hai vợ chồng. Vì thế, năm mới chúng tôi sẽ cố gắng để đạt được ước muốn và làm mẹ vui’, chị Án chia sẻ.
Cuộc sống không như mơ, ngày ngày mò cua bắt ốc
Trải qua nhiều năm sau hôn nhân, cuộc sống vợ chồng anh Hoàn vẫn tiêu điều, nhếch nhác như bao ngày khác. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt vứt vương vãi, lộn xộn. Trong nhà không có tài sản đáng giá nào ngoài chiếc ti vi cũ và chiếc xe đạp cà tàng như thời điểm trước.
Nhà bà Hường tềnh toàng không vật dụng gì đáng giá.
Nhắc đến công việc, anh Hoàn buồn bã, từ đầu năm tới nay, cả 2 vợ chồng tôi đều mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
“Hàng ngày vợ chồng tôi cùng mẹ đi mò cua bắt ốc. Hôm nào bán được thì mua thịt, cá. Còn hôm nào không bán được thì 3 mẹ con ngồi khều ốc ăn trừ bữa”, anh Hoàn nói.
Tiếp lời con trai, bà Hường cho biết, sau khi nghỉ việc ở công ty, chị Án thuê địa điểm ở huyện mở cửa hàng tẩm quất được ít ngày phải đóng cửa vì dịch COVID-19. Tiền thuê nhà 6 tháng với tiền mua sắm đồ vài chục triệu coi như mất trắng. Còn anh Hoàn đi làm ở đâu cũng bị đuổi việc vì không có sức khỏe.
Tuy mới ngoài 20 tuổi nhưng anh Hoàn không được khỏe mạnh như người bình thường, tay phải của anh gần như bị liệt và không có sức lực. Nguyên nhân là do hồi bé anh Hoàn xảy ra va chạm với bạn cùng trường.
Bà Hường ngậm ngùi trần tình, có lần gạo chỉ còn một nắm, cả gia đình chỉ nấu được nồi cháo loãng ăn cầm hơi. Nửa đêm thấy con dâu lục đục không ngủ được, bà Hường lại ứa nước mắt.
Cuộc sống tạm bợ của gia đình họ cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày. Trong thâm tâm, bà Hường cũng mong muốn các con có một cuộc sống đầm ấm như những gia đình khác nhưng bất lực. Sống trong cảnh túng quẫn, chồng ốm yếu không làm gì ra tiền khiến chị Án có phần chán nản. “Tôi không muốn nói gì về chuyện cưới xin nữa, vì giờ có ước thời gian cũng không quay trở lại”, chị Án nói rồi mong sức khỏe chồng tốt hơn để đi làm kiếm thêm thu nhập.