Trịnh Thăng Bình và Liz Kim Cương.
– Anh rút kinh nghiệm gì sau loạt ồn ào từ hát live, Hiền Hồ đến Liz Kim Cương?
Mười mấy năm qua, tôi chỉ biết hát, sống kín đáo. Lòng tự tôn của tôi rất lớn, không cho phép mình rơi vào hoàn cảnh để người khác chỉ trích. Vì vậy, việc đối diện những ồn ào thật không dễ dàng, nhất là với tình trạng sức khỏe tồi tệ.
Tôi đã sống không thù ghét ai nên mong không bị người khác ghét. Tôi không phải thánh nhân nên chắc chắn có lúc không tốt, mắc sai lầm. Vì vậy, bản thân chọn cách đối diện một cách tích cực, tiếp thu và sửa sai bằng hành động.
Bán nhà làm phòng thu, tôn thờ âm nhạc
– Anh bán nhà xây phòng thu, phải chăng hơi dại dột?
Tôi độc thân nên không cần quá nhiều nhà, bán căn để đầu tư cho đam mê, mang lại giá trị cho nghề nghiệp cũng xứng đáng.
Tôi từng đầu tư nhiều lĩnh vực như thời trang, phụ kiện, bar, bất động sản và chứng khoán đều thất bại. Chỉ khi đầu tư vào âm nhạc, tôi mới thăng tiến và thu “lời” nên có niềm tin kiên định sẽ sống bằng nghệ thuật đến hơi thở cuối cùng.
Vì vậy, tôi dồn hết thời gian, công sức và tiền bạc để có một phòng thu đạt chuẩn quốc tế như mơ ước. Tôi tôn thờ âm nhạc, có thể nghiên cứu từ sáng đến tối mỗi ngày không chán.
Người khác thấy hạnh phúc khi đi du lịch, ở nhà cao cửa rộng, mua xe, làm từ thiện… riêng tôi hạnh phúc, thỏa mãn khi tìm tòi và tạo ra những âm thanh đạt chuẩn từng nghe ở nước ngoài.
Phòng thu này được đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Tôi không hề giàu như lời đồn, lần nào mua thiết bị điện tử đều thận trọng tính toán, siết chặt thu chi, rất đau đầu.
May mắn, tôi luôn hài lòng với những gì đang có, không bất chấp kiếm tiền cũng không có sở thích nào xa xỉ, hoang phí.
Trấn Thành hát trong phòng thu 5 tỷ đồng của Trịnh Thăng Bình.
– 17 năm trong nghề, anh rút ra điều gì?
Tôi có tất cả nhờ âm nhạc và khán giả. Tôi yêu và sợ khán giả đến mức đôi lúc hơi… hèn.
Hồi bị loại sớm ở Sing my song 2016, tôi hoang mang, hoài nghi chính mình, trong đầu quanh quẩn mấy suy nghĩ: “Mình kém cỏi vậy sao”, “Mình hết thời rồi”, “Không ai muốn nghe nhạc của mình nữa”…
Vỡ tan – từ một bài khiến tôi bị loại sớm ở cuộc thi, không được truyền thông bài bản được khán giả yêu thích, chia sẻ và trở thành hit. Chính họ đã cứu rỗi tôi.
Từ tay ngang vào nghề, tôi thành công nhờ sự ủng hộ của khán giả chứ chưa từng được người trong nghề giúp đỡ. Nếu không là họ, tôi nên biết ơn ai đây? Vì vậy, tôi chấp nhận bị chê “hèn” trước những người tạo nên Trịnh Thăng Bình hôm nay.
– Mỗi người đều chuẩn bị một đường lui cho sự nghiệp, anh không ngoại lệ?
Năm 25 tuổi gặt hái thành công đầu tiên với ca khúc Người ấy, tôi đã nghĩ đến ngày không còn giọng hát, ngoại hình và khán giả.
Xác định sống bằng nghệ thuật đến hết đời, tôi bắt đầu học cách tự sản xuất âm nhạc, thu âm, tổ chức show… và luyện tập nhiều kỹ năng mềm.
Nếu không thể tiếp tục hát, tôi vẫn có thể làm rất nhiều việc trong nghệ thuật. Biết đâu tôi mở lớp dạy tư duy, kỹ năng nghề hoặc công nhân hậu đài.
Bạn đừng nghĩ dễ làm công nhân hậu đài, mỗi chương trình họ phải cắm trung bình 40 – 60 dây in, out (hai cổng kết nối cơ bản truyền dẫn tín hiệu ra – vào của thiết bị âm thanh). Tôi phải học nhiều để tự mình cắm chuẩn hơn 200 dây in, out trong studio này.