(Dân trí) – Lương cao nhất của giáo viên hiện nay là hơn 12 triệu đồng/tháng. Từ 1/7 thực hiện cải cách tiền lương, bảng lương của giáo viên sẽ bãi bỏ lương cơ sở và hệ số như hiện nay.
Hiện nay lương của giáo viên được tính bằng công thức: Lương giáo viên = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP, lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng /tháng.
Bên cạnh đó, hệ số lương của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT được quy định tại các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT và được sửa đổi bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.
Bảng lương hiện nay của giáo viên các cấp như sau:
Như vậy, mức lương giáo viên cao nhất ở một số cấp học hiện nay là hơn 12 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phụ cấp và mức lương thấp nhất là 3,78 triệu đồng/tháng.
Khi thực hiện cải cách tiền lương đối với giáo viên từ 1/7, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Do đó, giáo viên sẽ được thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp.
Trong đó, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp) (nếu có).
Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Khi thực hiện cải cách tiền lương với công chức, viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung. Lý giải về việc này, Bộ Nội vụ cho rằng, Việt Nam đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế.