Quá trình tìm việc của Tiểu Ngũ (Nam Ninh, Trung Quốc) ở những năm 30 tuổi không mấy suôn sẻ. Sau gần 6 tháng nghỉ việc ở công ty cũ, cuối cùng anh đã nhận được thư mời làm việc với mức lương tương xứng tại một công ty chuyên về xuất nhập khẩu. Ở thời điểm đó, 4 đồng nghiệp khác cũng vào làm ngày đầu tiên như anh.

Sau khi làm việc được 2 tuần, anh cảm thấy yêu thích môi trường làm việc và đồng nghiệp xung quanh nên nỗ lực cống hiến hết mình. “Đôi khi tôi còn chủ động đặt câu hỏi và xin lời khuyên từ những người đi trước. Tất nhiên, họ đều là những người tốt bụng nên sẵn sàng giải đáp giúp tôi mọi thắc mắc”, Tiểu Ngũ chia sẻ.

Chỉ 1 ngày trước khi nhận được kết quả ai sẽ trở nhân viên chính thức trong 5 người, sếp đã mời nhân viên mới 1 bữa buffet hải sản tại khách sạn sang trọng nằm giữa trung tâm thành phố.

Tất cả nhân viên mới của đợt tuyển dụng đều khá thắc mắc về bữa ăn hôm đó. Ai cũng đặt câu hỏi không biết đây có phải là bữa ăn thông báo kết quả hay không. Một số người tỏ rõ sự lo lắng vì sợ rằng mình sẽ bị sa thải.

Tuy nhiên, trong bữa ăn hôm đó, mọi người đã có cơ hội được trò chuyện vô cùng vui vẻ. Sếp hỏi từng người một về việc đã thích nghi được với công việc mới hay chưa, có gặp vấn đề gì trong công việc không.

Sếp mời đi ăn buffet nhưng lại bỏ về trước, tôi chủ động thanh toán hoá đơn hơn 5 triệu đồng: 1 ngày sau nhận được tin nhắn mà ấm lòng - Ảnh 1.


Nhân bữa ăn hôm đó, tất cả mọi người đều báo cáo tình hình công việc gần đây của mình. Không ngoại lệ, Tiểu Ngũ cũng chia sẻ những đóng góp của mình cho công ty. Song là người tinh tế, anh cũng tự nhìn nhận ra khuyết điểm của bản thân và xin lời khuyên từ sếp.

Khi bữa ăn trôi qua được gần 2 giờ đồng hồ, vị sếp này đột nhiên có cuộc điện thoại và nói rằng có việc gấp cần phải đi giải quyết ngay. Anh ta rời đi và không để lại bất kỳ lời nhắn nào. Tất cả 5 nhân viên mới đều khá ngỡ ngàng bởi không biết sẽ thanh toán bữa ăn này như thế nào. Lúc này, 1 người bé tuổi nhất thắc mắc có cần đợi sếp quay trở lại đây không. Mọi người không ngừng đưa ra giải pháp nhưng dường như không ai muốn thanh toán bữa ăn ngày hôm đó.

Nhận thấy mất thời gian để suy nghĩ việc này, Tiểu Ngũ ngay lập tức viện cớ ra ngoài nghe điện thoại. Trong lúc đó, anh đã đi xuống khu vực lễ tân để tự thanh toán toàn bộ bữa ăn, khoảng 1.500 NDT (xấp xỉ 5,2 triệu đồng). Sau đó, anh về nhà luôn và nhắn lại với mọi người về việc đã trả tiền.

Ngay ngày hôm sau đi làm, vị sếp này đến tận chỗ của Tiểu Ngũ gửi lại tiền bữa ăn và xin lỗi về việc làm tối qua. Không lâu sau đó, kết quả sau 2 tháng thử việc được công bố. Thật không ngờ, chỉ duy nhất Tiểu Ngũ trở thành nhân viên chính thức. Điều này khiến anh vô cùng ngạc nhiên. Bởi 3 trong số 5 người được tuyển dụng cùng đợt có kinh nghiệm hơn hẳn người đàn ông ngoài 30 tuổi này.

Tuy nhiên, đọc đến cuối lá thư, anh mới thực sự hiểu lý do tại sao mình được chọn. Vị sếp này đã để lại lời giải thích vô cùng ngắn gọn. Theo đó, việc sếp rời đi trước trong bữa ăn buffet chỉ là tình huống vị này muốn kiểm tra khả năng thích ứng của nhân viên mới. Cách xử lý của Tiểu Ngũ là điều ông mong đợi ở 1 người nhân viên trong công ty mình.

Vị quản lý này cho rằng năng lực chuyên môn, kinh nghiệm làm việc là điều ai cũng cần. Song điều quan trọng hơn cả là cách ứng xử khi đối mặt với những tình huống khó, bất ngờ trong khi làm việc. Kết thúc lá thư, vị sếp này không quên gửi lời cảm ơn đến Tiểu Ngũ thêm một lần nữa.

Chia sẻ về trải nghiệm của mình, anh hoàn toàn không nghĩ gì khi rút ví thanh toán bữa ăn hôm đó. Song sau khi trở về và đọc được những dòng này, nam nhân viên cảm thấy vô cùng ấm lòng và yên tâm khi được làm việc với 1 người sếp như vậy.