×

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: “Tại sao lúc nào tôi cũng chịu thiệt thòi?”

Một cô giáo ở Hà Nội với thâm niên 20 năm trong nghề đã có những tâm sự buồn, hụt hẫng trước nhiều lần thăng hạng, nâng lương nhưng không có tên mình:

“Tôi là giáo viên, hiện công tác trong một trường tiểu học tại quận Long Biên, Hà Nội. Nếu tính về tuổi nghề là tròn 20 năm, trong đó thâm niên 17 năm trong biên chế. Tháng lương đầu tiên tôi nhận được là 250.000 đồng. Khi nhận lương, tôi có chút hoang mang. Khi đỗ biên chế, tôi tiếp tục hoang mang khi hưởng lương hạng IV (Trung cấp) trong khi tôi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm. Tuy là vậy nhưng tôi vẫn hoàn toàn vui vẻ.

17 năm cống hiến cho ngành giáo dục với đồng lương thật sự ít ỏi (vì tôi lại là giáo viên bộ môn nên ngoài lương tôi không có thêm khoản thu nhập nào khác) nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ, yêu nghề tôi vẫn cống hiến, dành cả thanh xuân cho giáo dục. Tôi đạt thành tích nhiều, nâng lương sớm, chứng nhận, giấy khen…

Năm 2020, có đợt thăng hạng, tôi đã khấp khởi mừng rỡ và hy vọng tiền lương sẽ khấm khá hơn. Nhưng không, tôi thất vọng hơn!

Lên hạng III bậc lương của tôi tụt 3 bậc dù hệ số lương có cao hơn hệ số cũ. Và chính thời điểm này, các bạn đồng nghiệp của tôi, thậm chí là các bạn vào sau tôi nhiều năm bắt đầu lại điểm xuất phát bằng tôi, thậm chí hơn tôi vì thời điểm tính bậc lương tiếp theo theo quyết định (Tôi càng không hiểu tại sao từ bậc 8 của hạng IV tụt về bậc 5 của hạng III lại bị tính thời điểm nâng lương tiếp theo sau cả các bạn từ bậc 6 của hạng IV về bậc 5 của hạng III).

Lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách: "Tại sao lúc nào tôi cũng chịu thiệt thòi?"- Ảnh 1.

Nhiều thầy cô hy vọng lương giáo viên từ 1/7/2024 sau cải cách sẽ tăng. Ảnh minh họa: NVCC

Năm 2019, Bộ GDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp phải là cử nhân đại học. Tôi lóc cóc đi học dù tuổi đã nhiều, gia đình xảy ra nhiều biến cố. Cuối cùng, với nhiều nỗ lực, tôi cũng cầm được tấm bằng đại học trên tay.

Năm 2023, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 08 về thăng hạng Chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Tôi vui mừng vì mình có cơ hội được thăng hạng kịp thời. Và rồi, tôi hoàn toàn tuyệt vọng khi Thông tư 08 yêu cầu phải có bằng đại học đủ 9 năm. Tôi ngậm ngùi nhìn các bạn được thăng hạng.

Đến thời điểm này, tôi đã chấp nhận rằng có lẽ số của mình không được may mắn. Thôi thì cứ vui vẻ chấp nhận. Vẫn yêu nghề yêu trẻ, vẫn đi dạy vẫn cống hiến dù rằng đến trường không được tươi vui như trước bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Đồng lương 17 năm thâm niên không thể lo được cho bản thân và 2 con nhỏ ăn học. Tôi phải đi dạy thêm hợp đồng một số tiết để kiếm thêm thu nhập.

Nhưng, đó chưa phải là đã hết. Bản dự thảo cải cách tiền lương tháng 7/2024 (tôi mới được đồng nghiệp cho xem, chưa phải bản chính thức) tới đây lại một lần nữa khiến tôi cảm thấy nghi hoặc chính mình. Có phải tôi đã lựa chọn sai nghề hay không? Thế lực siêu nhiên nào đã tiếp sức cho tôi đến tận ngày hôm nay vẫn tận tuỵ với nghề giáo?

Với dự thảo cải cách tiền lương tới đây, thâm niên nghề sẽ bị xoá bỏ. Tôi bây giờ vẫn tự hào hơn các bạn đồng nghiệp là có 17 năm thâm niên trong nghề, được thêm mỗi tháng vài trăm nghìn. Nhưng tới đây nếu xoá bỏ, lương của tôi xếp ở gần cuối bảng.

Tôi tự hỏi, gần 20 năm cống hiến cho giáo dục rơi đâu mất rồi. Thành tích, giấy khen, chứng nhận… cuối cùng cũng để làm gì? Chỉ là những tờ giấy không có tác dụng, chỉ để chưng cho đẹp, cho oai… nhưng đẹp và oai không nuôi sống con người trong xã hội này.

Mỗi lần thăng hạng, cải cách tiền lương… kẻ khóc người cười nhưng tôi thì chưa một lần được cười. Sự chênh lệch về tiền lương sau cải cách là quá lớn. Các bạn chỉ cần bằng đại học đủ 9 năm, là nghiễm nhiên ở hạng II với mức lương cao hơn hẳn. Mà chưa cần cải cách tiền lương, hiện tại tôi 17 năm lương vẫn ở Bậc 5 hệ số 3,66, còn các bạn vào sau tôi gần 10 năm, bây giờ đang hưởng hệ số là 4.00 của hạng II.

Tại sao lúc nào tôi cũng chịu thiệt thòi? Trước đây tôi có bằng Cao đẳng, tại sao lại nhận lương Trung Cấp? Bây giờ tôi có bằng Đại học, tại sao lại yêu cầu đủ 9 năm? Lúc nào tôi cũng làm việc hết mình, tận tuỵ với nghề. Đâu phải người có bằng đại học trước tôi là họ làm gấp trăm gấp 10 lần tôi? Có những người thậm chí có bằng đại học từ rất lâu rồi vẫn chỉ đến lớp dạy xong là về, bàng quan với tất cả mọi việc của tập thể nhưng vẫn được ưu ái? Vậy những việc thế này các cấp lãnh đạo có biết không?

Tôi sẽ không mong đợi bất cứ điều gì nữa. Nghề không yêu mình thì thôi mình cũng nên buông, không nên cố. Cũng nên để cho các bạn trẻ cống hiến xứng đáng với tiền lương mà các bạn ấy được nhận. Tự an ủi mình thôi thì cứ thế này cho đến lúc nghỉ hưu, muốn có thêm thu nhập thì lại phải lao ra ngoài cày cuốc vậy”.

Related Posts

Our Privacy policy

https://tinhay8.com - © 2025 News