GĐXH – Không phải tôi tiếc tiền đưa cả nhà đi chơi nhưng tôi không thích sự áp đặt, tự quyết định mọi việc của mẹ chồng như thế.

Vợ chồng tôi lấy nhau 5 năm, có hai cậu con trai. Tôi làm văn thư xã, chồng làm ở công ty sơn gần nhà. Lúc mới cưới, chúng tôi ở cùng mẹ chồng, sau đó vài năm thì xây được nhà ra ở riêng, cuộc sống không dư dả nhưng cũng đủ sống ở quê.

Đợt vừa rồi chồng tôi làm thêm môi giới bán được vài mảnh đất nên cũng có chút thù lao. Anh nói tiền đó để thưởng cho cả gia đình chuyến đi du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 sắp tới.

Khỏi phải nói, khi được đi chơi, tôi và các con đã vui mừng đến chừng nào. Từ ngày lấy nhau đến giờ, tôi thì bận bầu bì rồi con nhỏ, chồng cũng mải đi làm kiếm tiền, thành ra cả nhà chưa đi chơi xa cùng nhau bao giờ. Chỉ loanh quanh ở gần nhà hoặc có đi xa cũng chỉ là cho con ra phố chơi trong một ngày rồi về.

Con dâu muốn hủy chuyến du lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới chỉ vì yêu cầu vô lý của mẹ chồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vì vậy, dù cách chuyến đi trước cả nửa tháng nhưng tôi háo hức lắm. Tôi lên kế hoạch mua vali, quần áo, đồ bơi, mũ nón kính râm, thuốc men… cho cả nhà, thậm chí còn đặt mua cả quần áo đồng phục gia đình để chụp ảnh làm kỷ niệm chuyến đi tắm biển đầu tiên của cả nhà. Tôi muốn mọi thứ được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để chuyến đi suôn sẻ, vui vẻ nhất có thể.

Vậy mà, trong lúc đang đếm từng ngày để đến chuyến đi chơi sắp tới, hôm qua, mẹ chồng sang đề nghị một chuyện khiến tôi nghẹn ứ ở cổ. Chuyến đi chơi trong mơ bỗng trở nên xa vời.

Ban đầu, mẹ chồng sang nhà tôi nói chuyện sắp tới bà định sửa lại gian bếp, muốn chúng tôi chuẩn bị nguyên vật liệu để làm. Và dịp nghỉ lễ sắp tới là thời điểm lý tưởng nhất để làm vì ai cũng được nghỉ.

Sau khi biết chúng tôi định đi du lịch dịp đó, mẹ chồng tỏ rõ sự khó chịu. Bà cho rằng dịp lễ đi chơi vừa đông đúc vừa tốn kém, chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ”, tiền đó để làm nhiều chuyện có ích hơn.

Tuy nhiên, sau khi tôi thuyết phục các cháu chưa được đi tắm biển bao giờ nên rất háo hức, vợ chồng tôi cho con đi chơi về sẽ lo chuyện sửa bếp cho bà, lúc ấy mẹ chồng mới dần thay đổi thái độ.

Bà suy nghĩ vài phút rồi bỗng nhắc đến cô con gái lấy chồng trên Sơn La. Bà nói bà thương con lấy chồng xa, về miền núi nghèo xa xôi, mấy năm không có tiền về thăm nhà.

Hai đứa con nhà cái Thúy cũng chưa được đi tắm biển bao giờ. Hay nhân dịp này, để tôi bảo mẹ con nó xuống đây rồi cả nhà đi cùng nhau. Tôi cũng đi để trông mấy đứa trẻ con.

Chẳng mấy khi anh chị có lộc đất đai, chẳng nhẽ lại không ‘bao’ mẹ và em được chuyến đi chơi. Đằng nào chẳng tiện một chuyến đi, chỉ là thêm bát thêm đũa thôi mà. Thôi cứ thống nhất thế đi nhé”.

Trước câu nói của mẹ chồng, tôi cũng chỉ biết cười gượng. Song điều khiến tôi bất ngờ hơn là ngay sau đó, mẹ chồng liền rút điện thoại ra bấm số gọi cho con gái ngay trước mặt tôi. Và bà thông báo chuyện nhà tôi sẽ “bao” chuyến du lịch tắm biển như chuyện đã rồi.

Đến lúc ấy thì tôi không thể cười được nữa. Suốt 2 năm sống chung cùng mẹ chồng, tôi đã quá mệt mỏi khi mọi chuyện lớn bé trong nhà, tôi đều phải làm theo ý bà. Kể cả việc đặt tên cho con tôi, mẹ chồng cũng can thiệp vào, bắt phải đặt theo cái tên bà chọn.

Mãi khi vợ chồng tôi có tiền, xây nhà ra ở riêng, cuộc sống của tôi mới dễ thở hơn chút. Dù thỉnh thoảng vẫn bị mẹ chồng sang nhắc nhở phải làm thế nọ thế kia.

Đến bây giờ, khi muốn cả nhà đi du lịch cùng nhau, mẹ chồng cũng bắt tôi phải “gánh” thêm cả bà và mấy mẹ con em chồng. Không phải tôi tiếc tiền đưa cả nhà đi chơi nhưng tôi không thích sự áp đặt, tự quyết định mọi việc của mẹ chồng như thế.

Chẳng cần phải nói, nếu chuyến đi chơi sắp tới có cả mẹ chồng và em chồng đi cùng, tôi dám chắc, nó sẽ chẳng thể nào là chuyến đi chơi vui vẻ và trọn vẹn được. Rồi tôi sẽ đau đầu với cả tá những yêu cầu mà mẹ chồng đưa ra trong suốt chuyến đi.

Bao háo hức về chuyến đi trong tôi bỗng tắt ngấm. Giờ tôi chỉ muốn hủy không đi nữa. Nhưng nếu không đi, mẹ chồng kiểu gì cũng đi rêu rao nói tôi tiếc tiền không đưa nổi mẹ chồng đi du lịch. Rồi ở nhà, bà lại bày vẽ đủ thứ để tôi không có ngày nghỉ, như thế chẳng khác nào “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Giờ tôi nên làm thế nào để vẹn cả đôi đường đây? Xin hãy tư vấn giúp tôi với.