GDVN – Giáo viên cùng hạng sẽ cùng trình độ và văn bằng chứng chỉ tương đương nhau, cùng định mức giảng dạy như nhau nhưng mức thu nhập của mỗi giáo viên mỗi khác.

Việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024 đã giúp cho nhiều nhà giáo ở các nhà trường “sống được bằng lương”. Tuy nhiên, khi tăng lương cơ sở từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng cũng tạo ra khoảng cách về lương giữa đội ngũ giáo viên trong từng nhà trường càng lớn hơn.

Chưa cần so sánh giữa giáo viên hạng này với hạng khác mà ngay giáo viên cùng hạng với nhau sẽ cùng trình độ và văn bằng chứng chỉ tương đương nhau, cùng định mức giảng dạy như nhau nhưng mức thu nhập của mỗi giáo viên mỗi khác, có thể chênh lệch với nhau nhiều triệu đồng/ tháng.

Trong khi, hiệu quả công việc giữa giáo viên cùng hạng không thể hiện, minh chứng được người lương cao sẽ làm việc tốt hơn người có mức thu nhập thấp hơn, hoặc người có thu nhập thấp hơn làm việc kém hiệu quả hơn.

Vì thế, việc tăng lương cơ sở từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng từ ngày 01/7/2024 dù đa phần đội ngũ nhà giáo công lập vui mừng nhưng cũng có không ít nhà giáo tâm tư khi cùng định mức công việc như nhau mà khoảng cách về lương giữa giáo viên này với giáo viên khác đang có sự chênh lệch khá lớn.
thuongtet-7702-5088-7355.jpg

Ảnh minh họa: TTXVN
Cùng làm công việc như nhau nhưng lương giáo viên đang có sự chênh lệch khá lớn

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01- 04/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập và chùm thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Tiếp theo, ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023).

Theo đó, khi bổ nhiệm giáo viên cùng cấp, cùng hạng sẽ có những tiêu chí tương đồng với nhau về văn bằng, chứng chỉ, nhiệm vụ được phân công và quy định số năm công tác khi chuyển từ hạng thấp sang hạng cao. Sau các hướng dẫn của Bộ và các cơ quan chức năng ở địa phương, các nhà trường tiến hành thực hiện hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp trên bổ nhiệm hạng mới theo hướng dẫn.

Chẳng hạn, đối với giáo viên các trường Trung học cơ sở công lập hiện nay nếu đáp ứng đủ các văn bằng, chứng chỉ theo quy định và qua 9 năm công tác đang ở hạng III cũ sẽ được bổ nhiệm là giáo viên hạng II mới, hoặc đang ở hạng II cũ sẽ được chuyển sang hạng II mới. Tuy nhiên, cùng là giáo viên hạng II nhưng hệ số lương của giáo viên lại khác nhau và có sự chênh lệch rất lớn.

Lương giáo viên hạng II của cấp Trung học cơ sở có 8 bậc, được tính từ lương bậc 1- hệ số lương 4,0 đến bậc 8- hệ số lương 6,38. Khi lên mỗi bậc lương sẽ cộng thêm hệ số là 0,34.

Vì thế, một giáo viên hạng II cũ có 15 năm công tác (khoảng 36-37 tuổi) đang hưởng lương bậc 6, hệ số 3,99, khi chuyển sang hạng II mới, hưởng lương bậc 1 với hệ số lương 4,0 sẽ có mức lương như sau: hệ số lương 4,0 + 30% phụ cấp ưu đãi (= hệ số 1,20) + 13% phụ cấp thâm niên (= hệ số 0,52) = 5,72 (tổng hệ số lương).

Hệ số 5,72 (tổng hệ số lương) x 2.340.000 (lương cơ sở) = 13.384.800 đồng (chưa trừ các khoản bảo hiểm).
Từ 1/7, chênh lệch lương GV mới ra trường với lâu năm, giữa các bậc học ra sao?

Từ 1/7, chênh lệch lương GV mới ra trường với lâu năm, giữa các bậc học ra sao?

Trong khi, cũng một giáo viên hạng II có 28 năm công tác (khoảng 49-50 tuổi) khi chuyển sang hạng II mới sẽ hưởng lương bậc 5, hệ số 5,36.

Công thức tính lương của giáo viên này như sau: hệ số lương 5,36 + 30% phụ cấp ưu đãi (= hệ số 1,67) + 26% phụ cấp thâm niên (= hệ số 1,45) = 8,48 (tổng hệ số lương).

Hệ số 8,48 (tổng hệ số lương) x 2.340.000 (lương cơ sở) = 19.843.200 đồng (chưa trừ các khoản bảo hiểm).

Như vậy, cùng là giáo viên hạng II của một giáo viên khoảng 36-37 tuổi và 1 giáo viên khoảng 49-50 tuổi sẽ chênh lệch nhau là 6.458.400 đồng/ tháng. Nếu so sánh giáo viên hạng II đang hưởng lương bậc 1 với giáo viên hạng II bậc 6 (hệ số 5,70), bậc 7 (hệ số 6,04), bậc 8 (hệ số 6,38) thì mức chênh lệch còn nhiều hơn nữa.

Trong khi, giáo viên đã có 15 năm tuổi nghề là đang ở độ chín của sự nghiệp và tất nhiên hiệu quả công việc của họ cũng thực hiện rất tốt. Thậm chí ở một số trường học, đội ngũ nhà giáo có 15-20 năm công tác đang là lực lượng nòng cốt ở khi họ tham gia các phong trào thi đua, hội giảng, thao giảng, bồi dưỡng học sinh giỏi và kiêm nhiệm phần lớn các công việc đoàn thể, chính quyền ở các nhà trường.

Bất cập về lương sẽ khiến cho một bộ phận giáo viên…tâm tư

Theo quy định hiện hành và cả trong dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải vào ngày 21/6/2024 vừa qua trên cổng thông tin của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của dư luận thì định mức giảng dạy của giáo viên trong từng cấp học có số tiết ngang bằng nhau.

Cụ thể: Giáo viên trường tiểu học là 23 tiết; giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết; giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết/ tuần và mỗi năm học có 35 tuần thực học. Vậy nên, nếu giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ, đã qua thời kỳ tập sự, không phải là giáo viên nữ có con dưới 12 tháng thì mọi giáo viên trong từng cấp học có công việc tương đương nhau và được cụ thể hóa vào số tiết/ tuần.

Về trình độ, Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên phổ thông (từ tiểu học đến trung học phổ thông) đều có chuẩn trình độ là đại học sư phạm. Tuy nhiên, giáo viên phổ thông lại đang chia thành nhiều hạng khác nhau và đương nhiên mức lương cũng khác nhau.

Vì thế, khi lương cơ sở được điều chỉnh lên 2.340.000 đồng thì chênh lệch về lương giữa hạng III và hạng I là tương đối lớn. Ngay giáo viên cùng hạng, cùng trường với nhau cũng chênh lệch nhau đến trên 1 triệu đồng/ 1 bậc lương. Điều này khiến cho một bộ phận giáo viên khá tâm tư bởi dù giáo viên hạng nào thì trong 1 cấp học họ cũng đều giảng dạy theo 1 định mức số tiết bằng nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
NGUYỄN THẾ TRUNG