Theo thông tin chia sẻ trên mạng, hôm 17/9, một gia đình 3 người ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, đang nghỉ ngơi tại nhà thì chiếc bánh trung thu đặt trên bàn trà bất ngờ “phát nổ”. Vụ việc khiến em nhỏ khoảng 2 tuổi sợ hãi bật khóc tại chỗ. Chất lượng bánh trung thu Trung Quốc ngày càng đáng lo ngại.
Chiếc bánh trung thu đặt trên bàn trà tại nhà một người dân ở An Huy “phát nổ”, khiến em nhỏ bật khóc. (Ảnh chụp màn hình video)
Trên nền tảng Douyin ở Trung Quốc Đại Lục, video “Bánh trung thu bất ngờ phát nổ khiến em bé khóc thét” đã lọt vào danh sách thịnh hành. Theo video, ngày 17/9, một gia đình 3 người ở An Huy đang nghỉ ngơi trong phòng khách ở nhà. Người bố đang ngồi trên một chiếc ghế cách xa bàn trà và nhìn vào chiếc điện thoại di động của mình. Người mẹ ngồi trên ghế sofa và cũng đang chơi điện thoại di động, bên cạnh là một em bé 2 tuổi đang xem phim hoạt hình trên TV. Trên bàn trà giữa ghế sofa và TV có nhiều bánh trung thu và các đồ lặt vặt khác.
Đột nhiên trên bàn trà vang lên một tiếng nổ, hai vợ chồng tỏ ra rất ngạc nhiên, còn em bé sợ hãi bật khóc. Người mẹ nhanh chóng ôm con vào lòng, người bố bước đến bàn trà để kiểm tra nguyên nhân vụ nổ. Khi đến gần hơn, anh phát hiện thì ra là chiếc bánh trung thu đã “phát nổ”.
Nội dung bài đăng trên X: “Những chiếc bánh trung thu được đặt trên bàn và bất ngờ phát nổ. Chuyện gì đã xảy ra?”
Dưới khu vực bình luận video trên Douyin, cư dân mạng Đại Lục thảo luận sôi nổi:
“Nếu tôi ăn cái này vào bụng thì sao ta?”
“Hôm qua mở bánh trung thu ra, tôi vô tình chạm vào túi hút ẩm, nóng bỏng cả tay. Tôi sợ quá nên ném nó vào thùng rác.”
“May mà nó nổ rồi, ăn vào trong miệng mới nổ thì lại được đưa tin.”
Tết Trung thu năm nay, các chủ đề liên quan thường xuyên lọt top tìm kiếm nóng trên các mạng xã hội Đại Lục. Nhiều cư dân mạng nhắc nhở, phải chú ý đến các chất phụ gia trong bánh trung thu và tránh ăn “bánh trung thu có độc”.
Một video lan truyền trên mạng cho thấy, bí quyết để bánh trung thu Trung Quốc có thể giữ được 3 năm chính là chất phụ gia thực phẩm sodium dehydroacetate, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan và thận của con người. Một số người cho rằng bánh trung thu do công ty họ phát cho có chứa sodium dehydroacetate, dưa bắp cải họ mua cũng chứa chất này.
Thậm chí có video cho thấy, một đàn kiến bị ngộ độc chết do vụn bánh trung thu rơi xuống đất. Một số bánh trung thu thực sự có chứa côn trùng sống. Một người khác giận dữ nói: “Tất cả bánh trung thu xuất khẩu ra nước ngoài đều bị trả lại!”
(Trong video, người đàn ông nói rằng đàn kiến đã chết sau khi ăn bánh Trung thu.)
Sau Trung thu, bánh trung thu biến mất ở một số siêu thị
Trước Tết Trung thu, bánh trung thu được bày bán ở những nơi dễ thấy nhất trong siêu thị, nhưng sau đó chúng dường như biến mất chỉ sau một đêm. Những chiếc bánh trung thu không bán được trong siêu thị đã đi đâu?
Báo “Southern Metropolis Daily” (Nam Phương Đô thị báo) đưa tin, ngày 18/9 ngay sau Tết Trung thu, trong Siêu thị Aeon ở tầng 1 thành phố Thiên Hà ở Quảng Châu, gần như không thể nhìn thấy bánh Trung thu tại cửa hàng Hema Xiansheng Tây Môn và gian hàng bánh Maxim’s Cake. Chiều hôm đó, siêu thị Aeon không còn một chiếc bánh trung thu nào được bày bán.
Vậy số bánh Trung thu không bán được đã đi về đâu? Một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Maxim’s Cake cho biết, ngay cả khi có bánh trung thu đóng hộp còn sót lại trong đêm Trung thu, thì chúng cũng sẽ được gửi đến nhà sản xuất để tái chế.
Nội dung bài đăng trên X: “Cảnh báo đặc biệt! Bánh trung thu Trung Quốc ngày nay rất phổ biến. Bí quyết để giữ chúng ngon trong 3 năm là sodium dehydroacetate! Tôi đã kiểm tra thứ này và nó đã bị cấm sử dụng làm phụ gia thực phẩm ở Châu Âu! Vì gây tổn hại nghiêm trọng đến gan và thận của con người!
Mọi người hãy chú ý! Hơn nữa, cư dân mạng cũng tìm thấy sodium dehydroacetate như một chất phụ gia trong các thực phẩm khác như dưa cải bắp! Còn những thực phẩm khác thì sao? Ví dụ một món ăn nấu sẵn có thể để được 1,5 năm?”
Ngày 14/9, nhân dịp Trung Thu, Đại học Tài chính Kinh tế Giang Tây đã phát hơn 30.000 chiếc bánh trung thu làm quà cho sinh viên, “nhưng chất lượng rất thấp và không có nhãn hiệu hay bao bì riêng.”
Do “chất lượng bánh trung thu kém và chứa quá nhiều chất phụ gia làm ngọt saccharin”, nhiều sinh viên bị “triệu chứng tiêu chảy”. Điều này khiến họ rất bất bình và “nghi ngờ liệu lãnh đạo nhà trường có liên quan đến vấn đề lợi ích và tham nhũng hay không.”
Vụ việc đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận trên nhiều nền tảng xã hội ở Trung Quốc Đại Lục, nhưng chính quyền lại trấn áp, im lặng, thậm chí đe dọa xuyên quốc gia một sinh viên ở Úc.
Hiện tại, trên các nền tảng Bilibili và Douyin của Đại lục, hầu hết các video vạch trần những chiếc bánh trung thu có vấn đề của Đại học Tài chính và Kinh tế Giang Tây đều đã bị xóa, chỉ có những video nổi bật từ vài ngày trước, quảng cáo việc phát bánh trung thu và sinh viên vui mừng khi nhận bánh.
Bình Minh (t/h)
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.