Chồng tôi là con út. Ngày mới lấy nhau, chính miệng bố mẹ chồng bảo, cứ lo cho bố mẹ trăm tuổi rồi thì căn nhà đang ở cũng cho hai vợ chồng tôi. Hiếu thảo thì không bố mẹ nào để cho con cái phải thiệt thòi.
Tôi nghe xong cũng “dạ”, không nghĩ ngợi nhiều, càng chẳng quá nặng nề chuyện nhà cửa ấy. Bởi khi quen chồng tôi bây giờ, tôi cũng đã biết và chấp nhận việc anh phải lo cho bố mẹ rồi.
Thế nhưng, hôn nhân vốn chưa từng đơn giản. Mẹ chồng tôi đau ốm liên miên, mỗi tuần đều phải vô nước, truyền đạm; hàng tháng đều vào bệnh viện khám bệnh. Bố chồng tôi tính khí gia trưởng, thích giữ tiền, luôn đòi quyền lợi ưu tiên hơn hẳn trong nhà.
Thu nhập của hai vợ chồng tôi chỉ đủ thang thuốc và trang trải chi tiêu của gia đình, chẳng tích cóp được là bao. Nên khi chúng tôi vay mượn mua nhà, dọn ra riêng, việc nợ nần chồng chất là không thể tránh khỏi.
Đó là bởi khi mẹ chồng tôi mất, các anh chị em chồng và cả bố chồng đều thống nhất bán nhà ra chia chác. Số tiền ít ỏi ấy được mang ra xẻ thành nhiều khoản, dù mọi người đều đã có chỗ ở, tài sản ổn định. Phần của chồng tôi có nhỉnh hơn một chút, nhưng so với lời hứa ban đầu thì thật là phi lý.
Tôi bất mãn nhưng lẳng lặng chẳng nói gì, bởi nghĩ, bản thân cũng không cần tham thứ không thuộc về mình. Điều khiến tôi không cam tâm nhất, chính là bố chồng vẫn tiếp tục dọn về ở chung với vợ chồng tôi, lúc này chúng tôi cũng đã thêm hai đứa trẻ con lít nhít. Tại sao vẫn là vợ chồng tôi phải nuôi dưỡng bố chồng? Năm người chúng tôi chen chúc trong căn hộ nhỏ, cuộc sống đối diện với bao nhiêu là khó khăn, bất tiện…
Chưa từng có anh chị em nào trong nhà phụ tôi vài đồng bạc nuôi bố chồng. Họ chỉ tới thăm và buông vài lời màu mè hoa lá với tôi. Ảnh minh họa
Ai ở trong cuộc mới hiểu, một ông già ngoài 70 thật sự không dễ gì phục vụ. Phải như mẹ chồng-con dâu, hẳn là cũng đỡ ngại ngần khó xử hơn. Huống gì, những năm sau này, bố chồng tôi bị lẫn, quên nhớ đểnh đoảng. Thậm chí có lúc ông còn không chịu bận đồ, cứ đòi xé hết áo quần vứt đi. Tắm gội vệ sinh cũng mất kiểm soát, đều phải do chồng tôi chăm sóc. Thế nhưng, bố vẫn rất dữ tính, có gì không vừa ý là mắng chửi nặng lời.
Rồi thì tới lúc bố nằm liệt giường, mọi thứ đều phải có người hầu hạ. Cảnh nhà trở nên hiu hắt, túng quẫn triền miên, mùi hôi hám đeo đẳng. Gia đình nào từng trải qua bi kịch ấy rồi mới thấu, chứ ở bên ngoài nhìn vào, nói thì dễ lắm. Tôi vì thương chồng mình vất vả nên đành cam chịu, không nỡ phản ứng. Nhưng trước sự vô tâm ích kỷ, có thể nói là thờ ơ vô trách nhiệm của các anh chị bên chồng, thật sự nhiều lúc tôi chỉ muốn tung hê.
Từng ấy năm, cho tới ngày bố chồng tôi nằm xuống, chưa từng có anh chị em nào trong nhà phụ tôi vài đồng bạc. Mấy câu xã giao màu mè, thật ra tôi chẳng cần. Họa hoằn mang qua cân đường hộp sữa, thì cũng ra vẻ như sợ mẹ con tôi ăn lén mất. Thậm chí, lúc chúng tôi sửa nhà, mang bố đi gửi bên nhà chị chồng, tức là con gái ruột của bố, thì chỉ được vài hôm là chị gọi hỏi: “Khi nào qua đón bố về”.
Nói ra thì khó tin, nhưng sự thản nhiên mặc kệ của họ khiến tôi lạnh cả người. Kiểu như “thoát” được cảnh phải trả hiếu cho bố mẹ rồi, thì nên tránh đi thật xa cho. Nếu như tôi cũng “đóng vai ác”, là một đứa con dâu nanh nọc rạch ròi, chẳng lẽ bố chồng tôi những ngày cuối đời sẽ không nơi nương tựa?
“Có phúc mặc sức mà ăn. Mình sống tốt thì mai này con cái nó đền đáp”, chồng tôi viện dẫn câu ấy mỗi khi tôi cằn nhằn kể lể. Anh cũng biết là vợ con quá khổ sở mỏi mệt, nhưng cái khó của anh cũng chẳng đẩy được cho ai khác. Chồng tôi lại là mẫu người cả nể, coi trọng tình thân, nên càng không thể ép anh thẳng thắn nói “phải quấy” với người nhà.
Sự cam chịu bất công của anh khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi vì thế mà thiếu vắng đi niềm vui, hạnh phúc. Hai đứa con tôi lớn lên với một ấu thơ hụt hẫng. Tôi luôn ở trong tâm trạng bất mãn cùng câu hỏi: Vì sao mình phải chịu cảnh này?
Giá như bố mẹ chồng tôi ngày còn khỏe đã đối xử với vợ chồng tôi khác đi, thì nỗi ấm ức của tôi đã chẳng nhiều tới vậy. Tôi giận bố mẹ chồng đã thiếu công bằng, nuốt lời, giận lây sang cả chồng, trách anh không nghĩ cho vợ con, gia đình riêng của mình. Tôi nhiều lúc đã tự hỏi, phải chăng mình đã sai lầm, vào nhầm nhà, nên hoài phí cả một đời?