Ngày tôi mới về làm dâu, dù có quý tôi nhưng tôi vẫn thường nghe mẹ chồng so sánh: Con dâu nhà nọ tử tế lắm, con dâu nhà kia hay lam hay làm, lúc nào cũng như trâu đất, dù có vật đổi sao rời cũng chẳng lo thiếu ăn… Nghe bà kể lể nhiều, tôi cố nhẫn nhịn, không nói không rằng. Cứ mỗi lần thấy tôi im lặng, bà bực lắm. Bà bảo tôi: “Miệng ngậm hột thị à mà không mở được mép ra”. Tôi vẫn cố nhịn. Bà lại càng bực.
Một hôm, có một bà trong làng bị tai biến mạch máu não, phải nhập viện. Cả tháng trời nằm viện, bà được con dâu nấu nướng đủ món, mang vào tận viện rồi tối ngày ở bên bà chăm nom phụng dưỡng. Những người cùng phòng bệnh với bà, ai cũng nghĩ đó là con gái của bà. Sau khi bà ra viện, cô con dâu vẫn hàng ngày cơm nước, không chỉ hết lòng chăm sóc mà còn dìu bà tập đi, đưa bà đến nhà nọ nhà kia chơi để bà được nói chuyện, xả nỗi buồn phiền của bệnh tật. Mỗi lần nhận được lời khen con dâu, bà đều cười mà rằng: “Thật may, nhà tôi có phước”.
Thấy vậy, mẹ chồng tôi càng tỏ thái độ với tôi. Đã vậy, những bà trong hội “buôn xuyên biên giới” mỗi khi đến nhà tôi chơi lại lấy gương của cô con dâu nọ để soi chiếu con dâu của nhà mình. Bà thì ấm ức: “Con dâu nhà người ta có hiếu thế chứ. Chẳng bù cho nhà tôi. Có mỗi mống con trai, tưởng rằng lấy vợ cho nó về thì mình được nhàn cái thân. Vậy mà, vợ nó chẳng biết việc gì. Cơm cũng không biết nấu, rau không biết nhặt, chợ búa lại càng không. Đã thế, mồm lúc nào cũng leo lẻo, mồm miệng đỡ chân tay thì không ai bằng”. Bà khác thì kể lể: “Con dâu nhà tôi thì lười chẩy thây. Đi làm về có mỗi việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái mà lúc nào cũng chồng ơi, chồng à, chồng chịu khó giúp cái này cái kia. Tôi ngày xưa dăm bảy đứa con mà ông nhà tôi cứ tểnh tềnh tênh, đi làm về là nằm khểnh, chẳng phải động chân động tay việc gì. Rõ khổ cho thằng con trai của tôi”. Bà khác cũng xen vào cho câu chuyện thêm rôm rả: “Con dâu nhà tôi chẳng đoảng, chẳng lười như con dâu nhà các bà nhưng lại có nỗi khổ riêng mà không ai biết. Đành rằng là nó giỏi giang, tháo vát thật đấy, kiếm tiền giỏi thật đấy nhưng cái gì cũng tự quyết khiến con trai tôi mất cả sĩ diện. Làm sao nó dám ngẩng đầu với anh em, họ hàng”…
Ảnh minh họa
Những câu chuyện như vậy của các bà cứ dài bất tận, hết ngày này sang ngày khác. Nỗi ấm ức vì thế cộng hưởng dần khiến các bà mỗi ngày một khắt khe, khó tính và soi mói hơn với các nàng dâu. Tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Cho đến một ngày, bà mẹ chồng bị tai biến mạch máu não được con dâu đưa đến nhà tôi chơi. Được các bà trong hội nhóm của mẹ chồng tôi khen hết lời, cô con dâu chỉ hỏi: “Khi con dâu mới về không biết làm gì thì các bác có nổi giận không?”. Các bà đều thi nhau trả lời: “Tất nhiên là có, bực lắm, làm sao chịu nổi”. “Thế con trai bác làm việc nhà, các bác có khó chịu không?”. “Sao lại không? Các cụ đã nói, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Đàn ông thì phải làm những việc to việc lớn, chứ ba cái chuyện bếp núc, thời buổi này có tiền là xong hết”. “Thế con trai bác không kiếm được tiền, không làm được việc lớn, các bác có nghĩ gì không?”. “Việc gì phải nghĩ, có nhiều chi nhiều, có ít chi ít, vợ chồng cứ thuận hòa là được”.
Lúc này, cô con dâu mới kể: “Vậy mới biết, cháu thật may mắn. Khi mới về nhà chồng, cháu chẳng biết làm việc gì, mẹ chồng cháu chỉ bảo: Cứ để đấy mẹ lo, chồng con sẽ giúp, chỉ cần con để tâm một chút là sẽ học được. Khi chồng cháu mất việc, không kiếm được tiền, không dám quyết việc gì, cháu hỏi ý kiến mẹ chồng thì mẹ chồng cháu bảo: Con cứ quyết đi. Chồng ngã thì mình nâng. Có vậy mới được việc. Giờ nghĩ lại, cháu thấy biết ơn mẹ chồng cháu nhiều lắm”.