Là một võ sư tiếng tăm và một danh y tài giỏi nhưng Hoàng Phi Hồng chịu cảnh chết trong nghèo khổ, mộ của ông vẫn lưu lạc đâu đó trong lòng đất mẹ.
Những người yêu thích phim võ thuật chắc chắn không thể không biết đến cái tên Hoàng Phi Hồng. Ông là một nhân vật có thật, một võ sư nổi tiếng của nền võ thuật Trung Quốc, được mệnh danh là “đại sư hồng quyền” cuối thời nhà Thanh.
Con trai của mãnh hổ Quảng Đông
Hoàng Phi Hồng tên thật là Hoàng Tích Tường, tự là Đạt Vân, sinh năm 1847 tại Phật San, Nam Hải, Quảng Đông, Trung Quốc. Hoàng Phi Hồng là con nhà võ, cha ông – Hoàng Kỳ Anh là đệ tử của Nam Thiếu Lâm, là một trong 10 mãnh hổ vùng đất Quảng Đông, nên từ năm 3 tuổi, Hoàng Phi Hồng đã được cha dạy võ. Năm 1872, cậu bé 12 tuổi đã theo cha đi mãi võ khắp Quảng Châu – Phật Sơn.
Trong khoảng thời gian này, Hoàng Phi Hồng đã theo học nhiều danh sư của các môn võ khác nhau, chàng trai trẻ đã chiến thắng cả người lớn trong nhiều lần thách đấu nên nổi tiếng với biệt hiệu “thiếu niên anh hùng”.
Những tuyệt chiêu của Hoàng Phi Hồng bao gồm Thiết tuyến quyền, Hổ Hạc Song Hình quyền, Cung Tự Phục Hổ quyền, Vô Ảnh cước, Tử Mẫu đao, Đơn song hổ trảo,Tứ Lượng Tiêu Long côn, Song phi đà, La Hán bào…
Một mình lấy lại danh dự cho người Hong Kong
Giai thoại nổi tiếng nhất về Hoàng Phi Hồng đánh bại một tên hống hách người phương Tây và lấy lại thể diện cho người Hong Kong năm 1876.
Khi đó, một người phương Tây đem một con chó hung dữ tới, hống hách khiêu chiến, hắn ra điều kiện, bất cứ ai có thể đánh thắng được con chó sẽ được thưởng 50 HKD. Rất nhiều người bị con chú hung dữ tấn công và bị thương rất nặng, ngậm ngùi ra về.
Thấy cảnh tượng người dân mình đại bại trước một con chó Tây, Hoàng Phi Hồng tức giận nhận lời thách đấu, chỉ sau vài cú ra đòn, con chó bị đánh gục.
Người chủ thấy vậy tức giận, không chịu đưa tiền mà đòi Hoàng Phi Hồng phải đấu tay tôi với hắn: “Chó của ta thua, nhưng ta không thua, muốn lấy được tiền thì đấu với ta”. Hoàng Phi Hồng khảng khái nói: “Được, nhưng võ thuật phải có chữ tín, ngươi viết cam kết rồi điểm chỉ vào, ta sẽ đấu”.
Thoả thuận xong xuôi, Hoàng Phi Hồng nhanh chóng đánh bại tên người Tây hống hách. Câu chuyện này ngay ngày hôm sau được các báo lớn của Hong Kong đưa tin với giọng điệu rất phấn khích, Hoàng Phi Hồng từ đó được người dân Hong Kong gọi là “anh hùng dân tộc”.
Ngôi mộ mất tích
Không chỉ nổi tiếng với tài võ nghệ, Hoàng Phi Hồng còn là một danh y, hiệu thuốc Bảo Chi Lâm của ông rất nổi tiếng, không chỉ vì đã chữa được bệnh cho người dân trong vòng mà còn xuất phát từ y đức của Hoàng Phi Hồng.
Tháng 10/1924, trong một cuộc bạo loạn tại Quảng Đông, Bảo Chi Lâm bị thiêu rụi. Quá đau buồn, Hoàng Phi Hồng ngã bệnh và mất vào ngày 17/4/1925.
Võ sư – danh y Hoàng Phi Hồng qua đời trong cảnh khốn khó, Hoàng Đạt Sinh – một trong những học sinh của Hoàng Phi Hồng kể lại: “Lúc chết, gia cảnh sư phụ cực kỳ khó khăn, không có tiền mua quan tài. Các đệ tử thấy vậy, liền góp tiền lại mua quan tài chôn cất sư phụ”.
Theo lời ông Hoàng Đạt Sinh, sư phụ được chôn tập thể với nhiều nấm mộ khác tại khu vực đường Lưu Hoa, núi Tượng Sơn tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Tuy nhiên, hiện tại đã hoàn toàn mất dấu ngôi mộ.
“Đã 90 năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, hiện tại khu vực đó toàn cao ốc” – ông Hoàng Đạt Sinh ngậm ngùi – “Rất nhiều đệ tử đã tìm thử, nhưng đều không thể tìm ra bất cứ dấu vết gì của ngôi mộ”