Dự báo trong ngày 7-9, bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ với trọng tâm là các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cơ quan khí tượng đã đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đối với Quảng Ninh, Hải Phòng.

Bão số 3 mạnh nhất 30 năm qua sẽ đổ bộ hôm nay, cảnh báo thiên tai cấp độ 4 - Ảnh 1.

Ảnh mây vệ tinh bão số 3 lúc 5h sáng 7-9 – Ảnh: NCHMF

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 6h sáng 7-9, tâm bão số 3 (bão Yagi) cách Quảng Ninh khoảng 160km về phía đông nam, cường độ bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.

Gió mạnh, mưa tăng cấp ở huyện đảo Bạch Long Vĩ do ảnh hưởng bão số 3

Người dân khu biệt thự Hà Nội ‘đắp đập, be bờ’ chống bão số 3

Tạm ngừng khai thác sân bay Nội Bài và ba sân bay khác do ảnh hưởng bão số 3

Dự báo trong sáng đến chiều nay bão số 3 đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) cấp 10-12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Và từ nay đến sáng 9-9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 100-350mm, có nơi trên 500mm. Nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.

Cơ quan khí tượng Việt Nam đã đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn) do bão số 3 gây ra đối với vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn) đối với khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định bão số 3 (Yagi) là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

Do đó ông khuyến cáo người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình – những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 – cần tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp (trong khoảng từ sáng đến chiều tối nay).

“Đối với các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa…) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn.

Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng” – ông Khiêm nói.