Mưa lũ sau cơn bão Trami đã gây ngập sâu trên diện rộng ở tỉnh Quảng Bình. TÍnh đến nay đã có 1 người chết, 1 người mất tích và còn hơn 32.000 nhà dân bị ngập.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 5h ngày 29/10, mưa lũ sau bão Trami đã làm 32.767 ngôi nhà bị ngập, các địa phương phải sơ tán khẩn cấp 9.123 hộ dân.
Chính quyền và lực lượng chức năng dùng thuyền, ca nô tiếp cận các vùng ngập sâu để sơ tán dân.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa đã có dấu hiệu giảm, nước ở một số vị trí ngập cũng đã bắt đầu rút, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều nơi, nhiều khu vực bị nước lũ bủa vây, cô lập. Người dân nơi ngập sâu cần các nhu yếu phẩm thiết yếu nhưng do đường vào không an toàn nên công tác cứu trợ chủ yếu vẫn do chính quyền và lực lượng chức năng thực hiện.
Nhờ chủ động phòng ngừa và làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn nên đã giảm đáng kể thiệt hại ở các vùng ngập sâu.
Ngập sâu và diện rộng nhất đến nay vẫn là huyện Lệ Thuỷ với 19.762 nhà bị ngập, trong đó có 8.018 nhà ngập sâu trên 1m. Huyện Quảng Ninh có 12.005 nhà bị ngập. Thành phố Đồng Hới cũng có 1.000 hộ bị ngập.
Nước lũ làm chia cắt hoàn toàn 58 thôn bản, gồm: Bản Tân Ly, Bạch Đàn/Lâm Thủy, bản Cồn Cùng, An Bai, Hà Lẹc/xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (địa bàn Đồn Biên phòng Làng Ho) bị ngập, người, phương tiện không qua lại được; 53 thôn, bản ở huyện Quảng Ninh, gồm: (Trường Sơn 6, Trường Xuân 7, An Ninh 2, Xuân Ninh 4, Hiền Ninh 7, Tân Ninh 2, Gia Ninh 7, Duy Ninh 6, Hàm Ninh 5, Võ Ninh 1, Vĩnh Ninh 3, Thị trấn Quán Hàu 3).
Nước sông dâng chảy xiết, kèm theo cây cối rác thải khiến cho tàu thuyền, ca nô liên tục gặp sự cố, gây nguy cơ mất an toàn đối với lực lượng cứu hộ. Vì vậy, chính quyền và lực lượng chức năng khuyến cáo hạn chế các hoạt động cứu trợ tự phát bằng đi thuyền, cano trên sông.
Các tuyến đường giao thông bị ngập gồm quốc lộ 9B có 4 điểm; quốc lộ 9C có điểm Km 2+000 – Km 8+200 ngập sâu từ 0,8 – 1,3m, tắc đường, đơn vị quản lý đã bố trí rào chắn và lực lượng trực gác cảnh báo.
Quốc lộ 15 có 2 điểm là ngầm Bùng Km 562+200 đang ngập sâu 1,6m, hiện tại nước vẫn đang tiếp tục lên (tắc đường) đơn vị quản lý đơn vị quản lý đã bố trí rào chắn và lực lượng trực gác cảnh báo hai đầu. Cầu Hoa Thuỷ Km 630+600 nước ngập sâu 0,7 m, gây tắc đường.
Các đơn vị đường bộ bố trí người trực gác 24/24 tại các vị trí bị ngập, sạt lở.
Quốc lộ 1 có 5 điểm ngập, tuy nhiên lực lượng chức năng vẫn tổ chức điều tiết và phân luồng giao thông cho các phương tiện đi theo đường tránh TP Đồng Hới và đường tránh lũ qua huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ.
Còn lại 62 điểm ngập thuộc các tuyến đường tỉnh. Hiện tại các vị trí ngập nước, tắc đường, đơn vị quản lý đường bộ bố trí rào chắn và trực gác cảnh báo hai đầu để phân luồng đảm bảo giao thông.
Ngoài ra, mưa kéo dài và triều cường đã khiến 13 điểm với khối lượng sạt lở là hơn 3.000m3 đất và hư hỏng 1,5km kè biển, thuộc các huyện Bố Trạch, Thị xã Ba Đồn, TP Đồng Hới và huyện Lệ Thuỷ bị sạt lở. Hiện các đơn vị chức năng đang khắc phục bước 1 để đảm bảo giao thông. Riêng các điểm sạt lở ta luy âm thì tổ chức rào chắn, cấm người qua lại.
Mưa lũ cũng đã khiến một người chết khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại khu vực hồ Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy. Một người đang mất tích do lật đò là ông Phạm Văn Cứ (SN 1960, thôn Trường An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh).