Chị chồng nhiều lần ‘chọc ngoáy” mà tôi đều nhịn. Nhưng lần này tôi quyết dạy cho chị ta 1 bài học.
Có ai như em không, nhiều khi bực mà chỉ biết ấm ức một mình. Bởi chồng hiền quá, chẳng biết bảo vệ vợ. Lúc nào anh ấy cũng chỉ cười hề hề, lấy câu ”dĩ hòa vi quý” ra là phương châm sống. Thành ra người chịu khổ chỉ là vợ con của mình.
Chuyện là thế này. Em mới về làm dâu được nửa năm. Nhưng hầu như tuần nào cũng phải đón tiếp gia đình nhà chị chồng. Chị ấy lấy chồng gần đây nên tuần nào cũng cho các cháu về chơi với ông bà. Mang tiếng về thăm bố mẹ, nhưng em thấy về ăn chực thì đúng hơn. Bởi chị có biếu được bố mẹ đồng bánh đồng quà nào đâu.
Ngược lại, cháu đến chơi, bố mẹ em lại phải chuẩn bị đồ ăn vặt cho chúng. Còn em thì phải lo cơm nước 2 bữa cho cả nhà chị ấy. Họ chơi từ sáng đến tối mịt mới chịu về, thành ra ăn cả bữa trưa và bữa tối, có hôm em còn phải chạy đi mua đồ ăn sáng nữa.
2 đứa con nhà chị ấy thì nghịch thôi rồi, tự tiện vào phòng ngủ của em xong làm loạn hết mọi thứ. Có hôm lên phòng, em thấy son, phấn của em bị làm hỏng hết cả. Lọ nước hoa bị vỡ, thơm hắc hết cả phòng ngủ. Vậy mà chị ấy vẫn thản nhiên: “Trẻ con biết gì đâu”, xong cũng chẳng dọn, cứ để yên thế để em dọn. Hoa quả trong tủ lạnh để tráng miệng, 2 đứa nhà chị ấy cũng lấy ăn và chẳng hỏi ý kiến ai. Ăn xong thì vứt bừa ra sàn, ra giường, ra ghế sofa… Nói chung nhìn nóng mắt lắm mà em bảo chồng thì anh ấy cứ xuề xòa nói kệ đi.
Ảnh minh họa.
Mà trên đời em cũng chưa thấy ai ”khôn” như chị ấy. Đã đến ăn chực còn được chọn món ăn. Tuần nào chị cũng dẫn con sang rồi nói với mẹ chồng em: “Hôm nay các cháu thích ăn cá viên chiên”, hôm khác thì “các cháu đòi ăn lẩu đấy mẹ ạ”, “hôm nay bà làm món cánh gà chiên mắm cho 2 cháu nhé, chúng nó thích lắm, cứ nhắc bà mãi”,… Song chị cố tình nói to để em nghe thấy. Mà nói với mẹ chồng em thì cuối cùng em vẫn là người đi chợ, nấu cơm.
Cái em bực nhất là chị ấy chẳng bao giờ chịu nấu ăn và dọn dẹp. Cứ lấy cớ phải trông con rồi ở lỳ trong phòng mẹ chồng em lướt điện thoại. Xong đến bữa ăn thì chê ỏng chê eo mọi thứ.
Như bữa trưa nay cũng vậy. Trời thì nắng nóng. Em đã mua sẵn thực phẩm từ chiều qua để không phải đi chợ. Vậy mà chị ấy dẫn con sang xong nằng nặc đòi ăn canh cua với món gà luộc. Chị lại sử dụng cái giọng văn “các cháu nó thích chứ chị có thèm thuồng gì đâu”. Em nghe mà nổi bực trong lòng. Nhưng chồng lại bảo thôi, mấy khi chị sang chơi, nể nang chị ấy 1 chút, thế là em lại phải đội nón đi chợ.
Mua về đến nhà lại mình em hì hục nấu cơm. Trời nắng chang chang phải ngồi phơi nắng ở sân giã cua rồi làm gà. Ấy thế mà vừa bưng mâm cơm lên, chị ấy đã bĩu môi: “Ô, cô Ngân không biết nấu canh cua rồi. Gạch cua phải nổi cả tảng lên mới đúng. Ai đời có mấy miếng gạch vụn vặt thế này. Gà này nhìn cái mã là không ưng rồi. Cô không biết chọn gà à. Gà phải da vàng, nhìn bóng mỡ mới là gà ngon. Con gà cô chọn gầy thế. Cả con gà chắc gắp được vài miếng thịt là hết đĩa. Mà chặt gà cũng không khéo léo. Nát hết cả… Thế này nữ công gia chánh chỉ xứng 1 điểm thôi. Còn phải học hỏi nhiều lắm”.
Em bực đến tận cổ, nắm chặt mâm bát, xị mặt ra rồi mà chị ta còn không biết ý, tiếp tục chê bai. Bố mẹ chồng em ngồi vào bàn ăn, nhìn qua mấy món em nấu thì đánh giá: “Ngon thế này còn chê gì. Gà này mới là gà ngon. Mày đúng loại kén ăn…”.
Lúc bấy giờ em mới lên tiếng: “Vâng, em còn vụng về ạ. Chị em đảm đang, hôm nào chị nấu cho nhà mình 1 bữa để em mở mang tầm mắt nhé. Chứ em về đây nửa năm, chỉ thấy chị sang ăn mà chưa nấu bao giờ.
Với em không biết đi chợ nên tiếp đón chị và các cháu cũng ngại. Lần sau chị đến thích ăn gì chị cứ mua rồi nấu nhé. Cả nửa năm nay em đi chợ, biết là còn vụng về nhưng thấy nhà chị vẫn ăn ngon lành, thành ra em chẳng biết rút kinh nghiệm thế nào. Hay tuần sau chị trổ tài luôn đi”.
Nghe em nói vậy chị ta bỗng im bặt chẳng nói thêm được câu nào, cũng chẳng còn hùng hổ như lúc trước nữa. Mẹ chồng em biết em vất vả, cũng thêm lời bênh em: “Phải đó. Mày biết nấu ăn thì nấu 1 bữa cho mẹ xem nào. Trước ở nhà cũng vụng về chứ biết làm gì đâu. Đây em nó bỏ tiền đi chợ rồi nấu cho ăn còn chê. Tao không nói thì bảo mẹ chồng không biết trái phải”.
Thế là chị ta lặng ngắt ăn không nói gì nữa. Em cũng chả buồn quan tâm. Ăn xong thấy chị xin phép bố mẹ cho cháu về luôn. Em nghĩ chắc là chột dạ mấy lời em nói. Nhưng em kệ. Dọn dẹp xong em lên phòng đóng cửa bật điều hòa cho mát. Chị ta mà biết ý, tuần sau không dẫn con sang ăn chực nằm chờ nữa thì càng tốt!