“Họ nói rằng tôi phải 105 tuổi mới được rút tiền. Tôi nói nếu tôi sống được đến 105 tuổi thì còn mua bảo hiểm làm gì nữa”, bà cụ bức xúc chia sẻ.

Một cụ bà ở Tây An (Trung Quốc) đã rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi khoản tiền gửi “tiết kiệm” bỗng chốc biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Và càng phi lý hơn cả đó là bà cụ chỉ có thể nhận lại toàn bộ khoản tiền 180.000 tệ (khoảng 630 triệu đồng) khi sống tới 105 tuổi. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?

Cụ bà chi 200 triệu/năm mua bảo hiểm nhân thọ, lúc cần tiền nhân viên nói: Sống tới 105 tuổi mới được rút- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Số tiền tiết kiệm cả đời biến thành “của để dành” cho công ty bảo hiểm

Sự việc bắt nguồn từ ba năm trước, khi bà Cao đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm. Bà Cao kể lại: “Tôi mang tiền đến ngân hàng để gửi, nhân viên ngân hàng nói rằng có sản phẩm lãi suất cao và hướng dẫn tôi đến quầy giao dịch ở ngay cửa ra vào để làm thủ tục.”

Theo hướng dẫn của nhân viên, số tiền tiết kiệm của bà Cao đã được chuyển thành một gói bảo hiểm. Sau 2 năm, bà đã nhận lại được tiền gốc và tiền lãi. Bà Cao chia sẻ thêm: “Khi tôi đến rút tiền, nhân viên lại tiếp tục giới thiệu một sản phẩm khác có lãi suất cao hơn. Vì lần trước mọi việc đều ổn thỏa, nên tôi đã tin tưởng.”

Lần này, bà Cao được đưa đến một văn phòng khác và ký kết hợp đồng bảo hiểm “Phú Đức Sinh Mệnh” với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Phú Đức, với mức phí 60.000 tệ/năm (khoảng hơn 200 triệu đồng).

Cụ bà chi 200 triệu/năm mua bảo hiểm nhân thọ, lúc cần tiền nhân viên nói: Sống tới 105 tuổi mới được rút- Ảnh 2.

Bà Cao mua bảo hiểm của công ty Bảo hiểm Nhân thọ Phú Đức. (Ảnh: Sohu)

Bà Cao cho biết, quá trình ký kết hợp đồng đều được thực hiện dưới sự hướng dẫn của 2 nhân viên. Bà Cao nói: “Họ chỉ bảo tôi điền vào chỗ này chỗ kia và nói rằng cứ yên tâm, không có vấn đề gì cả.”

Vì tin tưởng cô nhân viên quen mặt, bà Cao đã đồng ý ký hợp đồng và nộp khoản tiền 60.000 tệ/năm. Mọi chuyện tưởng chừng êm đẹp cho đến một ngày bà Cao cần 1 khoản tiền gấp. Bà ngỏ ý hỏi về việc mình có thể rút khoản tiền đã đóng trước đó hay không thì nhân viên phụ trách nói rằng theo hợp đồng, phải đến năm bà Cao 105 tuổi mới có thể rút lại toàn bộ số tiền đã đóng.

Trót sa chân vào “bẫy”

Sau khi nhận được tin sét đánh, bà Cao mất ăn mất ngủ nhiều ngày liên tiếp. Các con của bà sau khi phát hiện mẹ có biểu hiện bất thường đã truy hỏi và biết được toàn bộ sự việc. Để làm rõ đầu đuôi câu chuyện, con gái bà Cao cùng phóng viên đã tới ngân hàng, nơi bà Cao lần đầu tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm. Tại đây, nhân viên ngân hàng phân bua: “Việc phải đợi đến 105 tuổi mới được rút tiền chắc chắn là không hợp lý, nhưng đó là do nhân viên bảo hiểm tự ý chào mời, không liên quan gì đến ngân hàng.”

Cụ bà chi 200 triệu/năm mua bảo hiểm nhân thọ, lúc cần tiền nhân viên nói: Sống tới 105 tuổi mới được rút- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khi được hỏi tại sao tiền gửi của bà Cao lại biến thành bảo hiểm, nhân viên ngân hàng trả lời: “Đối với khách hàng đến gửi tiền, chúng tôi đều giới thiệu các sản phẩm tài chính có lãi suất cao, việc mua hay không là hoàn toàn tự nguyện.”

Nhân viên ngân hàng cho biết họ không nắm rõ các điều khoản cụ thể của gói bảo hiểm mà bà Cao đã mua và việc hủy hợp đồng phải liên hệ trực tiếp với công ty bảo hiểm.

Gia đình bà Cao sau đó đã liên hệ với ông Lý, nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Phú Đức. Tại đây, phóng viên được tận tay cầm bản hợp đồng hơn 30 trang với các thuật ngữ chuyên môn và cách tính toán trong hợp đồng cũng rất khó hiểu, đặc biệt là đối với một người lớn tuổi và trình độ văn hóa không cao như bà Cao.

Phóng viên thậm chí mất gần một giờ để đọc nhưng cũng chỉ hiểu được không quá 70% nội dung viết trong hợp đồng.

Phải đến khi ông Lý đại diện của công ty bảo hiểm đứng ra giải thích, mọi người mới phần nào hiểu được gói bảo hiểm mà bà Cao đã mua.

Theo ông Lý, gói bảo hiểm bà Cao mua là “bảo hiểm trường thọ”. Sau khi đóng 3 năm liên tiếp với tổng số tiền lên tới 180.000 tệ (khoảng 630 triệu đồng), từ năm thứ tư trở đi, bà sẽ nhận được khoảng 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng) tiền lãi mỗi năm. Nếu sống càng thọ thì số tiền bảo hiểm nhận càng nhiều. Và 180.000 tệ tiền gốc sẽ được hoàn trả đầy đủ khi bà Cao 105 tuổi. Nếu phá hợp đồng hoặc có vấn đề bất trắc, bảo hiểm sẽ dừng chi trả.

Cụ bà chi 200 triệu/năm mua bảo hiểm nhân thọ, lúc cần tiền nhân viên nói: Sống tới 105 tuổi mới được rút- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Khi nghe nhân viên giải thích bà Cao không khỏi bức xúc: “Tôi năm nay mới 69 tuổi mà họ nói rằng tôi phải 105 tuổi mới được rút tiền. Tôi nói nếu tôi sống được đến 105 tuổi thì còn mua bảo hiểm làm gì nữa. Nếu tôi biết trước như vậy, tôi chắc chắn sẽ không mua. Đó là tiền để dành phòng thân của tôi khi tuổi cao sức yếu cần tiền đi viện chữa trị.”

Về mặt hợp đồng, bảo hiểm nhân thọ này không sai vì vẫn đảm bảo quyền lợi đôi bên. Tuy nhiên, cái sai nằm ở việc bà Cao quá tin tưởng nhân viên, khi chưa hiểu rõ đã ký hợp đồng. Thêm vào đó trách nhiệm cũng thuộc về người tư vấn khi cô ta cố ý không nói rõ ràng các điều khoản mà chỉ nói những cái lợi, cái tốt của bảo hiểm để lừa bà Cao chọn mức cao nhất – 105 tuổi để ký hợp đồng. Từ đó đẩy bà Cao vào “tình thế tiến thoái lưỡng nan”, mua tiếp không được mà bỏ cũng không xong.

Sau nhiều ngày bàn bạc, gia đình bà Cao khiếu nại nhân viên tư vấn không rõ ràng và muốn hủy hợp đồng. Ông Lý cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận khiếu nại và cần nghe lại bản ghi âm để xác định quá trình ký kết hợp đồng. Nếu hủy hợp đồng, bà Cao chỉ có thể nhận lại khoảng 30.000 tệ (khoảng 100 triệu đồng).”

Cả đời dành dụm, giờ đây số tiền tiết kiệm lại nằm trong tay người khác, bà Cao vừa tức giận vừa hối hận. Bà Cao không thể chấp nhận điều này. Hiện tại, bà Cao và gia đình đang chờ đợi kết quả điều tra của công ty bảo hiểm và sự can thiệp của luật sư, với hy vọng có thể lấy lại toàn bộ số tiền mồ hôi nước mắt mà bà đã dành dụm.