Chồng tôi nói rằng đó chỉ là trùng hợp nhưng tôi tin mẹ chồng tôi có sự thiên vị giữa các cháu.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 này kéo dài 5 ngày nên tôi bàn bạc với chồng sẽ cho các con về quê nội thăm ông bà 3 ngày sau đó thì đi sang ngày ngoại cách đó hơn 100 cây số. Chồng tôi tỏ vẻ không hài lòng cho lắm vì như thế đi lại nhiều, tốn kém mà bà nội cũng không đồng ý. Theo anh thì nên để lễ sau sẽ về hẳn bên ngoại chứ không về qua bên nội nữa. Nghe anh nói thế tôi cũng định bụng sẽ làm vậy, thế nhưng qua cách cư xử của mẹ chồng dành cho mẹ con tôi, tôi đã phải xách con đi ngay chỉ sau 1 ngày về nhà nội.
Chẳng là chúng tôi làm việc trên thành phố, cách nhà nội gần 300 cây số nên việc di chuyển không hề dễ dàng chút nào. Vợ chồng tôi và hai đứa con phải thu xếp từ rất lâu, đặt xe ghép cho rẻ cùng với nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh nên di chuyển từ trưa đến gần chiều tối cả gia đình mới có mặt ở nhà.
Được về nhà bà sau nhiều tháng chưa về, hai đứa trẻ đều rất háo hức vì nhà bà nội rộng rãi, nhiều cây cối và có cả cây ăn trái. Thế nhưng khác xa với sự háo hức, vui vẻ của những đứa trẻ là sự tiếp đón không hề “thịnh soạn” mà ông bà dành cho chúng khiến chúng mặt mũi lúc nào cũng ủ rũ. Theo đó, thấy nhiều cây ăn trái, chúng ùa ra vườn định hái quả để ăn nhưng động vào quả gì bà cũng bảo còn non hoặc không ăn được vì bà mới phun thuốc.
Ảnh minh họa
– Biết con sắp về mà bà còn phun thuốc vào quả thì con ăn làm sao được.
Tôi phải chặn họng con ngay không thì bà nghe thấy lại bảo vô lễ. Những tưởng mọi thứ như thế là tự nhiên cho đến bữa ăn cơm, tôi mới thực sự hiểu rằng đúng là bà nội thực sự rất keo kiệt, từ trước và đến nay vẫn vậy.
Theo đó các cháu đi xa từ Tết giờ mới về thăm mà ông bà không chuẩn bị được một bữa cơm thịnh soạn. Trong khi đó, nhà mẹ chồng tôi lại gần biển, chợ buôn bán hải sản rất nhiều và bà cũng biết thừa là các con tôi thích ăn hải sản. Thế nhưng ngay bữa cơm tối hôm đó tiếp đón các cháu chỉ có thịt lợn kho trứng, lạc rang muối và rau muống luộc. Bà còn không ngần ngại “khoe”:
– Về nhà bà chỉ có cơm canh đạm bạc như thế này thôi nhưng mà tốt cho sức khỏe lắm đấy nhá. Hai cái đứa này ở trên thành phố cứ ăn uống linh tinh rồi béo phì cả ra rồi đây này. Về đây bà “ép cân” cho.
Nhìn mâm cơm không có chút gì tươi mới mà toàn là đồ ăn thừa từ các bữa trước ông bà ăn thì giờ cho cháu nội ăn tiếp tôi thực sự chán không buồn nói nhưng cũng không dám ý kiến gì. Thế nhưng thằng bé nhà tôi tính tình trẻ con có gì nói đó:
– Mẹ ơi không có hải sản như mẹ đã hứa, mẹ bảo về nhà ông bà nội tha hồ ăn hải sản với thịt gà luộc cơ mà, sao lại chỉ có thịt lợn kho thế này.
Ảnh minh họa
Mẹ chồng tôi mắng ngay:
– Bà làm gì có tiền mà đãi hải sản, bố mẹ con có tiền thôi. Có ăn là tốt lắm rồi nhé, đừng có than nhiều, mà béo rồi thì cần gì phải ăn nữa.
Bữa cơm hôm đó tôi ăn cố cho xong chứ thực sự không vui về cách tiếp đón cháu của bà nội chút nào. Trong khi đó chưa nói đến bố mẹ chồng tôi ở quê cũng không phải quá khó khăn mà không có tiền, thỉnh thoảng chồng tôi còn vẫn gửi tiền về biếu ông bà vậy mà ông bà không đãi cháu được nấy 1 bữa đầu cho ra hồn.
Vậy nhưng tôi cũng chép miệng cho qua rồi cho rằng các bữa sau sẽ bù đắp cho con. Ngay tối hôm đó tôi đã đưa cho mẹ chồng 2 triệu rồi nói:
– Nhà chúng con ở đây mấy ngày lễ chắc cũng tiêu tốn khá nhiều tiền ăn. Các cháu đang tuổi lớn nên cũng thích ăn đa dạng một chút, con không quen đi chợ ở đây nên con gửi mẹ chút tiền, mai mẹ đi chợ mua gì ngon cho các cháu ăn mẹ nhé.
Quả thực có tiền vào cũng khác hẳn, sáng sớm hôm sau tôi ngủ dậy đã không thấy bà đâu. Bố chồng tôi nói bà đi chợ hải sản từ sớm để mua cho rẻ mà tươi. Câu nói của ông nội khiến hai đứa nhà tôi vỗ tay mừng rỡ.
Buổi sáng hôm đó, vợ chồng tôi đưa hai con đi thăm các cô chú bác họ hàng xung quanh nhà, khi trở về đã thấy mẹ tôi chuẩn bị được kha khá đồ ăn. Tôi cũng vào bếp cùng bà. Trong lúc cơm nước tôi mới được bà thông báo rằng đến trưa, cô em chồng tôi ở cách đó tầm 200m cũng đưa 3 con sang ăn trưa cùng. Nhà cô em chồng cũng ở thành phố và mới về nhà nội hôm qua.
– Con tưởng phải mai kia cô mới đưa các con sang chơi chứ mẹ.
– Hôm nay có đồ ăn ngon nên mẹ gọi mẹ con nó sang sớm ăn cho con.
Nghe bà nói thế tôi khá bất ngờ vì nghĩ rằng vậy chẳng phải bà đã dùng tiền tôi đưa cho để chuẩn bị bữa cơm này nhưng là đãi con, cháu ngoại chứ không phải đãi vợ chồng con cái tôi hay sao. Tôi đã bực từ lúc đó, cho đến lúc vào bữa, cơm canh, hải sản thịnh soạn được dọn ra mâm, cô em chồng cũng đưa 3 con sang là ngồi vào mâm luôn.
Đông cháu thì đương nhiên suất ăn của các con tôi cũng sẽ bị giảm đi, là người làm mẹ như tôi sẽ không vui chút nào. Đã thế mẹ chồng tôi còn buột miệng câu nói:
– Hai thằng (con của tôi) ăn nhanh rồi ra kia chơi cho các em (con nhà cô) ăn đi, mà thôi béo rồi cũng không cần phải ăn nhiều đâu. Hôm nay may mà có các em sang ăn cùng thì hai anh mới được ăn ké nhiều món ngon vậy đó chứ không có các em, bà là bà chỉ cho ăn đồ ăn thừa hôm qua cũng đủ chất rồi nhé.
Câu nói của mẹ chồng khiến tôi thực sự sôi máu. Đến lúc đó tôi không thể chịu được nữa đành lên tiếng:
– Sao mẹ lại nói vậy với các cháu. Cháu nào mà chả là cháu mà sao mẹ lại thiên vị như vậy, các cháu còn vừa vào mâm cơm, chưa ăn được miếng nào mẹ đã nói vậy thì sao các cháu ăn được. Đó là còn chưa kể đến việc tiền ăn bữa trưa nay là do con đưa cho mẹ đi chợ chứ có phải tiền của cô đâu.
Con đã định không nói nhưng con thấy mẹ thực sự quá thiên vị giữa các cháu và có nhiều câu nói xúc phạm tới ngoại hình của các cháu nhà con quá. Cháu béo thì không có quyền ăn ngon sao, con không đồng ý với mẹ một chút nào.
Nói một tràng xong tôi kéo hai đứa con đứng lên quyết không nghe thêm một câu nào, một lời nói nào nữa. Tôi đưa các con ra đầu ngõ bắt taxi một mạch sang nhà ngoại. Chồng tôi đi theo và gọi điện theo nói rằng tôi quá nóng tính, nói hỗn với mẹ chồng, yêu cầu tôi đưa các con quay lại xin lỗi mẹ nhưng tôi thấy mình chẳng làm gì sai cả.
Ngược lại tôi lại còn thương các con mình hơn, suốt từ hôm qua về đã phải nghe bao nhiêu lời nói không hay từ miệng bà nội. Những đứa trẻ tuy ngây thơ nhưng cũng có suy nghĩ riêng của nó chứ. Mẹ chồng mà cứ có quan điểm thiên vị giữa các cháu như thế này, tôi cũng sẽ không bao giờ cho các con về quê nội nữa.