Sau bao năm làm người dưng nước lã, bỗng nhiên mẹ tôi mang theo “bạn trai” đến làm phiền các con một cách khó hiểu.

Mỗi năm khi đến ngày của Mẹ, tôi luôn chọn 2 món quà thật ý nghĩa để tặng bà ngoại và chị gái. Chúng tôi có mẹ nhưng bà ấy đã bỏ rơi cả 2 chị em ngay khi bố tôi qua đời. Bà và chị đã sống rất vất vả để nuôi tôi khôn lớn, nên trong trái tim tôi đó là 2 người mẹ duy nhất.

Có thể nhiều người sẽ mắng chửi tôi là đứa con bất hiếu nhưng tôi đã học cách bỏ ngoài tai từ lâu rồi. Người mẹ sinh học của tôi ngoài việc sinh ra 2 đứa con thì hình như bà ấy chẳng có chút tình cảm yêu thương nào hết. Kể từ khi có ký ức và nhận thức về thế giới xung quanh, tôi đã biết bà ấy chỉ quan tâm đến mỗi bản thân mình.

Những người duy nhất yêu thương chị em tôi là bố và bà ngoại. Nhưng bố đột ngột qua đời năm tôi lên 6, khi ấy chị gái tôi 12 tuổi. Đám tang bố vừa xong thì mẹ bỏ đi không nói lời nào, để lại chị em tôi cho bà ngoại nuôi.

Họ hàng làng xóm nói mẹ tôi lên thành phố làm nghề masage. Lại có người đi buôn về bảo bắt gặp mẹ tôi làm vợ bé nhà quyền chức, trông quý phái khác hẳn hồi ở quê. Đủ loại tin đồn khiến tôi chẳng biết mẹ mình thực sự ra sao nữa.

Hồi đầu khi mẹ mới bỏ đi, chị em tôi vẫn nhớ và khóc mỗi đêm khi nằm cạnh ngoại. Bà vỗ về an ủi bảo chúng tôi phải ngoan ngoãn học hành. Sau này lớn lên tự thay đổi cuộc sống của mình, tìm được người giúp mình hạnh phúc và quên đi quá khứ không vui. Tôi cũng mạnh mồm hứa rằng thân là đàn ông con trai, khi trưởng thành nhất định sẽ chăm lo báo đáp bà và chị chu đáo.

Có thể là hình ảnh về 3 người và văn bản

Chị gái tôi lên lớp 8 đã bán rau ngoài chợ để kiếm tiền phụ bà. Tôi cũng đòi đi theo nhưng chị bắt tôi phải ở nhà học bài. Thế là tôi lén trốn đi nhặt ve chai. Chân đất mắt toét kiếm được vài nghìn bạc đưa cho bà, nhìn bà cười mà tôi sung sướng. Có hôm bới rác gần bờ sông, tôi dẫm phải mảnh sành máu chảy toe toét. Về khóc với chị, chị vừa xé vải quần băng bó cho tôi vừa khóc mắng tôi là thằng ngang bướng.

 

recommended by

Bảo Việt An Gia
Giảm bớt áp lực tài chính khi rủi ro ập tới chỉ từ 7k/ngày
Hỗ trợ phí nhập viện lên đến 10tr/ngày, dịch vụ bảo lãnh viện phí cả nước
Đăng ký ngay

3 bà cháu cứ thế rau cháo nuôi nhau. Chớp mắt cũng đến ngày chị tôi nhận giấy báo đỗ đại học. Đêm khuya giả vờ nhắm mắt ngủ trong buồng, tôi nghe tiếng chị với ngoại rì rầm bàn tính. Chị nói sẽ lên thành phố kiếm việc vì nhà cũng không có tiền để học tiếp. Ngoại rưng rức nói xin lỗi, tại bà nghèo nên chẳng thể giúp cháu gái có cuộc sống tốt hơn. Đêm ấy cả nhà tôi không ai ngủ được. Mấy hôm sau thì chị tôi xách túi lên đường.

Chị đi rửa bát thuê cho người ta lấy vài triệu mỗi tháng gửi về cho tôi ăn học. Tết chị về thăm nhà, nhìn tay chị bợt cả da mà tôi thương trào nước mắt. Món quà đầu tiên tôi gửi tặng chị năm ấy là một lọ kem nẻ, mua bằng tiền lì xì đút lợn.

Chờ mãi cũng đến ngày tôi lên Hà Nội nhập học. Vừa năm nhất tôi đã lao vào kiếm tiền, chạy ship hàng bằng cái xe cà tàng mua lại của ông xe ôm. 2 chị em ở cùng với nhau trong cái phòng trọ bé tí. Lắm hôm tôi đi làm về lúc 2h sáng thấy chị đã ngủ, trên bàn học để sẵn hộp thức ăn toàn đồ thừa ngon lành chị lấy ở nhà hàng. Vừa ăn tôi vừa ứa nước mắt.

 

Mẹ tôi bỏ rơi con cái suốt bao năm nhưng khi con có nhà có xe thì bỗng dưng xuất hiện - Ảnh 1.

Suốt 6 năm cố gắng không ngừng nghỉ, chị tôi từ chân chạy vặt rửa bát đã lên được chức quản lý. Đổi chỗ làm vài lần xong, chị cũng có kinh nghiệm đầy mình. Đến khi tôi ra trường thì chị quyết định nghỉ việc, gom hết vốn mở một chiếc quán ăn nho nhỏ trong ngõ. Quán bán cơm truyền thống y hệt cơm nhà, kiểu dưa cà thịt kho thôi nhưng đông nghịt khách. Lúc khai trương, chị tôi chỉ mong nó hoạt động tốt và sinh lời đủ để phụng dưỡng bà, nhưng không ngờ quán lại nổi tiếng và được vô số người yêu thích.

Việc kinh doanh suôn sẻ nên chị tôi đón bà ngoại từ quê lên thành phố sống. Bà không thích ồn ào nên chị đã thuê một căn nhà giản dị gần hồ Tây, có một mảnh vườn nhỏ để bà trồng rau nuôi gà.

Tôi làm văn phòng 1 năm thì chị mở thêm quán mới, thế là tôi nghỉ việc để phụ chị quản lý. Khách qua lại nườm nượp. Chẳng bao lâu sau chị em tôi đã đủ tiền mua lại căn nhà vườn kia. Nhà tuy nhỏ nhưng đầy ắp niềm vui, có bàn tay chăm sóc của bà nên ấm áp không khác gì ngôi nhà cũ ở quê hồi bé.

Sau khi có chỗ an cư thì chị em tôi lại vay tiền để mua một chiếc ô tô trả góp. Xe cũng nhỏ và cũ nhưng là phương tiện tốt để tránh nắng mưa, đưa đón bà ngoại đi chơi đi khám bệnh rất tiện. Bà bán đất ở quê đi và cho chị em tôi hết. Chị tôi xúc động lắm, đem cất đi để dành cho tôi cưới vợ sau này.

Cuộc sống của 3 bà cháu đang yên vui thì đùng cái mẹ ruột tôi xuất hiện. Không rõ vì sao mẹ lại biết quán ăn của chị em tôi. Một buổi chiều khi chúng tôi đang ngồi uống trà lúc vắng khách, tự dưng mẹ tìm đến và gọi chúng tôi là con.

Ký ức của tôi về mẹ đã phai nhạt khá nhiều nhưng chị tôi thì nhận ra mẹ ngay lập tức. Mẹ đã ngoài 50, trông bà ăn diện khá sang chảnh và loè loẹt, khác hẳn với hình ảnh ngày xưa. Mặc dù chị em tôi đã nhớ mẹ vô số lần, luôn hi vọng bà còn sống và có cơ hội gặp lại, nhưng đến lúc được ngồi đối diện nhau thì chúng tôi lại chẳng nói được gì.

Tôi lái xe chở mẹ và chị về nhà. Bà ngoại khóc nức nở khi được đoàn tụ với con gái. Chưa bao giờ bà trách mẹ tôi vì đã bỏ đi, gặp lại con trước lúc xuôi tay là ước nguyện lớn nhất của bà. Cuối cùng mong ước ấy đã thành sự thật nhưng không khí bữa cơm tái ngộ lại rất khó tả.

Tôi tưởng mẹ sẽ bù đắp lại quãng thời gian bỏ rơi chị em tôi bằng một lời xin lỗi hay lời hứa gì đó kiểu như sau này sẽ đối xử tốt với các con. Tuy nhiên, câu đầu tiên mẹ nói trong bữa cơm lại là “Các con giờ giàu có nhiều tiền nhỉ”. Chị em tôi nhìn nhau với ánh mắt cùng chung suy nghĩ. Có vẻ như mẹ vẫn chỉ quan tâm đến vật chất, từ xưa đến nay không hề thay đổi gì.

Ăn xong mẹ ra về và hứa sẽ quay lại thăm. Thật kỳ lạ là cả tôi và chị đều không xúc động mấy, trái ngược hoàn toàn với logic thông thường. Đáng lẽ ra phải mừng mừng tủi tủi, hạnh phúc vô ngần chứ đúng không? Nhưng chả hiểu sao chúng tôi lại thấy trong lòng hơi khó chịu.

Mấy hôm sau tôi đã hiểu vì sao mình lại cảm giác như thế. Suốt cả tuần trời mẹ liên tục qua quán chúng tôi ăn cơm. Dĩ nhiên chả có đứa con nào lại tính tiền mẹ mình, nhưng vấn đề ở chỗ mẹ mang theo toàn bạn bè với người lạ, trong đó có một nhân vật được mẹ giới thiệu là “bạn trai”. Chúng tôi đã nghe mẹ kể rằng bà từng tái hôn 2 lần và thất bại cả 2. Người bạn trai mới kia kém mẹ gần chục tuổi, trông chú ấy chả có vẻ gì là đứng đắn. Tuy nhiên chị em tôi chỉ góp ý rằng mẹ nên cẩn trọng chuyện yêu đương chứ không phán xét gì người đàn ông kia cả.

Nhân viên quán bắt đầu xì xào về mẹ tôi. Ăn chực cả tuần xong, mẹ tôi chuyển sang hỏi mượn xe ô tô để “đi công việc”. Tôi cũng chẳng hỏi mẹ làm nghề gì và sống ở đâu. Mẹ hỏi mượn xe thì tôi cũng không từ chối, cơ mà rất khó hiểu khi bà coi xe ấy như đồ của mình, toàn gọi bắt tôi đem xe đi đón rồi lấy đưa cho bạn trai chở mà không nói năng gì. Xăng cũng không thèm đổ, toàn bảo tôi đổ rồi lại mượn. Xe đem trả vừa bụi bẩn vừa đầy rác linh tinh, tôi toàn phải cắn răng mang đi dọn rửa.

Một hôm trời đang mưa to thì chị giúp việc gọi điện báo bà ngoại tôi bị trượt chân ngã. Chị em tôi vội vàng bắt taxi về vì ô tô đã bị mẹ mượn 2 ngày chưa trả. May là vào viện chụp chiếu bác sĩ nói bà tôi không sao, chỉ sưng bầm một thời gian sẽ hết. Tuy nhiên bà phải nằm tĩnh dưỡng cho chân tay khoẻ hẳn. Già rồi xương cốt cũng không tốt như thanh niên.

Chị tôi đang nấu cháo cho bà thì mẹ gọi điện. Thì ra mẹ đi du lịch với bạn trai mới, chẳng hề hốt hoảng hỏi thăm bà ngoại mà chỉ cười nói khoe ở khách sạn gần biển sang đẹp nọ kia. Tôi bực quá nên cúp máy. Chị gái nghe chuyện xong cũng im lặng thở dài.

Tận 3 hôm sau mẹ mới quay về. Gã bạn trai kia lộ nguyên hình là một kẻ vũ phu thất học, đạp cửa xông vào nhà quát nạt đòi đánh tôi vì tội dám láo với mẹ. Bà ngoại đứng ra can ngăn liền bị hắn đẩy mạnh tay khiến bà ngã lăn ra đất. Chị giúp việc rất thương bà tôi nên lao ra đỡ. Sau đó chúng tôi phải dọa báo công an thì mẹ và người đàn ông ấy mới chịu rời đi.

Từ hôm ấy chúng tôi cắt liên lạc với mẹ. Dù có gặp ở quán ăn hay bị mẹ tìm đến tận cổng nhà thì chúng tôi cũng từ chối nói chuyện. Bao năm qua không có mẹ thì bà cháu tôi vẫn sống rất tốt, thậm chí còn vui vẻ hơn bây giờ nhiều. Bà ngoại thấy con gái bước sang tuổi trung niên vẫn chẳng đâu vào đâu thì buồn lắm, chỉ biết gọi điện bảo đừng kiếm chuyện với con cái nữa.

Liệu tôi nên bỏ qua quá khứ để hàn gắn lại tình cảm mẹ con hay là làm ngơ coi như không có mẹ như trước?…