Trước thông tin nho sữa Trung Quốc bị phát hiện chất độc hại ở Thái Lan, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã lên tiếng về việc kiểm soát nho nhập khẩu ở Việt Nam.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, năm 2024, đơn vị này đã đưa vào chương trình giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với nho nhập khẩu. Qua kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc, kết quả cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm ATTP (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Năm 2023, kiểm tra 77 mẫu và phát hiện 1 mẫu (1,3%) vi phạm quy định của Việt Nam.

Trước thông tin nho sữa Trung Quốc bị phát hiện chất độc hại ở Thái Lan, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sẽ liên hệ và lấy thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp và FDA Thái Lan. Trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan, Cục sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đồng thời, tiếp tục trao đổi thông tin ở các kênh cảnh báo về ATTP quốc tế để đánh giá nguy cơ ATTP đối với nho của Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin về vấn đề này cần được đưa tin chính thức từ các cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và PTNT) để tránh gây dư luận không chính xác trong xã hội.
Chưa phát hiện nho sữa Trung Quốc tồn dư chất độc hại tại Việt Nam.

Chưa phát hiện nho sữa Trung Quốc tồn dư chất độc hại tại Việt Nam.

Được biết, việc kiểm tra ATTP đối với lô hàng trái cây nhập khẩu hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Nghị định quy định 3 phương thức kiểm tra ATTP bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm. Áp dụng phương thức nào là dựa trên các đánh giá nguy cơ về  ATTP với các lô hàng/mặt hàng nhập khẩu:

Trong đó, phương thức kiểm tra giảm: kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên. Phương thức kiểm tra thông thường chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu. Cuối cùng là phương thức kiểm tra chặt, theo đó kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm.

Từ số liệu giám sát, hậu kiểm, cảnh báo ATTP trong nước và quốc tế, vi phạm ATTP qua các năm, cơ quan quản lý chuyên ngành quyết định áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra chặt đối với lô hàng, mặt hàng.

Hiện tại các lô trái cây trong đó có nho nhập khẩu vào Việt Nam đều đang được áp dụng phương thức kiểm tra ATTP thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ). Trình tự, thủ tục kiểm tra ATTP được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, bên cạnh công tác kiểm tra ATTP đối với trái cây nhập khẩu trước thông quan, hàng năm, cơ quan này còn thực hiện chương trình giám sát ATTP đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu, thông qua việc lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu ATTP, đặc biệt tập trung các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV trên trái cây nhập khẩu.

Mục đích là đánh giá mức độ an toàn các thực phẩm nhập khẩu, thể hiện qua sự tuân thủ các quy định ATTP của Việt Nam. Đồng thời phục vụ hoạt động kiểm tra ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, ngăn chặn các lô hàng không bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trong nước. Từ đó kịp thời đề xuất với cơ quan quản lý bổ sung hoặc thay đổi các chỉ tiêu kiểm tra, mặt hàng kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu để phù hợp với tình hình thực tế.

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tinmMạng lưới cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nho sữa sau khi phát hiện hầu hết mẫu trái cây thu thập được đều chứa dư lượng hóa chất độc hại vượt quá mức tối đa cho phép.

Nho Shine Muscat (nho sữa) là giống nho nổi tiếng của Nhật Bản. Loại nho này xuất hiện tại thị trường Việt gần chục năm nay với số lượng khá khiêm tốn vì giá đắt đỏ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, khi Trung Quốc mở rộng vùng trồng, nho sữa Trung Quốc đã đổ bộ chợ Việt với số lượng lớn, giá cũng ngày càng rẻ.

Loại nho sữa này quả to, màu xanh bóng bẩy, có hạt hoặc không có hạt. Khi nho chín ăn có vị ngọt đậm và thơm mùi sữa khá đặc biệt. Hiện nho sữa Trung Quốc được rao bán la liệt tại các siêu thị, cửa hàng, chợ online và phủ khắp hàng rong vỉa hè với giá siêu rẻ  từ vài chục nghìn đồng/kg nên rất hút khách.