Muốn đón mẹ ở quê lên sống cùng để tiện chăm sóc vì bà đã lớn tuổi, người chồng không ngờ cô vợ lại phản ứng quyết liệt, đòi mẹ chồng phải góp tiền hàng tháng.
(Ảnh minh họa trái: Đời sống Pháp Luật / Ảnh minh họa phải: VNE)
Đó là chia sẻ của người chồng 40 tuổi về tình hình éo le của gia đình anh vào lúc này và đã nhận được rất nhiều bình luận từ cộng đồng mạng. Chuyện con cái phụng dưỡng bố mẹ, dù là bên vợ hay bên chồng, là đạo hiếu ngàn đời nay nhưng thực tế không phải ai cũng làm được.
Cụ thể, người chồng cho biết anh và vợ có 2 con, thu nhập của gia đình tầm 30 triệu/tháng. Chung sống với nhau đã lâu, hai vợ chồng ít có mâu thuẫn hoặc có cũng nhanh chóng làm huề. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cũng êm đẹp vì hai người không sống chung với nhau.
Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi mẹ chồng từ quê lên ở nhà của con trai để tiện đi khám chữa bệnh. “Mặc dù mẹ tôi ốm nhưng hàng ngày vẫn hỗ trợ con dâu nấu nướng, đón cháu ở trường mầm non. Mẹ tôi ít nói, tôn trọng con dâu. Bà hầu như không tham gia vào cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng”, người đàn ông cho biết.
Sau 2 tháng ở nhà con trai, người mẹ ngỏ ý muốn về lại quê vì bệnh tình cũng thuyên giảm. Trong khi đó, con trai lại muốn mẹ ở lại vì dù sao sống tại thành phố tiện chăm sóc sức khỏe lại có con cháu quây quần.
“Họ hàng dưới quê cũng ít. Giờ bà về, không ai chăm sóc, tôi cảm thấy day dứt. Vài năm trước, bà khỏe mạnh, tôi còn yên tâm. Nay bệnh tật tuổi già ập xuống, cần phải có con cái bên cạnh.
Tôi cũng thừa hiểu, bà muốn sống bên con cháu cho vui vầy năm tháng tuổi già nhưng ngại con dâu.
Tôi bàn bạc với vợ về ý định của mình. Vợ tôi không phản đối. Cô ấy nói rất sẵn lòng. Tuy nhiên, vợ đưa ra yêu cầu, hàng tháng bà nội phải đóng góp khoản tiền lương hưu 3 triệu cho cô ấy lo phí sinh hoạt gia đình.
“Bà có tuổi rồi, lương hưu chẳng tiêu pha gì, đưa cho vợ chồng mình là hợp lý. Bà cần gì mình mua cho bà.
Nhà thêm 1 miệng ăn là thêm 1 khoản chi phí. Lương em với anh 30 triệu, cho 2 đứa đi học tiếng Anh, học ở trường, ăn uống, quần áo, điện nước… chỉ tạm đủ”, vợ tôi rạch ròi chi ly từng khoản tiền sinh hoạt.
Tôi ngã ngửa khi vợ thốt ra lời lẽ như vậy. Căn nhà vợ chồng tôi ở hiện tại, là do mẹ bán mảnh đất, mua tặng. Cả đời bà dành dụm, chắt chiu, dành hết cho con cái. Việc phụng dưỡng, chăm sóc bà là điều đúng đắn và cần thiết, thể hiện tấm lòng hiếu thuận. Hơn nữa, bà đã già yếu, chúng tôi không sống cùng, làng xóm sẽ dị nghị, điều tiếng”, người chồng tâm sự.
Trước sự giận dữ của chồng, cô vợ im lặng nhưng hôm sau đã mang ra nói với mẹ chồng. Suy nghĩ của người già rất dễ nhạy cảm nên khi nghe con dâu nói vậy, mẹ chồng đã dọn đồ rời khỏi nhà của con trai và qua ở tạm bên nhà của người thân.
“Tôi sang đón mẹ về nhưng mẹ không chịu. Vợ chồng tôi cãi nhau 1 trận khá to. Tôi bắt vợ sang xin lỗi mẹ nhưng cô ấy từ chối”, người đàn ông trải lòng.
Câu chuyện nhanh chóng thu hút nhiều cư dân mạng quan tâm và bình luận rôm rả. Đa số là ý kiến chê trách cô con dâu quá tính toán và khuyên người chồng nên suy nghĩ lại mối quan hệ này. Chuyện con cái phụng dưỡng bố mẹ là điều nhân văn, đúng đạo nghĩa làm người. Giả sử, cô con dâu không muốn sống chung mẹ chồng cũng phải có lý do chính đáng, đằng này lại lấy chuyện tiền bạc ra để cân đo đong đếm chẳng khác gì người dưng.
“Cha mẹ chỉ có một thôi, sẽ đến một lúc anh muốn bưng cơm rót nước cũng không còn được nữa”
“Vợ bạn không coi mẹ bạn ra gì thì vợ bạn cũng ko hề tôn trọng bạn! Qua chuyện này chắc chắn bạn sẽ không còn tình yêu thương dành cho vợ được nữa”
“Thật sự bất hạnh khi có cô vợ, cô con dâu như vậy. Mẹ bạn chỉ có 1 mình nuôi con khôn lớn, bán đất lo mua nhà cho con vậy mà giờ đây con lớn lên, trưởng thành lấy vợ thì không nuôi được mẹ nổi một ngày”…