Sau khi uống rượu, bia, tài xế đối phó bằng cách dắt xe qua chốt kiểm tra nồng độ cồn. Vậy, CSGT có xử phạt được không?
Thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo Bộ Công an, việc này góp phần giảm các vụ tai nạn do rượu, bia; bước đầu hình thành văn hóa đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông
HOÀNG TUÂN
Dắt xe đối phó với CSGT, vẫn có thể bị phạt?
Nhiều ý kiến băn khoăn rằng, người điều khiển xe máy uống rượu, bia khi thấy CSGT hoặc chốt kiểm tra nồng độ cồn thì xuống dắt xe đi bộ, nhằm tránh việc bị kiểm tra, xử lý.
Việc làm này có thể coi là hành vi đối phó với lực lượng chức năng hay không? Uống rượu, bia rồi dắt xe máy qua chốt kiểm tra nồng độ cồn có bị xử phạt?
Trả lời vấn đề trên, Bộ Công an cho biết, khoản 6 điều 5 luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định nghiêm cấm hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Cạnh đó, tại các điều 5, 6, 7 và 8 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) đã quy định cụ thể chế tài xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Nhiều tháng qua, lực lượng CSGT đã xử lý quyết liệt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Về hành vi đối phó lực lượng chức năng bằng cách xuống xe, dắt bộ xe qua chốt kiểm soát nồng độ cồn, Bộ Công an khẳng định lực lượng CSGT sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an khẳng định, lực lượng CSGT sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ hành vi, kể cả người vi phạm cố tình đối phó
Đã uống rượu, bia thì tuyệt đối không lái xe
Theo luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, dắt xe và điều khiển phương tiện giao thông là 2 khái niệm khác nhau.
Trong đó, điều khiển phương tiện giao thông được hiểu là tài xế đang ngồi trên xe, xe nổ máy và đang di chuyển. Như vậy, dắt xe không thỏa mãn các yếu tố này, không phải là điều khiển phương tiện giao thông.
Luật quy định chỉ xử phạt vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông, vì thế việc dắt xe sau khi đã uống rượu, bia sẽ không bị xử phạt.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt giữa các tình huống dắt xe. Nếu sau khi uống rượu, bia, tài xế dắt bộ từ quán nhậu về nhà hoặc địa điểm để xe, thì không bị xử phạt về nồng độ cồn như đã nêu.
Ngược lại, nếu tài xế dắt xe vì muốn đối phó với CSGT, tức là trước đó có điều khiển phương tiện giao thông, chỉ khi thấy CSGT hoặc chốt kiểm tra thì mới xuống xe và dắt bộ, thì vẫn có thể bị xử phạt.
Như Bộ Công an đã khẳng định, lực lượng CSGT sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Biện pháp nghiệp vụ ở đây có thể hiểu là CSGT phát hiện trực tiếp, hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (hình ảnh, video), hoặc nhân chứng… về việc tài xế đó có điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia”, luật sư Tâm nhận định.
Khi đầy đủ bằng chứng, cho dù người vi phạm đối phó, thậm chí không thừa nhận, lực lượng CSGT hoàn toàn có căn cứ để lập biên bản vi phạm, xử phạt theo quy định pháp luật.
Vẫn theo luật sư Tâm, hành vi dắt xe (ngoại trừ đối phó CSGT) sau khi uống rượu, bia không bị xử phạt, nhưng vẫn có thể tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe. Để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người khác, tài xế nên tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Nếu có kế hoạch tụ tập với bạn bè từ trước, chủ xe nên sử dụng dịch vụ đưa đón (xe ôm, taxi…) tới điểm nhậu. Trường hợp di chuyển tới điểm nhậu bằng xe riêng, sau khi nhậu, chủ xe nên gửi xe lại, thuê dịch vụ đưa về nhà, hoặc nhờ người khác (không sử dụng rượu, bia) điều khiển xe chở mình về.