Bên cạnh niềm vui vì con gái đỗ đại học, người đàn ông này còn lo lắng không biết làm thế nào mới gom đủ tiền học phí cho con.
Con cái đỗ đạt là niềm tự hào và hạnh phúc của tất cả những bậc làm cha mẹ trên đời. Ông Vương Thuận Nghiêm đến từ một ngôi làng nghèo ở Hồ Nam (Trung Quốc) không phải ngoại lệ. Con gái ông đã đạt 678 điểm trong kỳ thi đại học vừa qua. Niềm vui này đối với gia đình ông thậm chí còn lớn so với người bình thường bởi gia cảnh nhà ông rất khó khăn, con gái ông – Vương Lệ đã phải cố gắng vô cùng mới có thể đạt được thành tích này.
Thế nhưng bên cạnh niềm vui, vợ chồng ông Vương Thuận Nghiêm cũng không giấu nổi những suy tư lo lắng. Cách đây 3 năm, ông phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn. Chi phí điều trị khổng lồ đã ngốn hết số tiền tiết kiệm của gia đình. Bản thân ông Vương Thuận Nghiêm giờ không làm được việc năng, gánh nặng gia đình dồn hết đôi vai của vợ ông. Để có thể chuẩn bị đủ tiền cho con gái nhập học đại học, vợ chồng ông đã phải làm thêm rất nhiều công việc nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu.
Thấy cha mẹ vất vả, Vương Lệ rất buồn. Cô bé không muốn chỉ vì ước mơ vào đại học của mình mà cha mẹ phải chịu khổ. Chính vì vậy, cô bé đã cân nhắc đến việc nghỉ học để theo anh họ lên thành phố tìm việc làm. Tuy nhiên, suy nghĩ này của Vương Lệ ngay lập tức bị cha gạt phắt. Ông Vương Thuận Nghiêm quả quyết dù thế nào cũng phải cho con gái đi học đến nơi đến chốn, chỉ có học hành cho tốt mới có thể thay đổi vận mệnh, thoát khỏi vòng nghèo đói luẩn quẩn này.
Con gái đỗ đại học nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo khó khiến cô bé có nguy cơ phải bỏ học. (Ảnh minh họa)
Đang lúc rầu rĩ, một tin shock lại truyền đến tai Vương Thuận Nghiêm. Một ngày nọ, sau khi ông vừa bận bịu ngoài ruộng dưa dưới cái nắng như thiêu đốt về đến nhà, mới đến cổng thì đã bắt gặp trưởng làng đứng chờ mình từ bao giờ. Trưởng làng họ Lưu nói với ông: “Thuận này, con gái cậu thi được điểm cao thế mà chẳng thấy cậu ho he gì. Theo tục lệ của làng mình, cậu phải làm một bữa lớn mời mọi người đấy”.
Nghe xong, ông Vương Thuận Nghiêm chỉ biết cười gượng và đáp: “Nhà tôi chưa gom đủ học phí cho con bé nữa mà giờ còn phải bỏ tiền mở tiệc. Có thể để nhà tôi suy nghĩ 2 ngày được không?”, rồi cùng vợ thất thểu về nhà.
Làng ông từ xưa đến nay đã có luật bất thành văn, nhà nào có con đỗ đại học thì bắt buộc phải tổ chức tiệc để dân làng cùng ăn mừng. Điểm càng cao thì tiệc càng phải hoành tráng. Điểm thi của Vương Lệ thuộc diện nhất nhì làng trước giờ nên quy mô tiệc ít nhất phải 30 bàn. Nghĩ đến việc phải tiêu tốn một đống tiền, ông Vương Thuận Nghiêm vô cùng đau lòng.
Ông dự tính tiền bán dưa hấu 2 tháng qua cộng với bán một con lợn, chắc sẽ miễn cưỡng góp đủ tiền học phí cho Vương Lệ. Còn tiền làm tiệc, ông định lùi được ngày nào hay ngày nấy, nhưng hôm nay ông đã lỡ đưa ra con số 2 ngày nên không làm cũng phải làm, ông đành cắn răng lấy số tiền đó ra và tự nhủ sẽ nghĩ cách khác để kiếm học phí cho con gái.
Sáng sớm hôm sau, khi ông Vương Thuận Nghiêm đang ngồi trước cửa hút thuốc, mấy người trẻ tuổi trong làng tươi cười đi tới và nói muốn giúp đỡ ông chuẩn bị tiệc. Ông Vương Thuận Nghiêm suýt bị ngẹn khi nghe thấy câu đó. Sau một hồi đắn đo, ông mới run rẩy lấy từ trong túi ra một bọc vải nhỏ, cẩn thận mở ra và đếm số tiền ông kiếm được từ việc bán dưa hấu suốt thời gian qua, cuối cùng đưa hết 5.000 tệ (khoảng 17 triệu đồng) trong đó cho người phụ trách nấu nướng trong làng và đám người trẻ. Trước khi rời đi, người này còn khuyên ông lên núi hái chút rau dại để tiết kiệm chi phí.
Không lâu sau, người phụ trách nấu bếp và những người trẻ đã trở lại. Trên tay họ là một đống túi lớn nhỏ. Họ báo với ông Vương Thuận Nghiêm rằng họ chỉ tiêu mất hơn 3.000 tệ (khoảng 10 triệu đồng). Người phụ trách cười khoe với ông, chủ quầy nguyên liệu đã bán đồ cho họ với giá gốc khi biết họ mua đồ để làm tiệc mừng đại học. Sau đó, người phụ trách gọi thêm một vài người dân trong làng tới và mọi người bắt đầu nấu nướng.
Bữa tiệc mừng diễn ra hết sức náo nhiệt. (Ảnh minh họa)
12 giờ trưa, dân làng lần lượt kéo đến. Nhưng điều khiến ông Vương Thuận Nghiêm bức xúc là họ đều đến tay không. Ông ngẫm nghĩ, mãi mới có dịp để ăn mừng, không ngờ họ toàn đến tay không! Dẫu vậy, ông biết khách đến nhà thì nên tiếp đón, bởi vậy dù bực bội trong lòng thì ông vẫn mỉm cười tiếp đón mọi người.
Sau khi dân làng tới đầy đủ, bữa tiệc bắt đầu. Suốt bữa ăn, ai nấy đều cười nói vui vẻ, không khí vô cùng náo nhiệt. Chỉ riêng ông Vương Thuận Nghiêm ngồi một góc lặng lẽ uống rượu trắng, thỉnh thoảng mới gật gù khi có người hỏi han gì đó.
Thế rồi khi bữa tiệc sắp kết thúc, một điều bất ngờ đã xảy ra. Lúc này, trưởng làng chợt đứng dậy, ra hiệu cho mọi người im lặng và nói: “Gia đình anh Vương đây vừa có con đỗ đại học. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình họ mà còn là niềm tự hào của cả làng ta. Hy vọng thế hệ trẻ trong làng có thể học hỏi thêm từ Vương Lệ”.
Trưởng thôn vừa dứt lời, một tràng pháo tay đã vang lên. Trưởng thôn hắng giọng rồi nói tiếp: “Nhưng mọi người cũng hiểu hoàn cảnh của gia đình anh Vương. Chúng ta đều là người cùng một làng, mà người làng thì phải giúp đỡ lẫn nhau. Rất nhiều người sau khi biết Vương Lệ đỗ đại học đã nhờ tôi gửi đến anh Vương chút lòng thành. Đây là 30.000 tệ (khoảng 105 triệu đồng) mọi người đã góp được, anh Vương đừng chê nhé!”.
Người cha nghèo vô cùng xúc động trước việc làm của dân trong làng. (Ảnh minh họa)
Ông Vương Thuận Nghiêm run rẩy nhận lấy phong bì đỏ nặng trĩu, ông không biết nói gì chỉ biết rơi nước mắt không ngừng. Ngẩng đầu nhìn bầu trời, ông thấy một đàn chim đang bay vui vẻ, ông không ngờ rằng phía sau vẻ ngoài chất phác của những người cùng làng thân thuộc ấy, lại ẩn chứa một trái tim ấm áp và tốt bụng.
Nhờ số tiền này, Vương Lệ – con gái ông nhất định sẽ thuận lợi nhập học. Nhờ số tiền này, cô bé sẽ có cơ hội để thay đổi vận mệnh và chắc chắn sẽ quay trở lại để báo đáp dân làng sau này khi đã thành công.