Con trai út qua đời ở tuổi 30 khiến người mẹ già vô cùng đau đớn, nhưng quyết định sau đó của bà đã hồi sinh sự sống cho nhiều người khác. Giờ đây, bà đã có thêm những người con đặc biệt, giúp bà phần nào nguôi ngoai nỗi đau mỗi khi nhớ về người con trai quá cố.
Nén nỗi đau, chấp nhận những lời đàm tiếu để cứu người
8 năm trước, câu chuyện của bà Cấn Thị Ngần (SN 1960, ở Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) hiến tạng con trai sau khi qua đời đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Con trai bà Ngần là anh Trịnh Đình Vàng, mất vào ngày 27/7/2016 sau khi bị ngã từ trên sân thượng xuống đất. Dù sau đó đã được đưa đến Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu, nhưng do bị chấn thương quá nặng, anh Vàng đã chết não, không thể cứu được.
“Khi con trai được chẩn đoán chết não, nhưng tôi vẫn chờ đợi điều thần kỳ sẽ đến với con trai mình. Thế nhưng, mọi hy vọng đều dập tắt, dù đau đớn nhưng tôi phải chấp nhận sự thật đó.
Khi đó, bác sĩ có hỏi gia đình tôi rằng: “Gia đình có muốn làm nhân đạo không?”. Tôi không hiểu gì về hiến tạng, gia đình không ai đồng ý. Bản thân tôi ban đầu cũng khá lưỡng lự về đề nghị của bệnh viện”, bà Ngần kể lại.
Mỗi khi nhớ lại thời khắc con trai qua đời, bà Ngần lại không thể cầm được những giọt nước mắt.
Dù đau đến xé lòng, nhưng bà Ngần cố nén lại, giữ tinh thần thật tỉnh táo để đưa ra quyết định cuối cùng. “Nếu đưa con về thì con sẽ vĩnh viễn mất đi, tất cả tan vào tro bụi. Nếu hiến tạng con thì một phần cơ thể con vẫn còn được sống và mang lại sự sống cho những người khác”, bà Ngần chia sẻ.
Thời điểm ấy, phía ngoài hành lang bệnh viện, rất nhiều người đi đi, lại lại với dáng vẻ bồn chồn, lo lắng nhưng tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào. Qua lời kể của bác sĩ, bà Ngần mới biết, đó đều là những người thân của bệnh nhân đang cần được ghép tạng. Trong đó, bà Ngần rất thương cảm về gia đình một người đàn ông bị suy tim, cuộc sống chỉ được tính bằng ngày. Trong khi, đứa con đầu còn rất nhỏ, vợ đang mang thai, nếu không có trái tim ghép anh ấy sẽ chết, vợ con anh ấy sẽ sống ra sao?
Sau khi suy nghĩ, đêm 27/7, bà Ngần đã đồng ý ký vào giấy hiến tạng con trai để cứu những người bệnh khác. Quyết định của bà nhanh chóng được biến thành hiện thực khi một trái tim, một lá gan, 2 quả thận, 2 giác mạc được các bác sĩ lấy và ghép cho 6 người có các chỉ số phù hợp nhất. Quyết định hiến tạng con của bà thời điểm đó được cho là rất dũng cảm và táo bạo, nhưng chính điều này khiến bà chịu không ít điều tiếng.
Người phụ nữ có hành động cao đẹp hiến tạng con trai cứu người, nhưng việc làm đó khiến bà nhận không ít lời dị nghị.
Sau khi hiến tạng con, thi thể anh Trịnh Đình Vàng được đưa về gia đình, quân đội và chính quyền địa phương, cùng với gia đình lo hậu sự rất chu toàn. Thế nhưng, những người không hiểu chuyện lại đàm tiếu và hỏi những câu khiến bà Ngần lòng đau như cắt.
“Bán tạng con được bao nhiêu tiền? Đêm nằm ngủ có thấy con về đòi trả lại tạng hay không?”, đó là những câu hỏi bà trực tiếp nghe thấy hoặc mỗi khi ra chợ, ra đường mọi người lại xì xào to nhỏ với nhau. Những lúc như vậy, bà Ngần cảm thấy chạnh lòng, nhưng bà tự an ủi bản thân rằng, mình làm điều ý nghĩa, cứu người thì không việc gì phải hổ thẹn với lương tâm. Và hơn thế nữa, con trai bà đã không chết hoài, chết phí mà đã ra đi như một “anh hùng”.
Trái tim con vẫn đập và con còn hiện hữu nơi đây
Sau khi hiến tạng con, dù rất mong muốn được gặp những người nhận tạng con trai mình, nhưng do quy định pháp luật, các y bác sĩ không thể cung cấp liên lạc và thông tin của người cho tạng và người nhận tạng. Thế nhưng, phép màu đến khi lần lượt những người được nhận tạng đã tìm về với bà Ngần, như để thông báo rằng, con trai bà vẫn đang còn hiện hữu, vẫn đang sống từng ngày.
Bà Cấn Thị Ngần bên những người con được hồi sinh nhờ tạng hiến của anh Trịnh Đình Vàng.
“Hai người nhận giác mạc tìm về gia đình tôi đầu tiên, sau đó là người nhận tim và 2 người nhận thận. Riêng người ghép gan, do cao tuổi nên đáp ứng không tốt nên đã bị hỏng. Tôi còn nhớ mãi ngày anh Nguyễn Nam Tiến (người nhận tim) tìm về với gia đình, tôi đã ôm chặt lấy Tiến, nín thở nghe từng nhịp đập trái tim và khóc nấc lên vì hạnh phúc và gọi “con ơi”, con vẫn còn sống và đã trở về với mẹ sao?. Khi đó, anh Tiến cũng nghẹn ngào rơi nước mắt và gọi tôi là “Mẹ!”, bà Ngần kể lại.
Sau những cuộc trùng phùng đầy cảm xúc từ những người nhận tạng với bà Ngần, những người trước đó đồn thổi câu chuyện mẹ bán tạng con cũng không còn. Hơn thế nữa, những cuộc gặp không chỉ trong chốc lát, mà hàng năm, hàng tháng, thậm chí hàng ngày họ vẫn gặp nhau qua những cách khác nhau, tình cảm cũng vì thế được vun đắp ngày càng bền chặt.
Bà Ngần ngắm nhìn bức tranh của những người con được nhận tạng tặng cho mình trong một chương trình truyền hình.
Trong ngày giỗ đầu anh Trịnh Đình Vàng, bà Cấn Thị Ngần và 5 người nhận tạng đã cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình, tất cả đều xin được gọi và coi bà là mẹ – người đã sinh ra họ lần thứ 2. Cả 5 người con ấy giờ đây họ coi nhau là anh em một nhà, vì mỗi người đều đang mang trong mình một phần cơ thể của anh Vàng.
“Khi nghe các con đề nghị như vậy, tôi mừng mừng, tủi tủi, cứ sụt sùi cả bữa ăn. Hết ôm vai những người con trai, lại vuốt tóc người con gái rồi nhìn lên di ảnh của con trai trên bàn thờ. Dù con đã ra đi nhưng trái tim con vẫn còn đập, giúp người khác được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời và hơn thế nữa là luôn hiện hữu bên mẹ”, bà Ngần nghẹn ngào chia sẻ.
Tình cảm là thứ thiêng liêng, cao quý nhất có tiền cũng không mua được
Ngày giỗ đầu anh Trịnh Đình Vàng, cũng là lần đầu tiên những người nhận tạng gặp mặt nhau đầy đủ nhất. Kể từ đó đến nay, cứ vào ngày 27/7 không ai bảo ai, mọi người đều có mặt đầy đủ ở nhà “mẹ Ngần” để cùng nhau làm giỗ cho anh Vàng. Không chỉ những người nhận tạng, cả gia đình họ cũng về đông đủ bên bà Ngần, chính điều ấy giúp bà phần nào nguôi ngoai đi nỗi nhớ con.
“Các con về tôi cũng mừng lắm, nhưng cũng thương các con vì mỗi đứa một quê, người xa, người gần. Đi lại như vậy rất tốn kém, trong khi kinh tế chẳng dư giả gì”, bà Ngần cho biết và tâm sự thêm, chẳng cứ gì ngày giỗ, mỗi khi đi khám định kỳ các con bà lại về Quốc Oai thăm mẹ, rồi đón mẹ đi về nhà các con chơi.
8 năm trôi qua, bà Ngần chưa bao giờ nhận tiền của những người được ghép tạng, kể cả trong dịp lễ, Tết.
Khi các con đến thăm hỏi thường xuyên, bà Ngần dù mừng, nhưng cũng lo mọi người dị nghị là người nhận tạng về “trả ơn”, cho nhiều của cải. Vì thế, từ những ngày đầu gặp mặt cho đến tận bây giờ, bà chưa bao giờ lấy một đồng tiền nào của các con. “Ngày giỗ, các con về thắp hương cho Vàng, làm lễ xong tôi cũng xin trả lại hết, chỉ nhận chút hoa quả gọi là tấm lòng. Có lần gửi lại phong bì các con không nhận, lúc về tôi lại cho con ít quà quê và để tiền ở dưới, khi về tới nhà tôi mới gọi điện thông báo”, bà Ngần chia sẻ.
Người mẹ này tâm niệm, khi đã làm điều thiện, giúp đỡ người khác thì hãy làm bằng cái tâm, chứ tuyệt đối không vụ lợi. Bà cho rằng, chính tình cảm các con dành cho bà mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất mà có tiền chưa chắc đã mua được. Điều bà mong muốn nhất là các con luôn mạnh khỏe, để hàng ngày bà cảm nhận từng hơi thở, nhịp đập con tim của con trai bà vẫn đang tồn tại. “Tôi mong các con luôn trân trọng và luôn nâng niu, giữ gìn món quà vô giá ấy”, bà Ngần nói.
Hàng ngày, bà Ngần liên tục nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm của các con ở nơi xa gọi về.
Về phía người nhận tạng, chị Trần Thị Hậu (quê Lạng Sơn), người nhận một quả thận của anh Trịnh Đình Vàng chia sẻ rằng, với chị “Mẹ Ngần” không chỉ là một người mẹ, mà đó là một người hùng khi đã làm một điều vô cùng ý nghĩa mà không phải ai cũng dám làm. Chính việc làm ấy của “Mẹ Ngần” đã giúp chị và những người khác có cuộc sống tốt hơn cho đến ngày hôm nay.
“Giờ tôi đã về hưu, có nhiều thời gian nên mỗi lần xuống Hà Nội khám tôi luôn qua thăm mẹ, tôi vừa đón mẹ lên Lạng Sơn chơi một tháng mới về”, chị Hậu kể. Noi theo tấm gương của “Mẹ Ngần”, chị Hậu cho biết, sau này khi qua đời chị sẽ hiến toàn bộ xác cho y học.
Chị Hậu cũng như những người con, tất cả đều có chung một mong muốn đó là mong “Mẹ Ngần” có thật nhiều sức khỏe và bản thân mỗi người hứa sẽ tự chăm sóc mình tốt hơn, để khỏe mạnh và chăm sóc mẹ được nhiều hơn. “Giờ chúng tôi xác định là anh em, là một gia đình nên việc của mẹ cũng là việc của chúng tôi, vì mẹ đã cho chúng tôi cuộc sống mới tốt hơn”, chị Hậu tâm sự.