Áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão mạnh, có thể đi vòng khoảng 400 km về phía Nam Hồng Kông (Trung Quốc) cuối tuần này.
Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Khí tượng, Địa vật lý và Thiên văn Philippines (PAGASA), tính đến sáng 22-10 (theo giờ địa phương), áp thấp mạnh lên thành bão nhiệt đới Kristine (tên địa phương), cách Virac, Catanduanes – Philippines 435 km về phía Đông. Tên quốc tế bão này là Trami.
Bão Kristine tiến thẳng về Philippines theo hướng Tây – Tây Bắc với tốc độ 15 km/giờ. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão Kristine tăng lên 65 km/giờ và tốc độ gió giật lên đến 80 km/giờ.
Theo báo Philippine Daily Inquirer, Philippines ban hành cảnh báo mưa lớn do bão nhiệt đới Kristine trên các khu vực ở Nam Luzon và Visayas vào sáng 22-10.
PAGASA cảnh báo biển và vùng ven biển nguy hiểm đối với các tàu biển nhỏ, bao gồm cả xe máy trong nhiều khu vực như Batanes, Quần đảo Babuyan, Vùng Ilocos, Palawan, Romblon, Aklan, Antique, Vùng Đảo Negros, Trung Visayas…
Cảnh báo gió mạnh được ban hành trên bờ biển phía Đông Luzon, bờ biển phía Nam Nam Luzon và bờ biển phía Đông Visayas.
PAGASA cũng cảnh báo lũ lụt ở các vùng trũng thấp, mưa kéo dài trong nhiều giờ.
Từ chiều tối 22-10, bão Kristine (Trami) sẽ tăng sức mạnh, đạt cấp bão mạnh. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, Kristine có thể đạt cấp bão cuồng phong vào ngày 25-10.
Sau khi di chuyển đến đất liền khu vực phía Bắc Philippines, bão Kristine suy yếu dần, trước khi rời khỏi PAR (khu vực trách nhiệm của Philippines) và tiến vào biển Đông ngày 25-10.
Kristine là cơn bão thứ 11 đổ bộ vào Philippine trong năm nay. Ông Juanito Galang, Trưởng phòng Dự báo thời tiết của PAGASA, không loại trừ khả năng bão số 11 Kristine sẽ mạnh lên thành siêu bão vì siêu bão thường hình thành vào cuối năm.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ Đài Quan sát khí tượng Hồng Kông (Trung Quốc) dự báo Trami có thể đi qua 400 km về phía Nam của Hồng Kông khi suy yếu thành bão nhiệt đới vào chiều 26-10.
Tuy nhiên, các nhà khí tượng cho rằng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về đường đi tiếp theo của cơn bão, bao gồm khả năng di chuyển về phía Tây qua miền Trung và Bắc biển Đông, hoặc đi theo hướng Tây Bắc tiến gần hơn đến bờ biển miền Nam Trung Quốc.