×

Hóa ra đây mới là ‘ngọc hoàng’ đầu tiên của Táo Quân

Nhiều năm qua, NSND Quốc Trượng vẫn được nhiều khán giả gọi với danh xưng “Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân”. Nam nghệ sĩ đã có những chia sẻ về điều này.

“Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân”

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về cơ duyên đến với danh xưng “Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân”, NSND Quốc Trượng cho biết, năm 2003, ông được đạo diễn Khải Hưng mời làm tiểu phẩm hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần.

Theo nam nghệ sĩ, đó không phải nhân vật Ngọc Hoàng của chương trình Táo quân phát vào đêm 30 Tết mà là tiểu phẩm hài có nhân vật Ngọc Hoàng phát vào cuối tuần. Kịch bản cũng có người lên chầu, tâu bẩm và cũng diễn cùng Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long… nên từ đó đến nay, mọi người hay gọi là “Ngọc Hoàng đầu tiên”.

“Tôi khá bất ngờ khi được gọi là “Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân”. Tuy không tham gia nhưng tôi vẫn theo dõi chương trình Táo quân và thấy rằng, các nghệ sĩ rất cố gắng để hoàn thành vai diễn của mình”, NSND Quốc Trượng bày tỏ.
Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân: Sếp lớn của Tự Long, lấy vợ kém 13 tuổi - 1

Tạo hình vai Ngọc Hoàng của NSND Quốc Trượng năm 2003 (Ảnh: Chụp màn hình).

Khác với nét nghiêm nghị của “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh, nhân vật Ngọc Hoàng của Quốc Trượng lại rất hoạt ngôn, tếu táo và hài hước, mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả.

Xuất hiện trong chương trình, “Ngọc Hoàng” Quốc Trượng mặc hoàng bào, đội mũ cánh chuồn, tóc để dài nhuộm bạc, tay đeo nhẫn đá quý, đồng hồ hàng hiệu và dùng điện thoại di động.

Với tính cách quyết đoán, nhanh nhạy nhưng vô cùng dí dỏm, nhân vật do NSND Quốc Trượng thủ vai trở thành điểm nhấn đặc biệt của chương trình. Tuy nhiên, NSND Quốc Trượng chỉ vào vai Ngọc Hoàng một lần duy nhất trong năm đầu tiên Táo quân ra mắt khán giả.

Quốc Trượng cho hay, sau này, ông đi diễn hài cùng cố nghệ sĩ Phạm Bằng, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Quốc Khánh… nhưng cũng bận nên ông rút lui dần vì không thể đi diễn bên ngoài lâu được.

NSND Quốc Trượng sinh năm 1966 tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ, ông đã hát chèo rất ngọt và từng là đội trưởng của đội văn nghệ xã khi học cấp 2, cấp 3.

Sau đó, Quốc Trượng được NSND Mạnh Tuấn truyền nghề và trở thành một nghệ sĩ chèo thành danh từ rất sớm. Sau khi tốt nghiệp trường Sân khấu – Điện ảnh, ông về công tác ở Đoàn chèo Hà Bắc, đến năm 1990 thì chuyển sang Đoàn chèo Tổng cục hậu cần.

NSND Quốc Trượng là nghệ sĩ gạo cội trên các sân khấu chèo. Ông thường đóng vai hề trong các vở chèo, được nhận xét là có nét diễn và sự duyên dáng giống danh hài Xuân Hinh.

“Ngày đó, trường không dạy cách diễn hề, tôi và anh Xuân Hinh (NSƯT Xuân Hinh – PV) đã tiết kiệm tiền buôn bán để theo học riêng với NSND Mạnh Tuấn. Thầy Tuấn đã dạy chúng tôi làm hề cu Sứt, hề chanh, hề chóp, hề bột, hề hát rong, hề leo… Trong sân khấu chèo, vai hề mang đến sự lạc quan, tiếng cười cho khán giả.

Có lẽ khán giả yêu Quốc Trượng nên mới nhớ mãi nhân vật hề. Tôi luôn thấy trân trọng tình cảm của khán giả dành cho mình. Vì bây giờ đi ra ngoài đường, vẫn có người nhận ra Quốc Trượng và hỏi han”, Quốc Trượng tâm sự.

Năm 2007, Quốc Trượng đảm nhận chức vụ Phó đoàn trưởng đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu Cần. Năm 2010, ông làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội (tiền thân là đoàn nghệ thuật Chèo của Tổng cục Hậu Cần).

Hiện tại, NSND Quốc Trượng mang quân hàm Đại tá, giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội – là “sếp” trực tiếp của NSND Tự Long (đảm nhận chức Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội).

NSND Quốc Trượng chia sẻ, từ khi chuyển sang làm quản lý, ông ít tham gia biểu diễn nhưng luôn nhớ sân khấu, nhớ cảm giác được biểu diễn cho khán giả xem những vở chèo hay.

“Tôi vẫn yêu nghề chứ. Năm 2011, tôi có tham dự Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc và đạt Huy chương vàng với đoạn trích Thị Nở – Chí Phèo. Khi nhìn thấy đồng nghiệp diễn, tôi cũng thích nhưng mình không có thời gian nhiều để tham gia”, nam nghệ sĩ nói với phóng viên Dân trí.

Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân: Sếp lớn của Tự Long, lấy vợ kém 13 tuổi - 2Hiện tại, NSND Quốc Trượng mang quân hàm Đại tá, giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội (Ảnh: Toàn Vũ).

Cuộc sống U60 viên mãn bên vợ cùng nghề, kém 13 tuổi

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, NSND Quốc Trượng cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi cuộc hôn nhân 2 thập kỷ viên mãn với vợ kém 13 tuổi.

Bà xã của ông là NSƯT Lâm Thanh, hiện là Trưởng đoàn diễn 2 của nhà hát. Họ quen biết nhau khi được đài truyền hình mời tham gia vở chèo Cá mè đè cá chép. Ông đóng một vai hề trong khi Lâm Thanh vào vai nữ chính. Sau đó, cả hai cảm mến và yêu nhau.

NSND Quốc Trượng chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Trước đó, tôi có hai lời thề: Không lấy vợ trong nghề và khi nào lên NSƯT thì mới kết hôn. Nhưng khi gặp bà xã, tôi chỉ giữ đúng một lời thề là có danh hiệu NSƯT thì mới làm đám cưới. Tôi được phong NSƯT vào năm 2001 và cuối năm đó tôi cũng chính thức từ giã cuộc sống độc thân”.

Chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, NSND Quốc Trượng nói, ông là trai quê nên không nề hà việc gì. Khi vợ bận, nam nghệ sĩ vẫn dọn dẹp nhà cửa, vào bếp nấu cơm.

Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân: Sếp lớn của Tự Long, lấy vợ kém 13 tuổi - 3NSND Quốc Trượng chia sẻ, ở nhà hát ông là sếp nhưng khi về nhà, ông chỉ là một người chồng, người bố của hai con (Ảnh: Toàn Vũ).

“Ở nhà hát là sếp nhưng khi về nhà tôi chỉ là một người chồng bình thường, người bố của hai con. Từ khi con gái đi du học, nhà cửa vắng vẻ hơn. Ngày nào con cũng gọi điện về nói chuyện nên hai vợ chồng đỡ nhớ con phần nào.

Ở với nhau khá lâu nên chúng tôi hiểu rằng, để duy trì được cuộc sống êm ấm, cần phải tôn trọng, thông cảm cho nhau”, NSND Quốc Trượng bộc bạch.

Khi được hỏi, trong hai thập kỷ qua, vợ chồng có từng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”?, ông thẳng thắn cho rằng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chỉ có điều là hai vợ chồng cùng ngành, cùng nghề cũng dễ hiểu nhau hơn.

Theo ông, chuyện nào cũng thế, dù công việc hay gia đình đều có lúc va chạm, nhưng mỗi người nhịn một chút. “Các con bây giờ cũng lớn rồi và cả hai đứa đều không có ý định theo nghệ thuật. Tôi tôn trọng các con bởi nghĩ theo nghệ thuật vất vả lắm.

Thực tế là vì các cháu không bộc lộ năng khiếu gì với nghệ thuật. Khi các con đủ lớn thì tôi cũng đã chuyển sang làm lãnh đạo nhưng hai con vẫn thích xem lại vở diễn ngày xưa của bố và đặc biệt thích chèo.

Không một vở nào tổng duyệt, sơ duyệt ở Nhà hát Chèo Quân đội mà các cháu không xem. Nhưng đó là yêu thích thôi chứ các cháu không có năng khiếu. Thậm chí, tôi còn chưa nghe các con hát karaoke bao giờ. Thế nên vợ chồng tôi không ép con theo mình”, Quốc Trượng từng chia sẻ.

Related Posts

Our Privacy policy

https://tinhay8.com - © 2025 News