Theo quy định mới, có rất nhiều lỗi vi phạm sẽ bị tước bằng lái xe đến 2 năm, ai cũng nên lưu ý.
Theo Khoản 15 Điều 6 và Khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển xe ôtô, xe gắn máy vi phạm những lỗi sau đây sẽ bị tước giấy phép lái xe (hay còn gọi là bằng lái xe) từ 22- 24 tháng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Trong đó, lỗi vi phạm chung đối với cả ôtô và xe máy, bao gồm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người thi hành công vụ;
Ảnh minh họa
Ngoài những lỗi vi phạm chung cho cả hai phương tiện nêu trên, đối với riêng ôtô, hành vi vi phạm: “Điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ mà gây tai nạn giao thông” và “Tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ” cũng sẽ bị tước giấy phép, đồng thời bị tịch thu phương tiện nếu tái phạm.
Với xe máy, các hành vi bao gồm: “Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe”; “Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh” và “Tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng” cũng sẽ bị tước bằng lái xe.
Sau khi bị tước bằng lái, tài xế sẽ không được phép lái xe trong thời gian này. Nếu cố tình vi phạm, tài xế sẽ bị phạt 2-4 triệu đồng đối với xe máy dưới 125 phân khối; 6-8 triệu đồng đối với xe máy trên 125 phân khối; và 18-20 triệu đồng đối với ô tô.