Khoảnh khắc được gặp các cháu nuôi Làng Nủ giúp “ông nội” Khang nguôi ngoai đi phần nào những nỗi lo trong lòng.
Theo dõi thông tin về cơn lũ quét Làng Nủ, thầy Nguyễn Xuân Khang (Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie, Hà Nội), đã nhiều lần bật khóc vì thương những gì người dân nơi đây phải gánh chịu, đặc biệt là những đứa trẻ nơi Làng Nủ xa xôi. Quá thương cho số phận những đứa trẻ ấy, thầy và trường Marie Curie đã quyết định nhận “nuôi” toàn bộ 22 đứa trẻ Làng Nủ còn sống sót sau trận lũ quét lịch sử. Từ đó, thầy Khang có thêm 22 đứa cháu.
Mỗi tháng “ông nội” Khang sẽ gửi cho mỗi cháu 3 triệu đồng để trang trải cho việc ăn học bắt đầu từ tháng 10/2024 cho đến năm 2039. “Ông nội” dự tính sẽ hoàn thiện dự án này trong vòng 15 năm, bởi khi ấy những bé nhỏ tuổi nhất hiện nay sẽ tròn 18 tuổi vào năm 2039, lúc đó ông cũng bước vào tuổi 90.
Tuy nhiên, nếu chỉ chu cấp tiền nuôi dưỡng thì không đúng với những gì “ông nội” mong mỏi ở những đứa cháu của mình. Bởi đối với ông, “nuôi” một mầm sống không chỉ là cho ăn, mặc, mà còn là dốc lòng dạy dỗ, uốn nắn, yêu thương và che chở. Gánh lên mình trách nhiệm chữ “nuôi” như cách ông nhận “nuôi” 22 đứa trẻ Làng Nủ khiến bản thân ông không khỏi đau đáu.
Để nỗi lo lắng về những đứa cháu nơi Làng Nủ nguôi bớt, “ông nội” Khang đã quyết định thực hiện một chuyến đi lên Làng Nủ để gặp gỡ người dân và các cháu.
Cuộc hội ngộ đặc biệt của “ông nội” Khang cùng 22 đứa trẻ Làng Nủ.
Ngày 21-22/12, trong chuyến thăm Làng Nủ – cũng là chuyến đi rời Hà Nội đầu tiên của thầy Khang sau 6 năm, tại nhà sinh hoạt cộng đồng Làng Nủ mới, ông nội Khang và các cháu đã có lần gặp mặt đầu tiên. Có những em mặt mũi tay chân vẫn còn in hằn những vết trầy xước do trận lũ gây ra. Có những em bị ám ảnh tâm lý do từng bị lũ cuốn đi, nên cứ khi ở chốn đông người, nếu không có người thân bên cạnh, em lại lo sợ rồi khóc lớn.
Tại nhà sinh hoạt cộng đồng Làng Nủ mới, ông nội Khang và các cháu đã có dịp hội ngộ cùng nhau.
Thầy Khang tự mình đi nhìn từng đứa một, nhưng chờ mãi không thấy cháu Hoàng Thị Hiểm đâu. Ông bắt đầu lo “cái Hiểm” không đến, “nó mà không đến thì gia đình làm sao đủ được”… Nhưng vì thời gian gấp rút, mọi thứ vẫn phải diễn ra theo tiến trình, ông phải tạm cất nỗi lo về cái Hiểm qua một bên.
Rồi ông đứng lên phát biểu trong xúc động trước 22 đứa cháu của ông, những người đỡ đầu của chúng, người dân Làng Nủ, cùng đại diện giáo viên các trường có học sinh do thầy nhận nuôi. Ông nhắn nhủ: “Ông giữ gìn sức khoẻ, cháu chăm chỉ học hành”.
Có một lý do xúc động sau lời nhắn nhủ có phần đặc biệt này. Thầy Khang “hứa” rằng sẽ “giữ gìn sức khoẻ”, bởi trước kia ông có một “tật xấu” khiến cháu nào cũng lo là không bao giờ ngủ trước 12h đêm vì còn nhiều công việc phải giải quyết. Nhưng khi nhận nuôi 22 cháu Làng Nủ, ông ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khoẻ.
Đứng trước các cháu, ông hứa sẽ ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn, làm việc ít hơn. Ông khẳng định hiện tại mình là người “ham sống nhất”. Ông nội “ham sống” vì còn 22 đứa bé Làng Nủ của ông, ông muốn thấy chúng lớn lên và trưởng thành. Nhưng ông cũng nói ngay dù “ông nội” phải đi xa thì các con vẫn được ấm no và học hành tử tế vì gia đình ông và Trường Marie Curie sẽ tiếp tục thực hiện tâm nguyện ấy.
“Ông giữ gìn sức khoẻ, cháu chăm chỉ học hành”.
Còn vế “cháu chăm chỉ học hành” – đây có lẽ là thông điệp mà ông mong mỏi nhất ở 22 đứa cháu Làng Nủ. “Ông nội” tin chỉ có học hành mới giúp những đứa trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Học hành chăm chỉ để các cháu có thể tự lo liệu cho bản thân mình sau này, học làm người và có ích cho xã hội. Điều ông mong chỉ giản đơn có vậy.
Khoảnh khắc xúc động nhất trong buổi lễ là ông cùng 22 đứa trẻ Làng Nủ đã ký lời một hẹn ước:
Hôm nay, 22 tháng 12 năm 2024, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
1. Hằng năm, đến ngày 22/12, ông nội và các cháu chụp ảnh gửi cho nhau để biết sức khoẻ và sự trưởng thành của mỗi người.
2. Đến ngày 22 tháng 12 năm 2039, 15 năm sau, khi ông nội 90 tuổi, hai cháu bé nhất là Gia Hân và Khánh Ngân 18 tuổi, tất cả sẽ gặp nhau ở Hà Nội, chụp chung một kiểu ảnh như ngày hôm nay 22/12/2024, ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
“Bây giờ tôi sẽ điều chỉnh lối sống để sống lâu hơn 1 chút, để cố gắng có bức ảnh thứ 2 cùng các cháu. Đối với Gia Hân, Gia Bảo, Khánh Ngân, Hiếu Học lời nguyện ước cho 15 năm sau thì dễ thực hiện lắm, nhưng đối với tôi thì không dễ chút nào. Lúc ấy tôi đã 90 tuổi rồi, một độ tuổi đẹp đẽ của con người nhưng ở cuối hoàng hôn. Nhưng tôi sẽ quyết tâm phấn đấu”, ông xúc động nói.
“Ông nội” Khang đọc lời hẹn ước.
Ông ân cần hướng dẫn từng đứa ký vào bản cam kết của 23 ông cháu.
Ông cháu cùng ký vào lời hẹn ước.
Vậy là, cả “ông nội” và 21 đứa cháu Làng Nủ bắt đầu thực hiện bức ảnh tập thể vào ngày 22/12. Nói là “21 đứa cháu Làng Nủ” vì Hiểm lúc này vẫn chưa đến, Hiểm chưa đến thì đối với ông nguyện vọng của mình vẫn chưa trọn vẹn.
“Nhưng mà Hiểm đâu, nó không đến à”, ông bất giác nhớ ra, rồi lại lo lắng.
Khi ông cùng 21 đứa cháu Làng Nủ đang chụp ảnh cùng nhau, thì Hiểm vội vàng chạy đến để gặp ông. Thấy Hiểm, ông vui cười nói: “Thưa hàng xóm láng giềng, gia đình chúng tôi cuối cùng đã đủ rồi”.
Vậy là 23 ông cháu đã hoàn thiện bức ảnh thứ nhất.
Còn bức ảnh thứ 2, hẹn ước cho “ông nội” Khang và 22 đứa trẻ Làng Nủ ấy, 15 năm sau.
23 ông cháu đã hoàn thiện bức ảnh đầu tiên vào ngày 22/12/2024.
…
Trước khi về lại Hà Nội, người dân bao quanh lấy ông nội Khang để xin được chụp ảnh cùng, được bắt tay, được ôm ông một cái. Rồi những món quà quê, vài chú gà thả đồi được người dân gói ghém cẩn thận để ông mang về Hà Nội. Có lẽ không ai khác, chính người dân Làng Nủ hiểu rõ nhất những điều thiện lành, ấm áp mà thầy Khang gieo lại ở mảnh đất này.
Hóa ra, một trái tim ấm áp sẽ lan tỏa và sưởi ấm đến nhiều trái tim khác. Sức mạnh của sự ấm áp không nằm ở sự phô trương, mà ở cách nó lặng lẽ chạm đến, lay động và làm sáng bừng những hạt mầm sự sống đang âm ỉ cháy.
Người dân chạy đến xin chụp ảnh cùng thầy Khang.
Sự quyến luyến của người dân Làng Nủ và thầy Khang vào giây phút chia tay.