Đề án phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt điện và năng lượng xanh của Hà Nội mở ra cơ hội lớn cho VinBus, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.
Theo báo Tiền Phong, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình chuyển đổi giao thông công cộng của thành phố, nhằm hướng tới một hệ thống vận tải thân thiện với môi trường.
Đề án đưa ra kế hoạch và lộ trình chuyển đổi, phát triển xe buýt điện, năng lượng xanh tại Hà Nội, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Mục tiêu là đạt tỷ lệ 100% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh vào năm 2035.
Cụ thể, trong năm 2025, Hà Nội sẽ bắt đầu chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện. Từ năm 2026 đến 2035, thành phố sẽ tiếp tục chuyển đổi một nửa số xe buýt sang sử dụng điện và nửa còn lại sử dụng LNG/CNG với tổng 2.051 xe cần chuyển đổi. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (chiếm 5% tổng số phương tiện chuyển đổi), giai đoạn 2026-2030 chuyển đổi 1.813 xe và đến năm 2035 hoàn tất chuyển đổi 100% xe buýt.
Bắt đầu từ năm 2025, các đơn vị vận tải sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư và triển khai thử nghiệm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe, nhằm xây dựng định mức và đơn giá cho các loại xe buýt điện có sức chứa trung bình và nhỏ. Đồng thời, các phương tiện buýt diesel lớn hết hạn khấu hao sẽ được thay thế bằng xe buýt điện lớn với tổng số xe chuyển đổi dự kiến trong năm 2025 là 103 chiếc, chiếm 5% tổng số phương tiện cần thực hiện.
Từ năm 2026, Hà Nội sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá cụ thể cho các loại xe buýt điện và các đơn vị sẽ thay thế các phương tiện hết thời gian khấu hao (10 năm) theo lộ trình sử dụng thực tế của từng tuyến. Dự kiến trong giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ chuyển đổi 1.813 xe, đạt tỷ lệ chuyển đổi 93,4% vào năm 2030.
Tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính lên tới khoảng 48.625 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đóng góp khoảng 35.996 tỷ đồng, còn lại 12.629 tỷ đồng doanh nghiệp phải tự huy động.
Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển xe buýt điện (Ảnh: VinBus)
Trước đó, trong buổi tọa đàm với chủ đề “Xe buýt xanh – Hành trình của tương lai” diễn ra vào đầu tháng 11, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus đưa ra một số kiến nghị, đề xuất về chính sách cho sự phát triển xe buýt điện.
Theo ông Nhật, Hà Nội hiện chỉ có định mức cho xe buýt điện lớn, chưa có cho xe điện trung bình và nhỏ, vì vậy thành phố cần thúc đẩy việc xây dựng đầy đủ các định mức này. Đồng thời, ông đề xuất thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang xe buýt điện và xây dựng cơ chế “kéo và đẩy” để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có năng lực gia nhập thị trường, thúc đẩy tiến trình xanh hóa giao thông công cộng.
CEO Vinbus cũng nhấn mạnh, tỷ lệ phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp, vì vậy thành phố cần có biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng. Bên cạnh đó, theo ông Nhật, chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện cao nhưng chi phí khai thác, vận hành, bảo trì lại giảm hơn nhiều so với phương tiện sử dụng dầu diesel. Ngoài yếu tố về tài chính, xe buýt điện còn có lợi cho môi trường, sức khỏe con người. Đây là điều cần được đặt lên bàn cân khi Hà Nội chuyển sang xe buýt điện.
VinBus là thương hiệu xe buýt điện của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), tiên phong trong lĩnh vực giao thông công cộng xanh tại Việt Nam. Thành lập vào ngày 25/4/2019 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, VinBus hoạt động không vì lợi nhuận với mục tiêu góp phần xây dựng một hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiếng ồn đô thị. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã đưa VinBus trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển năng lượng xanh của Vingroup, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch sang giao thông bền vững tại Việt Nam.