Hơn 10 thương hiệu Trung Quốc, từ xe chạy xăng đến xe điện Trung Quốc như BYD, Geely, Chery, Great Wall, SAIC và Wuling ồ ạt vào VN, mở ra cơ hội cho người tiêu dùng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành ô tô trong nước.

Đến lượt xe điện Trung Quốc đổ bộ vào VN - Ảnh 1.

Nhiều mẫu xe Trung Quốc giới thiệu đến khách Việt trong năm 2024 – Ảnh: CÔNG TRUNG

Đầu tháng 11-2024, mẫu xe điện Wuling Bingo từ Trung Quốc do TMT Motor lắp ráp chính thức ra mắt người dùng Việt với mức giá khởi điểm chỉ từ 349 triệu đồng. Các thương hiệu Trung Quốc khác cũng có mặt tại VN với giá cả đa dạng, không chỉ với phân khúc giá rẻ, với giá từ 250 – 270 triệu đồng/chiếc, mà cả các thương hiệu cao cấp khác có giá tiền tỉ.

Ông Võ Văn Hoàng, chuyên gia kinh doanh ô tô, cho rằng làn sóng đổ bộ của các thương hiệu xe Trung Quốc khiến thị trường VN trở nên cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết. Các thương hiệu Trung Quốc phải cạnh tranh không chỉ với các dòng xe quốc tế mà còn với nhau. Đây là lý do mà các thương hiệu này phải tung ra những chính sách giá ưu đãi để lôi kéo khách hàng.

Ô tô điện Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh khốc liệt?

Dù một số thương hiệu xe điện Trung Quốc có giá vừa túi tiền, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn về độ an toàn và hạ tầng sạc pin tại VN – vốn chưa hỗ trợ chuẩn sạc GB/T, chuẩn sạc phổ biến tại Trung Quốc, không tương thích với chuẩn CCS2 phổ biến ở VN. Để khắc phục, người tiêu dùng phải mua thêm thiết bị chuyển đổi, vừa tốn thêm chi phí vừa bất tiện.

Trong khi đó ông Võ Minh Lực, giám đốc điều hành BYD, cho biết hãng này không có kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc riêng mà sẽ hợp tác với các doanh nghiệp khác hoặc triển khai tại hệ thống đại lý của hãng. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, việc này có thể khiến người tiêu dùng không an tâm về dịch vụ sau bán hàng, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống trạm sạc tại VN còn hạn chế.

Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng VN đã đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch vào năm 2050. Điều này mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp ô tô điện. Tuy nhiên, cùng với đó là thách thức trong việc quản lý làn sóng xe điện nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Do đó, theo các chuyên gia, cần có biện pháp bảo hộ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa như nhiều nước đang áp dụng. Chẳng hạn Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu đã áp dụng các hàng rào thuế quan cao để ngăn chặn sự đổ bộ của xe điện Trung Quốc. VN cũng có thể áp dụng các biện pháp tương tự, nhằm duy trì lợi thế cho ngành sản xuất ô tô trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng về pin, hệ thống sạc và dịch vụ hậu mãi để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, VN cần phát triển một hệ sinh thái dịch vụ hậu mãi hoàn chỉnh bởi người tiêu dùng cần có lựa chọn an toàn và tiện lợi. “Nếu VN xây dựng được hệ thống trạm sạc và dịch vụ hậu mãi đạt tiêu chuẩn, xe điện nhập khẩu sẽ không còn là mối đe dọa”, ông Phúc nói.