Tại phiên tòa Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, đại diện ông Trương Mễ (em trai Trương Mỹ Lan) xin tòa giải tỏa kê biên số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh.

Em trai của Trương Mỹ Lan xin lại số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú

Chiều 27.9, phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tiếp tục phần xét hỏi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Tại phiên tòa, HĐXX mời ông Trương Mễ (em trai của bị cáo Lan, cũng là chồng bị cáo Ngô Thanh Nhã – cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) lên xét hỏi. Tuy nhiên, đại diện pháp lý của ông Mễ cho biết, ông Mễ đang điều trị bệnh tại nước ngoài và không thể có mặt theo giấy triệu tập của tòa. Đại diện của ông Mễ cũng khẳng định ông Mễ không đứng tên hay điều hành bất kỳ hoạt động nào liên quan đến hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Theo người đại diện ông Mễ, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ một sổ tiết kiệm trị giá 10 tỉ đồng thuộc sở hữu của ông Mễ. Đại diện của ông Mễ cho rằng, đây là tài sản cá nhân, không liên quan đến vụ án và đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa việc kê biên.

Người đại diện ông Mễ cho biết, sổ tiết kiệm bị thu giữ khi cơ quan chức năng khởi tố bị cáo Ngô Thanh Nhã (tức vợ ông Mễ). Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc số tiền này, vị đại diện nói không rõ và xin được trả lời sau.

Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Ngô Thanh Nhã cũng đã đề nghị tòa trả lại sổ tiết kiệm cho ông Mễ để có kinh phí tiếp tục điều trị bệnh, vì đây là số tiền mà bị cáo và chồng tiết kiệm được trong nhiều năm.

Trong vụ án này, một số người bị xác định có hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng đã qua đời. Quá trình điều tra, nhà chức trách áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan tới tài sản.Tại tòa, người thân của những người này cho rằng, tài sản bị phong tỏa, kê biên được hình thành trong quá trình hôn nhân, là tài sản của gia đình và xin tòa cho được nhận lại.

Liên quan tới các hoạt động môi giới, mua bán trái phiếu, tại phiên tòa, phía đại diện Ngân hàng SCB cho biết, đơn vị này thực hiện theo hợp đồng ký kết với Công ty Chứng khoán Tân Việt, và SCB được phép thực hiện các hoạt động này. SCB chỉ giới thiệu khi khách hàng có nhu cầu đầu tư trái phiếu và không chèo kéo khách hàng.

Tại tòa, đại diện ngân hàng này đã nộp 6 đơn xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 6 bị cáo có nhiều năm công tác tại ngân hàng, gồm: Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB), Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trần Thị Thúy Ái (cựu kiểm soát viên ngân quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn) và Thái Thị Thanh Thảo (Trưởng bộ phận giao dịch Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn).

Cuối buổi làm việc, HĐXX yêu cầu đại diện của Vạn Thịnh Phát, người đại diện 2 người con gái của Trương Mỹ Lan; cùng hàng loạt cá nhân, pháp nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt tại tòa tại phiên xét xử ngày 30.9 để làm rõ một số vấn đề.