Theo dự thảo Luật Nhà giáo, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Lý do Bộ Giáo dục đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ảnh: Trang Hà

Ngoài ra, giáo viên còn được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác.

Cô Lê Thanh Nga – giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) – chia sẻ, chủ trương này là tin vui với không chỉ cô mà hàng triệu nhà giáo khác. Bởi so với các ngành nghề khác trong xã hội, lương của nhà giáo hiện nay tương đối thấp, trong khi công việc, trọng trách lại lớn.

“Vì tình yêu nghề, tôi vẫn bám trụ được với bục giảng. Tuy nhiên, để trang trải cuộc sống, thực sự còn rất nhiều khó khăn” – cô Thanh Nga chia sẻ.

Không riêng cô Thanh Nga, hàng triệu giáo viên trên cả nước cũng đều đang mong chờ Luật Nhà giáo được ban hành, để đời sống của giáo viên được cải thiện nhiều hơn nữa.

“Tháng 7 vừa qua, lương của nhà giáo đã được cải thiện, song mức tăng chưa thực sự giúp giáo viên yên tâm công tác, chi tiêu, trang trải đời sống sinh hoạt. Chúng tôi mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành” – cô Lê Thị Hằng, giáo viên THCS tại tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện nay, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương giáo viên, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa thực sự tương xứng với vị thế, vai trò của nhà giáo.

Để giải quyết việc này, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo quy định của Chính phủ”.

Việc xây dựng Luật Nhà giáo, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, là nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”;

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo có bố cục gồm 9 chương, 71 điều quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.

Dự án Luật áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7.7.2023 của Chính phủ, bao gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.