Quan điểm sử dụng cụm từ Tiếng Việt “nhé ạ” đang khiến cả cõi mạng cãi nhau không ngớt.
Mới đây, siêu mẫu Xuân Lan đã tạo nên cuộc “đại chiến” với toàn cõi mạng khi cho rằng không nên dùng cụm từ “nhé ạ”.
Cụ thể, Xuân Lan chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân: “”Nhé”và “ạ” là 2 từ đệm có tính chất khẩu ngữ đặt ở cuối câu,”nhé” dùng cho ngang hàng thân mật, “ạ” dùng để kính trọng kẻ dưới người trên. Đừng gộp lại“.
Bài viết của siêu mẫu Xuân Lan đang gây tranh cãi.
Xuân Lan cho rằng không nên dùng cụm từ “nhé ạ”.
Ngay lập tức, dòng trạng thái này đã gây bão toàn cõi mạng. Bên dưới bài viết, nhiều netizen đã đưa ra những quan điểm trái chiều về cách sử dụng từ ngữ này.
Trong đó, một số netizen đồng tình với quan điểm của Xuân Lan khi cho rằng sự kết hợp của “nhé ạ” là không nên sử dụng.
Tuy nhiên, phần lớn cộng đồng mạng lại nhận xét không nên đặt nặng lỗi sai ngữ pháp với cách sử dụng từ ngữ này. Bởi trong nhiều trường hợp, nếu dùng từ “nhé” thì quá thân mật hay suồng sã với người đối diện, nhưng nếu chỉ sử dụng từ “ạ” thì lại khiến câu nói trở nên trang trọng quá mức.
Do đó, việc sử dụng cụm “nhé ạ” được xem là một cách cân bằng để 2 người nói chuyện thoải mái và thân thiện với nhau hơn, song vẫn giữ được sự trang trọng cho cuộc đối thoại. Mặt khác, nhiều người cũng cho rằng đôi khi dù có sai ngữ pháp một chút, nhưng nếu người đối diện vẫn hiểu được trọn vẹn ý nghĩa câu chuyện và thái độ của đối phương giao tiếp là được.
Đúng là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam! Cho đến hiện tại, các “thánh” ngôn ngữ vẫn thi nhau đưa ra quan điểm về cách sử dụng của cụm này. Dưới đây là một số quan điểm nổi bật nhận xét về bài đăng của siêu mẫu Xuân Lan:
– “Tiếng Việt muôn hình vạn trạng, mình hiểu tích cực nó sẽ tích cực”.
– “Mình thường dùng gộp “nhé ạ” chủ yếu trong trường hợp tương tác trong nhóm, khi có nhiều thành viên trở lên và có cả người quen trong công ty, cơ quan và người ngoài (khách của công ty, cơ quan). Khi một nhân viên có cấp bậc thấp, họ nhắn thông báo hoặc gửi yêu cầu vào nhóm cho đối tác (được lãnh đạo giao làm việc trực tiếp nhưng không quen biết đối tác) thì về phép lịch sự họ sẽ dùng “nhé ạ”. Nó bao hàm ý mang nghĩa nhắn gửi, giục giã, yêu cầu bên kia cung cấp hay trao đổi thông tin nhưng không tạo ra cảm giác bị ra lệnh, hay không tôn trọng”.
– “Nhé” hay “ạ” thì cũng tuỳ trường hợp, tuỳ ngữ cảnh và cũng như mức độ thân mật của các cá nhân với nhau. Tiếng Việt mình phong phú về câu từ và cả cảm từ. Có thiện cảm thì nhé vẫn ổn, ko thì dù dùng “ạ” cũng không vừa lòng”.
– “Nhé là biểu hiện của việc đưa ra mệnh lệnh nhưng không muốn gay gắt quá. Nhưng nếu phía người nghe vừa hơn tuổi, vừa không chịu nghe theo, cố tình làm khác đi thì phải thêm “nhé ạ” để không bị thất lễ mà vẫn có sự kính nhường”.
– “Nhé” thì diễn đạt sự thân mật còn “ạ” thì diễn đạt sự kính trọng. Tuy nhiên trong cuộc sống sẽ có những đối tượng mà chúng ta muốn biểu thị cả hai thái độ trên (thân mật và kính trọng). Khi ấy, nói “ạ” không thôi thì tạo ra khoảng cách, nghe xa lạ, còn nói “nhé” không thì lại có phần thất lễ. Đó chính là lý do mà người ta tạo ra cách nói “nhé ạ”, dù một trong hai từ thôi cũng đủ mang ý cầu khiến rồi. Cá nhân mình cho rằng việc sử dụng “nhé ạ” không đến mức quá kì dị vì như phân tích ở trên, cụm từ này giúp cân bằng hai sắc thái thân mật và tôn kính. Việc các từ có chức năng tương tự được dùng cạnh nhau thực tế không phải hiếm, chẳng hạn như “thôi đừng nói nữa” (“thôi” gần với “đừng”), “hãy cứ đi” (“cứ” gần với “hãy”)”.
Trong quá khứ, cũng từng có một bài đăng gây bão khi hỏi nếu không dùng “nhé ạ” thì dùng cụm từ nào cho lễ phép.
Quan điểm của bạn thế nào về việc này?