Những khu trọ sinh viên chen chúc bên những khu trang địa còn sót lại ở Hà Nội từ lâu đã không còn xa lạ với các bạn sinh viên ngoại tỉnh. Nhiều bạn đã phát khóc trong những ngày đầu mới lên trọ học
Nghĩa trang “mọc” giữa lòng Thủ đô
Tại ngõ 123/68 đường Cầu Giấy (thuộc phường Quan Hoa), người dân đã quá quen thuộc với khu nghĩa trang nằm trong lòng dân cư. Khu nghĩa trang hình tam giác, rộng chừng vài trăm m2 với hàng trăm ngôi mộ cao thấp xen kẽ.
Một mặt giáp con hẻm nhỏ, hai mặt còn lại bị nhà dân “vây” quanh với những ô cửa sổ luôn mở toang về phía những ngôi mộ. Những ngôi mộ này cũng quay tứ phía không thống nhất về một hướng nào.
Con hẻm cạnh khu nghĩa trang chỉ rộng 1 mét, cuối đường dẫn ra một khu chợ cóc ngay đầu đường Nguyễn Khánh Toàn, có khá nhiều người qua lại con đường này và chắc chắn đều phải đi qua khu nghĩa trang.
Khu vực này có rất nhiều nhà trọ dành cho sinh viên, ngay cạnh nghĩa trang là một nhà trọ 5 tầng xây theo lối chung cư mini, đối diện cũng có ba nhà trọ tách biệt với chủ gia đình.
Cách nghĩa trang khoảng 5 mét lại có một khu trọ giá rẻ dành riêng cho sinh viên và đầy rẫy những tấm biển giới thiệu cho thuê trọ. Có thể gọi đây là “khu tập thể nhà trọ”.
Nằm ngay rìa đường của con hẻm nhỏ, khu nghĩa trang “tí hon” là phần còn sót lại của nghĩa trang làng Quan Hoa trước kia. Do sức ép dân số, người dân tỉnh ngoài lên Hà Nội, mua phần đất quanh nghĩa trang, thu hẹp diện tích lại chỉ vài trăm mét.
Những khu trọ sinh viên tại phường Quan Hoa (Cầu Giấy, HN) nổi tiếng trong giới sinh viên thuê trọ vì nó chen chúc với nghĩa trang còn sót lại.
Nhiều chủ trọ rất trông đợi về việc, nghĩa trang sẽ được di dời. Nhưng, nhiều năm trôi qua, nhiều thế hệ sinh viên đã “ra ràng” từ những “khu trọ chen chúc với nghĩa trang” như Quan Hoa, Yên Hòa, Chùa Láng…
Thức trắng cả đêm vì… sợ ma!
Khu dân cư với nhiều nhà trọ, từ nhà trọ bình dân giá rẻ cho đến những phòng khép kín với tiện nghi tương đối đầy đủ. Ở đây, có cả những hộ gia đình thuê trọ nhưng nhiều nhất vẫn là sinh viên.
Con đường đi học của các bạn sinh viên trọ học xung quanh khu vực Chùa Láng “cắt” qua nghĩa trang làng Láng.
Tập trung nhiều trường học như ĐH Giao Thông, HV Báo chí, CĐ Sư phạm, CĐ Nghề,… lại gần khu chợ, sinh viên thuận tiện sinh hoạt. Khu vực này giá nhà trọ cũng vừa phải nên nhiều bạn tìm đến thuê.
Nguyễn Hường tâm sự: “Từ một tỉnh lẻ lên đây đi học, với số tiền ít ỏi, phải đi làm thêm, sinh viên thường tìm những khu có giá tiền vừa phải. Ở đây hơi hoang vu lại gần nghĩa trang nữa nên giá cũng mềm, một tháng chỉ từ 1 triệu đến 1 triệu rưỡi, có thể ở ghép 2-3 người”.
Gần trường, gần chợ, giá rẻ, đó là thuận lợi cho các bạn sinh viên, nhưng không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Ở gần nghĩa trang là một bất lợi khiến nhiều bạn vẫn ái ngại khi ở đây.
Khu đất trống này đang được nhiều người “nhòm ngó” để biến thành nhà thuê trọ thay vì để canh tác giống hung Láng nổi tiếng của phường Láng Thượng.
Thanh Mai – một sinh viên thuê trọ gần khu nghĩa trang Quan Hoa buổi tối không dám ra đường: “Ở đây lâu cũng quen, nhưng buổi tối thì vẫn thấy sợ không dám ra đường, có hồi mình định đi gia sư buổi tối nhưng nghĩ đến về một mình qua nghĩa trang lại không dám đi nữa”.
Lê Hiếu – một sinh viên nam khác có cổng phòng trọ nhìn thẳng ra khu nghĩa địa nói: “Những khu cạnh nghĩa địa chủ yếu người ta xây nhà trọ cho sinh viên thuê, sinh viên thuê trong này giá cũng rẻ hơn những khu khác, nên dù không muốn vẫn phải chấp nhận”.
Thanh Mai chia sẻ thêm, hồi mới bắt đầu lên đi học, ngủ ở phòng một mình, có một hôm buổi tối Mai thấy ánh đèn lập lòe ngoài cửa sổ, lúc sáng lúc tối, không biết có ma thật hay không nhưng chỉ cần nghĩ đến bên ngoài có hàng trăm ngôi mộ là Mai đã không thể chợp mắt.
Một phòng trọ gần nghĩa trang làng Quan Hoa đã không ngần ngại “trưng dụng” dây điện bắc ngang qua làm… dây phơi.
Ngọc Anh – Học năm nhất CĐ sư phạm nói: “Hồi mới lên nhập học mình ở nhà trọ đối diện nghĩa trang, 7 giờ tối là mình và Trang, người bạn ở chung đã ở trong phòng, cả 2 đều không dám ra ngoài, ăn cơm xong cũng để bát đấy sáng mai mới rửa. Hôm nào lớp có sinh hoạt hay vui chơi về muộn đều phải có mấy bạn trai đưa về thì mới đi. Hết học kỳ một là chuyển ra khu nhà trọ khác, ở chỗ cũ giá rẻ hơn được 500 nghìn, nhưng cả 2 đều là con gái nên không dám ra đường buổi tối”.
Hiện tại Ngọc Anh và Trang đã chuyển ra khu nhà trọ cách nhà trọ cũ khoảng chục mét, nhà trọ tuy cũ hơn nhưng không đi qua nghĩa trang mỗi khi đi học.
Trong một lần lên thăm con gái, chị Bùi Ánh Tuyết quê Nam Định không khỏi bàng hoàng và lo lắng khi thấy khu nhà trọ con gái mình nằm ngay sát khu nghĩa trang. Ngọc Hà, con gái chị Tuyết chỉ biết động viên mẹ: “Ở lâu thành quen, với lại nhiều người nữa nên cũng phải cố gắng không được… sợ!”.