Dù các nhà sử học đã nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng cho đến nay, câu hỏi “Ai là mẹ đẻ của Càn Long?” vẫn chưa có lời giải chính xác.

Giải mã bí mật “kinh thiên động địa” về mẹ đẻ của hoàng đế Càn Long

Trong lịch sử Trung Quốc, Càn Long luôn được khắc họa như một vị vua tài ba. Các nghiên cứu và truyền thuyết về ông chủ yếu tập trung vào những thành tựu đáng kể mà ông đạt được trong suốt thời gian trị vì. Tuy nhiên, một bí ẩn lớn đến nay vẫn chưa được làm rõ, đó chính là câu hỏi: “Mẹ đẻ thực sự của Hoàng đế Càn Long là ai?”.

Dựa trên các tài liệu lịch sử và những câu chuyện dân gian, có ba giả thuyết phổ biến nhất về thân thế mẹ đẻ của Càn Long.

img

Ảnh minh họa

Giả thuyết đầu tiên cho rằng: Càn Long không phải là người Mãn Châu, mà là người Hán. Theo truyền thuyết, cha đẻ của ông là Trần Các Lão ở Hải Ninh, Chiết Giang. Câu chuyện kể rằng, vào ngày 13 tháng 8 năm 1711, tức năm thứ 50 triều Khang Hi, phủ Ung Thân Vương đón thêm một đứa trẻ mới ra đời. Cùng ngày, tại gia đình Trần Các Lão cũng đón chào một bé trai.

Trần Các Lão, từng là quan trong triều đình Khang Hi, có mối quan hệ mật thiết với Ung Thân Vương Dận Chân. Cả vợ của Ung Thân Vương và Trần Các Lão đều sinh con cùng ngày, nhưng con của Ung Thân Vương là con gái, trong khi Trần Các Lão có một con trai. Sau đó, theo lệnh của Ung Thân Vương, Trần Các Lão đã đưa con trai của mình đến phủ Vương gia. Vài ngày sau, khi đứa bé được trả về, lại hóa thành con gái. Dù biết rõ đã bị tráo con, nhưng Trần Các Lão không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận.

Khi trưởng thành, Càn Long dần biết được sự thật về nguồn gốc của mình qua lời kể của các vú nuôi. Vì vậy, ông thường lấy lý do đi tuần du phía Nam để thăm cha mẹ đẻ. Càn Long cũng hay hỏi những người thân cận liệu mình có giống người Hán không và trong cung thường mặc trang phục của người Hán.

Giả thuyết này được lan truyền rộng rãi từ giữa triều đại nhà Thanh, đặc biệt khi nhà văn Kim Dung đưa quan điểm này vào tiểu thuyết “Thư kiếm ân thù lục”, khiến giả thuyết này càng có nhiều người tin theo. Tuy nhiên, Mạnh Sâm tiên sinh đã phản bác giả thuyết này trong một bài viết “Hải Ninh Trần gia”, khẳng định rằng chuyến tuần du phía Nam của Càn Long không nhằm mục đích thăm cha mẹ đẻ.

Xét về bối cảnh, khi Càn Long ra đời, Ung Thân Vương đã có nhiều con trai, nên việc đánh tráo con không hợp lý. Thêm vào đó, trong thời kỳ tranh giành ngai vàng khốc liệt, một người cẩn trọng như Ung Thân Vương sẽ không dám làm điều liều lĩnh như vậy. Vì thế, giả thuyết này khó tin.

Giả thuyết thứ hai cho rằng, mẹ đẻ của Càn Long là một cô gái xuất thân nghèo khó tại Thừa Đức. Cô từng giúp gia đình buôn bán nhỏ lẻ. Khi lớn lên, với vẻ đẹp nổi bật, cô quyết định lên Bắc Kinh tham gia tuyển chọn tú nữ. May mắn thay, cô lọt vào mắt xanh của Ung Thân Vương và được nhận làm a hoàn trong phủ. Sau khi chăm sóc Ung Thân Vương lúc ông ốm nặng, cô đã được nạp làm thiếp và sinh ra Càn Long.

Tuy nhiên, quy trình tuyển chọn tú nữ của triều Thanh rất nghiêm ngặt, và giả thuyết này cũng bị cho là không hợp lý.

Giả thuyết thứ ba cho rằng, mẹ đẻ của Càn Long là một cung nữ có tên Lý Giai Thị, sau này có thêm một số học giả chỉ ra tên đầy đủ của bà là Lý Kim Quế. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng trong sử sách để chứng minh cho giả thuyết này.

Dù ba giả thuyết này đều có những điểm đáng lưu ý, nhưng cả ba đều khiến người ta nghi ngờ. Các nhà sử học đã cẩn thận khảo chứng và đưa ra kết luận rằng, những giả thuyết đầu tiên không chính xác như lời đồn đại. Giả thuyết thứ ba có vẻ khả thi hơn, nhưng vẫn thiếu bằng chứng xác thực.

Thực tế, dù có những truyền thuyết được lan truyền, các tài liệu như “Vĩnh Hiến lục” và “Ung Chính thực lục” vẫn tồn tại mâu thuẫn trong ghi chép về mẹ đẻ của Càn Long. Vì vậy, câu hỏi “Ai mới là mẹ đẻ thực sự của Càn Long?” vẫn còn là một ẩn số chờ đợi các nhà nghiên cứu tiếp tục giải đáp.