Gia Cát Lượng nổi tiếng mưu lược như thần trong khi Tào Tháo lại cực kỳ trọng dụng nhân tài. Vậy tại sao hai con người cùng một thời đại này lại không có duyên với nhau?
Trong rất nhiều mưu sĩ thời Tam Quốc, người nổi tiếng nhất được Thủy Kính tiên sinh ca ngợi hết lời là Ngọa Long (Gia Cát Lượng) và Phượng Sồ (Bàng Thống). Đặc biệt là Gia Cát Lượng, ông đã giúp đã cho Lưu Bị – người ban đầu không có gì trong tay lập nên một cơ nghiệp nhà Thục Hán. Có thể nói, không có Gia Cát Lượng thì không có Tam quốc.
Gia Cát Lượng tài giỏi như vậy, tại sao năm xưa một người quý trọng người tài như Tào Tháo lại coi thường ông? Phải biết rằng, thực lực khi ấy của Tào Tháo là mạnh nhất, hơn nữa, ông cũng đã nhiều lần phát hành lệnh chiêu mộ nhân tài, tìm kiếm nhân tài khắp cả nước. Chỉ cần có tài năng đều có thể được trọng dụng.
Tào Tháo cực kỳ chú trọng việc chiêu mộ nhân tài, chỉ cần là người tài tới đầu quân, Tào Tháo đều đích thân tới gặp, coi như thượng binh. Vì thế, các thuộc hạ mãnh tướng, mưu sĩ như mây dưới trướng Tào Tháo bỗng chốc trở thành chủ đề được nhiều người ca tụng.
Cho dù là đối diện với Nễ Hành – Tam Quốc đệ nhất thánh chửi, Tào Tháo cũng không hề tức giận. Bản thân Nễ Hành ngang ngược hống hách, không coi ai ra gì, vừa mới gặp mặt đã chửi Tào Tháo và thuộc hạ của ông xối xả, khiến tất cả mọi người xung quanh đều muốn giết hắn. Nhưng Tào Tháo lại cản thuộc hạ lại, chỉ là mượn đao giết người, đưa hắn tới chỗ của Lưu Biểu, đó chính là để tránh người đời nói ông lạm sát nhân tài.
Vậy thì một người trọng nhân tài như Tào Tháo, tại sao lại không chiêu mộ nhân tài kiệt xuất như Gia Cát Lượng? Thực ra việc Tào Tháo không có được Gia Cát Lượng là có 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, Gia Cát Lượng và Tào Tháo có mối thâm thù huyết hải. Phụ thân của Tào Tháo là Tào Tung khi đi quan Từ Châu bị Đào Khiêm tham tiền giết hại. Tào Tháo khi ấy tức giận, khởi binh tấn công Từ Châu. Trong khoảng thời gian xuất chinh còn phát lệnh đồ sát, lạm sát người dân ở dọc đường, bao gồm cả quê nhà Lang Nha của Gia Cát Lượng cũng đều bị khốn đốn.
Khi ấy, Gia Cát Lượng được thúc phụ là Gia Cát Huyền nuôi dưỡng, cuộc sống cũng được coi là yên ổn, nhưng Tào Tháo đại khai sát giới, phá vỡ sự bình yên này. Quê nhà Lang Nha bị hủy diệt, đám Gia Cát Huyền chỉ có thể trốn về hướng Lư Giang. Đối mặt với kẻ thù Tào Tháo, sao Gia Cát Lượng lại có thể về đầu quân cho hắn?
Thứ hai, nhân tài dưới trướng của Tào Tháo có vô số như Quách Gia, Tuân Úc, Tuân Du,… đều không kém hơn Gia Cát Lượng. Đặc biệt là Quách Gia, tài hoa xuất chúng, có thể sánh ngang với Gia Cát Lượng. Quách Gia đã tính toán chuẩn xác được cái chết của Tôn Sách, hiến kế giúp đỡ Tào Tháo đánh bại Ô Hoàn, thống nhất Hoàng Hà về Bắc. Nếu như không phải vì Quách Gia qua đời khi còn trẻ, trận Xích Bích có lẽ sẽ không thể thua. Thế nên, Tào Tháo không cần phải tốn công tốn sức tìm kiếm Gia Cát Lượng.
Thứ ba, chỉ cần là người được Tào Tháo trọng dụng thì đều có một đặc điểm, đó chính là những nhân tài ấy đều chủ động tới đầu quân cho Tào Tháo. Tào Tháo lúc này đã trở thành Thừa tướng Đông Hán, bắt ông hạ mình cúi đầu cầu xin người khác, đây là điều không thể. Hơn nữa, Tào Tháo trời sinh có tính đa nghi, nếu như một người mà mình không biết rõ ràng lai lịch thì sẽ không bao giờ trọng dụng.
Trên thực tế, cả đời Tào Tháo đều chưa từng gặp Gia Cát Lượng một lần nào, cũng không hề có bất kỳ đánh giá nào đối với Gia Cát Lượng. Hai nhân vật vĩ đại trong cùng một thời đại đã bỏ lỡ nhau như vậy.