×

Chuyên gia nói rõ hiện tượng đèn giao thông ‘đang xanh bỗng nhảy đỏ’, hàng triệu người đồng tình, liệu ngày mai quy định có được thay đổi không?

Qua phản ánh của người dân về việc ở một số đường có hiện tượng đèn tín hiệu “đang xanh bất ngờ đỏ”, Cục Cảnh sát giao thông cho biết sẽ kiến nghị đơn vị quản lý đèn tín hiệu kịp thời nâng cấp.

Cục CSGT chỉ ra nguyên nhân đèn tín hiệu 'đang xanh bất ngờ đỏ' - Ảnh 1.

Người dân chấp hành dừng chờ đèn đỏ tại nút giao phố Vọng – Ảnh: HỒNG QUANG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết sau ngày đầu thực hiện nghị định 168/2024, việc chấp hành giao thông tại nhiều tuyến đường và ngã tư đã có chuyển biến rõ rệt.

Đa số người tham gia giao thông chấp hành việc dừng đèn đỏ, dừng đúng vạch, không vượt đèn đỏ…

“Vi phạm còn tồn tại chủ yếu ở những người hành nghề xe ôm công nghệ, người giao hàng, xe ba bánh… Lực lượng chức năng sẽ kiên trì tuyên truyền, xử lý để người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hình thành văn hóa giao thông.

Việc xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nhằm kiềm chế số vụ tai nạn, số người chết và bị thương”, vị này nói.

Đồng thời, có tình trạng người dân phản ánh về hiện tượng đèn tín hiệu giao thông “đang xanh bỗng dưng đỏ”.

“Nguyên nhân của tình trạng này là ở một số nút giao, hệ thống đèn tín hiệu giao thông là thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công. Do vậy dẫn đến có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông giải thích, đồng thời nêu ví dụ về việc một cột đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển chu kỳ từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Cảnh sát giao thông đã đề nghị các đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ.

“Người tham gia giao thông sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong các trường hợp này do đối với phạt nguội, lực lượng chức năng sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản.

Đối với phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách đèn sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông tại chốt, thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý, đồng thời gửi clip từ trung tâm cho cảnh sát tại chốt thông báo cho người vi phạm”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết thêm.

Mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng hàng chục lần so với trước đây khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực đang là chủ đề “nóng” trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, đặc biệt là các lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.

Với hành vi này, mức phạt đối với ô tô tăng từ 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng. Với xe máy, mức phạt tăng từ 1 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng. Đây là mức phạt được đánh giá là nghiêm khắc và đủ sức răn đe, nên phần lớn người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, rất nhiều tài xế lo lắng vì chất lượng đèn tín hiệu ở nhiều đô thị hiện nay không đồng bộ, khiến họ có nguy cơ bị phạt oan.

“Tôi không ngại về việc tăng mức phạt. Tuy nhiên, trong khi mức phạt vi phạm tín hiệu đèn giao thông có thể lên tới 20 triệu đồng thì rất nhiều cột đèn giao thông tại thành phố đang bị lỗi. Có lần tôi đang đi, đèn xanh vừa bật 3 giây thì bất ngờ chuyển vàng, nếu tôi phanh gấp thì rất nguy hiểm cho người phía sau, còn tiếp tục đi thì phạm lỗi, rất bất cập!”, chị Thu Trang (ngụ Quận 1, TP.HCM) lo lắng.

Theo nữ tài xế này, đối với trường hợp trên, nếu camera phạt nguội ghi lại, chị “có chối đằng trời”. Trước đây, chị Trang cũng nhiều lần lo bị phạt oan do đèn giao thông bị lỗi, song mức phạt không quá cao nên chị chưa có ý kiến. Hiện tại, một biên lai phạt cho lỗi này đã “ngốn” cả tháng lương nên chị không thể không lên tiếng.

Không chỉ chị Thu Trang, rất nhiều nhiều người khác chia sẻ họ từng gặp phải tình huống tương tự, thậm chí oái ăm hơn.

Anh Nguyễn Hiếu (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), nói: “Giờ mà tìm cột đèn lỗi thì nhiều lắm. Trường hợp đèn đỏ 30 giây xong, chuyển đèn xanh chưa được vài giây đã qua đèn vàng thì rất nhiều. Có vài lần tôi bị như thế, bị cảnh sát giao thông gọi dừng lại, tôi phải nhờ camera hành trình ‘kêu oan’ thì mới được cho đi. Oái ăm hơn là trường hợp cả 3 đèn cùng sáng một lúc, đi thì sợ vi phạm, không đi thì bị xe phía sau còi inh ỏi hối thúc”.

Là tài xế taxi lâu năm, anh Minh (TP.HCM) cũng không tránh khỏi những tình huống “dở khóc, dở cười” do hệ thống đèn giao thông lỗi: “Tôi làm nghề hơn 14 năm rồi, mấy lỗi cơ bản như vượt đèn đỏ làm sao tôi dám vi phạm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mình muốn cãi mà không thể cãi, cảnh sát giao thông họ đưa hình ảnh mình vượt đèn vàng, trong khi sự thật là mình thấy đèn xanh đang hiện 20 giây đếm ngược nên mới đi tới”.

Mặc dù thấy mức phạt lên tới 20 triệu đồng cho hành vi vượt đèn đỏ là xứng đáng, nhiều người cảm thấy rất bất công nếu như họ mất số tiền lớn đó chỉ vì hệ thống giao thông chưa hoàn thiện chứ không phải do cố ý vi phạm. Để tránh những tình huống như vậy, trên các diễn đàn mạng, nhiều người đề nghị cơ quan chức năng khẩn cấp sửa chữa những đèn tín hiệu bị hỏng, lỗi.

“Phạt là đúng, chỉ có đánh mạnh vào tài chính thì mới đủ sức răn đe những kẻ coi thường pháp luật về giao thông, nhưng không thể phạt oan người dân. Tôi mong cơ quan chức năng lập tức rà soát, phát hiện ngay những cột đèn đang bị lỗi và sửa lập tức“; chị Thanh Lam (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) nêu ý kiến
Một trường hợp tín hiệu đèn giao thông lỗi hiển thị xanh - đỏ cùng lúc.

Một trường hợp tín hiệu đèn giao thông lỗi hiển thị xanh – đỏ cùng lúc.

Anh Minh Lâm (tài xế taxi công nghệ ở Hà Nội) có chung quan điểm: “Sửa đèn tín hiệu là việc cần làm khẩn trương, làm ngay, vì mức phạt vượt đèn đỏ bây giờ rất cao, phạt đúng thì có tác dụng răn đe cực tốt, nhưng phạt oan thì thực sự ảnh hưởng đến đời sống người dân, có khi mất đến 2/3 thu nhập. Bây giờ camera phạt nguội có khắp nơi, nếu đèn lỗi thì số người bị phạt oan có thể khá lớn”.

Chị Thu Trang cho rằng trước khi áp dụng quy định mới, lẽ ra cơ quan chức năng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, tập trung cải thiện hệ thống giao thông: “Chúng tôi hiểu rằng tăng mức phạt là để bảo vệ an toàn cho mọi người, nhưng nếu hệ thống giao thông không đảm bảo, người dân sẽ khó lòng tuân thủ một cách chính xác. Điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường giao thông an toàn và công bằng, không chỉ dựa vào phạt nặng”.

Ngoài chuyện đèn tín hiệu “chập cheng”, một số người dân cũng lo lắng về khả năng chi trả theo mức phạt mới. Anh Minh nói: “Với một người làm tài xế taxi như tôi, thu nhập một tháng nhiều thì được vài chục triệu, nuôi cả gia đình. Nhưng với mức phạt mới, nhỡ như tôi vi phạm đèn tín hiệu một lần thì xem như cả tháng làm không công, vi phạm hai lần thì xem như càng làm càng gánh nợ”.

Bên cạnh đó, thông tin TP.HCM là địa phương đầu tiên thí điểm bỏ đếm giây đèn giao thông khiến nhiều tài xế băn khoăn, cho rằng việc bỏ đếm giây không khác nào “gài” người dân vi phạm.

Theo họ, nếu đèn giao thông hiển thị số giây, tài xế sẽ biết ước lượng để tăng giảm tốc độ cho hợp lý. Chẳng hạn, khi đèn xanh còn 5 giây đếm lùi, họ sẽ tự động chạy chậm lại. Còn nếu bỏ đếm giây, xe đang chạy tốc độ bình thường thì đèn bất ngờ chuyển vàng, tài xế có thể khó xử lý và vô tình mắc lỗi.

“Thử tượng tưởng xem, xe đang chạy tốc độ cao trên quốc lộ mà phanh gấp thì điều gì sẽ xảy ra?!”, anh Nguyễn Hiếu bày tỏ.

Tuy nhiên, không ít cư dân mạng cho rằng nếu thực sự tập trung lái xe, giảm tốc độ khi gần đến chỗ có đèn tín hiệu thì sẽ không sợ vô tình vượt đèn đỏ dù hệ thống tín hiệu có đếm giây hay không.

Related Posts

Our Privacy policy

https://tinhay8.com - © 2025 News