Sau gần 6 ngày từ khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ, các tỉnh phía Bắc gánh chịu hậu quả nặng nề về con người và tài sản. Đây là cơn bão có tốc độ tăng cấp bất thường và có cường độ mạnh nhất 30 năm.
Trước sức tàn phá của cơn bão lớn nhất nhiều thập kỷ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động, nhanh chóng xác định thiệt hại, bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua, người thụ hưởng bị thiệt hại.
Nhà xưởng của Công ty Jinka ở khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng bị hư hỏng nặng sau bão ngày 9/9. Ảnh: Lê Tân
Với thị phần đứng đầu trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cập nhật đến chiều 11/9, ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa bao gồm bồi thường bảo hiểm xe cơ giới và con người.
“Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và PVI nói riêng”, doanh nghiệp này cho biết. Với vai trò dẫn đầu thị trường và tiềm lực tài chính lớn, dự phòng bồi thường đầy đủ, kinh nghiệm xử lý tổn thất chuyên nghiệp, Bảo hiểm PVI khẳng định đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Đại diện Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng nhận định thiệt hại do bão Yagi gây ra là tổn thất rất lớn do thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và doanh nghiệp này nói riêng. Thống kê sơ bộ đến ngày 11/9, MIC ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng.
Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) tính đến 10/9, doanh nghiệp này có gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng.
Tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác trên thị trường, số khiếu nại bồi thường trong tuần đầu tiên cũng dao động vài trăm tỷ đồng. Số liệu yêu cầu bồi thường vẫn được các doanh nghiệp này tiếp tục cập nhật.
Trước đó, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (IAV), cũng ước tính khối doanh nghiệp phi nhân thọ có thể bồi thường lên tới hàng nghìn tỷ đồng sau bão Yagi. Chiếm phần lớn các khoản chi trả theo ông là thiệt hại ở các cơ sở sản xuất tại khu công nghiệp và ôtô bị cây đổ đè bẹp hoặc ngập sâu do mưa lũ. Đây là nhóm khách hàng thường chủ động phòng bị rủi ro về thiệt hại tài sản.
Cập nhật đến ngày
Doanh nghiệp
Số yêu cầu bồi thường
Giá trị khiếu nại bồi thường
(tỷ đồng)
11/9
Bảo hiểm PVI
500
2.000
11/9
Bảo hiểm MIC
900
230
10/9
Bảo hiểm BIC
500
200
11/9
Bảo hiểm Agribank
400
100
9/9
Bảo hiểm PTI
340
150
9/9
Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH – BHI)
350
N/A
9/9
Bảo hiểm VietinBank
400
N/A
Các doanh nghiệp cho biết đã huy động tất cả nguồn lực để hỗ trợ khách hàng vùng ngập lụt, đồng thời tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại. Đại diện Bảo hiểm PVI nói toàn bộ đội ngũ giám định viên và các công ty giám định độc lập được chỉ định đã xuống hiện trường ngay trong tâm bão và vẫn đang bám trụ tại các vùng bão lũ. Những bộ phận chuyên môn ứng trực 24/24 giờ sẵn sàng tiếp nhận và xử lý hồ sơ tổn thất, giảm thiểu tối đa thời gian cho khách hàng.
Với nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, một số doanh nghiệp như AIA, Dai ichi cũng đã ghi nhận có khách hàng thiệt hại.
Tính đến 9/9, AIA Việt Nam ghi nhận 5 khách hàng đã tử vong do bão số 3, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và một người ở Quảng Ninh với tổng quyền lợi bảo hiểm khoảng 6,5 tỷ đồng. Tại Bảo hiểm Dai-ichi, doanh nghiệp xác định có 6 nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở ở Yên Bái, số tiền ước tính chi trả 2,7 tỷ đồng.