Không dám nói ra vì con thi đã đủ áp lực nhưng anh chị luôn cầu mong con đậu được lớp 10 công lập, bởi như vậy mới phù hợp trong khả năng kinh tế của gia đình.
Hôm nay là ngày thi cuối của kỳ thi tuyển sinh vào THPT công lập năm 2023.
Bên ngoài điểm thi…
…những cánh tay giang rộng cho con được mặc sức xà vào lòng mà nức nở;
…những bờ vai làm chỗ tựa cho con bật khóc khi vừa kết thúc môn thi cuối;
…còn cả những cái ôm xiết chặt, cười tít cả mắt vì đã hoàn thành tốt kỳ thử thách có thể gọi là khốc liệt nhất của một học sinh.
Giữa dòng người đông đúc, chen chúc tìm kiếm nhau trước cổng trường, nước mắt và nụ cười của phụ huynh, học sinh cứ thế lẫn lộn trong không khí vỡ tan của những đông đặc áp lực dồn nén đã bao ngày.
Kỳ thi vào lớp 10 chưa bao giờ dễ thở với bản thân các em học sinh và cả với phụ huynh có con em phải bước vào kỳ thi tuyển gay gắt này.

Tấm áo trắng đẫm mồ hôi gục vào vai mẹ sau môn thi cuối. Ảnh: ngoisao.vnexpres
Với những em tự tin mình đủ năng lực và đã làm trọn vẹn các bài thi vừa qua, từ bây giờ, các em có thể cho phép bung xõa để chiều chuộng bản thân sau những ngày vắt sức chạy nước rút.

Xúc động trước tấm bảng viết tay động viên con của một người mẹ. Ảnh: ngoisao.vnexpress
Với những em chưa dám tự định đoạt được tương lai phía trước, sau căng thẳng lại tiếp tục hồi hộp, đợi đến khi nhận được kết quả chính thức.
Áp lực đến vậy mà thi xong, nào đâu đã xong!!!

Phụ huynh rơi nước mắt khi con ôm chầm. Ảnh: ngoisao.vnexpress
Hôm nay, trên thanhnien, em đọc được tâm sự của một phụ huynh học sinh mà lòng bỗng chùng lại.
“Mẹ cháu là công nhân PouYuen 20 năm nay, vẫn nơm nớp lo bị mất việc trong các đợt sa thải tiếp theo. Tôi thì lao động tự do, bấp bênh, nên chỉ mong con thi đậu lớp 10 công lập mới phù hợp khả năng của gia đình.”
Đó là lời của người cha tên M.T, 44 tuổi, trú tại H.Bình Chánh, TP.HCM được phóng viên Thanh niên phỏng vấn trong ngày cuối đợi con thi bên ngoài cổng trường.

Anh Trung và con gái. Ảnh: Thúy Hằng, Thanhnien
Được biết, con gái anh là học sinh Trường THCS Phú Lợi, Q.8. Điểm thi của con là Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, nguyện vọng 1 là Trường THPT Võ Văn Kiệt, Q.8. Vốn dĩ con gái có nguyện vọng vào Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5 nhưng trường quá xa nhà, sợ cha vất vả đưa đón nên phải cân nhắc lại.

Điểm thi Trường THCS Chánh Hưng, Q.8. Ảnh: Thúy Hằng, Thanhnien
Mẹ của con là công nhân công ty PouYuen Việt Nam ở Q.Bình Tân. Do tính chất công việc của mẹ, phải đi sớm về khuya nên việc đưa đón con đều do bố phụ trách.
Anh tâm sự: “Năm lớp 9, con có thành tích học tập tốt, đứng thứ nhì ở trường. Vợ chồng chúng tôi cũng động viên con đi thi.” Vợ chồng anh không dám nói ra vì sợ con áp lực nhưng anh chị ngày đêm mong so con đậu được lớp 10 công lập, bởi “như vậy mới phù hợp trong khả năng kinh tế của gia đình”.

Ảnh: Thúy Hằng, Thanhnien
Nỗi niềm của vợ chồng anh Trung chắc hẳn cũng là nỗi niềm chung của không ít phụ huynh có con thi vào lớp 10 khi tài chính gia đình không quá dư dả.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm nay được diễn ra trong 2 ngày 6 và 7 tháng 6. Số lượng thí sinh tăng hơn khoảng 2.000 so với năm 2022 trong tổng 96.000 thí sinh đăng ký (tổng số học sinh lớp 9 toàn thành phố năm học 2022-2023 là trên 109.000 học sinh). Như vậy, sẽ chỉ có khoảng 70% thí sinh dự tuyển đậu vào lớp 10 trường THPT công lập và 30% còn lại sẽ lựa chọn các hình thức học tập khác nếu muốn viết tiếp tương lai như học trung cấp nghề, giáo dục nghề nghiệp, hệ giáo dục thường xuyên hoặc trường ngoài công lập.
Chọn cho con học nghề, nói nghe thuận tai vì học xong sớm, đi làm sớm, kiếm tiền sớm nhưng vẫn còn đó những nỗi niềm. Những học sinh học xong cấp 3, tư duy và cách nói chuyện của các em cũng khác hẳn những em chỉ học xong lớp 9. Chưa nói đến khoảng cách về trình độ, chỉ riêng về sự tự tin, các em học sinh chỉ học xong lớp 9 bao giờ cũng có phần rụt rè, tự ti hơn. Ngoài ra, nền tảng kiến thức của 3 năm THPT không ít và là kiến thức phổ thông, rất cần thiết trong các lĩnh vực đời sống, xã hội để các em tư duy và áp dụng sau này nhưng nay các em đã phải bỏ lỡ. Đây là những vấn đề mà các em phải đối mặt và vượt qua khi ở độ tuổi chưa thực sự trưởng thành.
Nếu chọn trường nghề, may mắn tìm được trường có chất lượng đào tào tốt, lại phù hợp với sở thích, các em có cơ hội hy vọng vào sự nỗ lực của bản thân trong tương lai để khẳng định năng lực của mình nhưng nếu chương trình đào tạo nghề đã chọn không đủ chất lượng, hoặc học được nửa đường lại cảm thấy nản chí, không thích và không đủ động lực theo đuổi tiếp thì con đường phía trước của các em chẳng phải sẽ dở dang? Đây cũng là lo lắng rút ra từ thực tế mà nhiều phụ huynh đã và đang trải qua.
Còn nếu con chọn tiếp tục học theo hệ giáo dục thường xuyên, nhiều cha mẹ vẫn không thể yên tâm về kỷ luật học tập nơi đây. Hơn nữa, một số em khó thoát được mặc cảm thua kém khi theo học những trường này và khó thích nghi được với môi trường học tập tại đây.
Cuối cùng, chọn trường ngoài công lập, khả thi hơn nhưng đó là với các gia đình khá giả, có điều kiện kinh tế. Bởi phần lớn các trường này có mức học phí cao hơn hẳn so với trường công lập, vượt quá khả năng chi trả của các gia đình. Những bố mẹ làm công nhân hay chỉ là nhân viên làm công ăn lương với thu nhập trung bình thì việc chạy học phí hàng tháng cho con sẽ là một gánh nặng ngoài tầm với, nỗi lo càng tăng thêm nếu họ không chỉ có một đứa con duy nhất.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu bản thân các em nhận thức được năng lực của mình và sớm định hướng tương lai với từng bước đi đúng đắn, cộng với nỗ lực vươn lên của bản thân thì ở đâu cũng sẽ có con đường mở..,..