Nghệ sĩ Ưu tú “cầm trịch” Táo Quân 2025 là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
NSƯT Đỗ Thanh Hải là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, anh cũng là đạo diễn, viết kịch bản và chỉ đạo sản xuất cho nhiều chương trình để lại dấu ấn trong lòng khán giả Việt Nam như: Gặp nhau cuối tuần (2000 – 2006), Thư giãn cuối tuần (2010 – 2015) và là tổng đạo diễn chương trình Táo Quân – Gặp nhau cuối năm.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải thời mới làm ở Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: FBNV
Đỗ Thanh Hải sinh năm 1973 tại Quảng Ngãi. Anh là con trai của Thiếu tướng Đỗ Đức Pháp (nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật – Bộ Quốc phòng). Anh tốt nghiệp thủ khoa đại học, chuyên ngành Đạo diễn Điện ảnh năm 1996, tốt nghiệp Thạc sĩ nghệ thuật điện ảnh, truyền hình năm 2010, từng học tập và đào tạo chuyên môn về ngành truyền hình tại DW – Học viện Deutsche welle, CHLB Đức năm 2008.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải là “ông trùm” gắn tên với nhiều bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích như: Xin hãy tin em (1997), Của để dành (1998), Phía trước là bầu trời (2001)…
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đồng hành với chương trình Táo Quân. Ảnh: FBNV
Với cương vị Giám đốc Trung tâm sản xuất Phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam (VFC), đạo diễn Đỗ Thanh Hải cùng các cộng sự góp phần không ngừng nâng cao nội dung và chất lượng, tạo sự chuyển mình của phim truyền hình Việt trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Anh được đánh giá là người kế nhiệm xuất sắc của NSND Nguyễn Khải Hưng (Giám đốc đầu tiên của VFC). Anh cũng là Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
Thời anh còn quản lý VFC, những bộ phim truyền hình của VTV đã đáp ứng thị hiếu của khán giả, hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng như: Sống chung với mẹ chồng; Người phán xử; Quỳnh búp bê; Cả một đời ân oán; Về nhà đi con; Lựa chọn số phận…
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và NSND Tự Long. Ảnh: FBNV
Đỗ Thanh Hải từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh: Đạo diễn phim xuất sắc (Cánh diều 2006), Cánh diều vàng cho phim truyền hình xuất sắc nhất của Hội điện ảnh Việt Mam (Nhà có ba chị em – 2006), Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình (năm 2000 và năm 2006).
Là người đồng hành với thương hiệu Gặp nhau cuối năm – Táo Quân từ những ngày đầu đến hiện tại, Đỗ Thanh Hải thừa nhận đã trải qua không ít khó khăn , áp lực.
“Không có niềm tự hào nào đến dễ dàng mà không từ những áp lực. Tôi nghĩ cả ê-kíp đều đã quen với việc làm chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân vừa vui vừa áp lực. Cho nên, chúng tôi không còn đặt ra câu hỏi xem có mệt không, khó không, đau đầu không mà thay vào đó là khó thì làm thế nào, giải quyết mọi vấn đề ra sao… Ai cũng biết Táo Quân là chương trình có hình thức giải trí nhưng không hoàn toàn là giải trí.
Hậu trường đạo diễn Đỗ Thanh Hải cùng ê-kíp Táo Quân 2025. Ảnh: FBNV
Đó là tấm gương phản chiếu nhiều vấn đề đời sống xã hội trong suốt một năm qua, vì thế làm sao vừa phải có tính thời sự và vừa đặt ra vấn đề xác thực, vừa có yếu tố hài hước trong một tinh thần phản biện có tính xây dựng mà vẫn giải trí, hấp dẫn là cả một bài toán cân não.
Nói thật là mỗi khi chúng tôi làm Táo Quân, đa số anh em không có cảm xúc vui hay tự hào nào, chúng tôi chỉ có cảm xúc giống như sắp ra trận thôi, phải làm sao để có kết quả tốt nhất và không có “thương vong.
Tôi luôn mong muốn đổi mới nhưng tôn trọng những giá trị đã có, vậy thì những gì tạo nên giá trị của Gặp nhau cuối năm sẽ vẫn còn, những điều mới mẻ tạo nên tính hấp dẫn sẽ được bổ sung.
Phải khẳng định rằng, Gặp nhau cuối năm – Táo Quân là chương trình chúng tôi đặt rất nhiều tình yêu với khán giả, những mong muốn không chỉ của các nghệ sĩ mà của rất nhiều người – mong muốn được thấy những giá trị tốt đẹp hơn, xã hội văn minh và các lĩnh vực phát triển hơn. Trong văn hóa Việt Nam, trào lộng luôn là một hình thức phê phán duyên dáng và nhân văn, vậy thì Gặp nhau cuối nămsẽ không đi xa với truyền thống ấy, dù có thêm nhiều hình thức mới”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.