Dù là con ruột, 4 người con của ông cụ Trung Quốc vẫn không được thừa kế tài sản của người cha vì 1 lý do.
Năm 1959, sau hơn 1 thập kỷ bôn ba kiếm sống ở Thượng Hải, ông Tào Pháp Tuyền trở về quê hương ở thôn Dương Minh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, với hai bàn tay trắng. Vì ngôi nhà cũ đã đổ nát, ông được hàng xóm quyên góp tiền và giúp xây lại một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ để ở.
Cũng từ đó, ông Tào làm ruộng để sống qua ngày. Sang tuổi 60, trưởng thôn thấy ông tuổi cao sức yếu không thể tiếp tục ra đồng nên bố trí cho ông làm công nhân vệ sinh dọn dẹp các tuyến phố. Đồng thời hỗ trợ ông Tào một khoản trợ cấp đều đặn hàng tháng.
Đến năm 2003, thành phố ngày càng mở rộng, thôn Dương Minh nằm trong dự án đổi mới, toàn bộ đất nông nghiệp cũng đều bị tịch thu. Tất cả người dân trong thôn đều được bồi thường, ông Tào cũng không ngoại lệ.
Theo chính sách bồi thường, ông cụ này nhận được một căn nhà tái định cư. Tuy nhiên, do diện tích căn nhà ở quá nhỏ nên ông phải trả thêm tiền để có được căn nhà rộng 120m2. Biết ông Tào không có khả năng chi trả, lại mất liên lạc với người thân và họ hàng từ lâu nên trưởng thôn cũng đã bỏ tiền quỹ ra để giúp ông cụ có nhà để ở và cử người chăm sóc ông cụ. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là khi ông Tào không còn nữa, quyền sở hữu của ông với ngôi nhà này cũng sẽ mất. Ngôi nhà sẽ được bàn giao lại cho thôn.
Theo đó, ông Tào và trưởng thôn đã soạn thảo một hợp đồng để thỏa thuận vấn đề trên. Đến năm 2019, ông cụ này đã 94 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu đi. Trưởng thôn không thể cử người chăm sóc ông 24/7 nên ông cụ được gửi đến một viện dưỡng lão đặc biệt để an dưỡng tuổi già. Không ngờ chỉ một tuần sau đó, ông cụ qua đời vì bạo bệnh.
Sau khi lo xong hậu sự cho ông Tào, trưởng thôn đã tiến hành kiểm kê tài sản của ông cụ. Họ đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện tài sản mà ông cụ để lại lên tới 2,3 triệu NDT (hơn 8 tỷ đồng). Trong đó có ngôi nhà 120m2 đứng tên trị giá 2 triệu NDT và số tiền tiết kiệm qua nhiều năm lên tới gần 300.000 NDT. Tuy nhiên lúc này, 4 người trung niên tự xưng là con ruột của ông Tào bỗng xuất hiện và yêu cầu được thừa kế khối tài sản trên.
Hóa ra, trước khi ông Tào về làng làm ruộng, ông đã lấy vợ ở Thượng Hải và có 4 người con. Vào năm 1959, ông Tào muốn về quê để sinh sống nhưng bị vợ phản đối. Cũng vì chuyện này, cả hai mâu thuẫn đến ly hôn. 4 người con đều ở lại với mẹ và gia đình họ cắt đứt liên lạc với nhau từ đấy.
Khi danh tính 4 người con ruột của ông Tào được xác nhận, vấn đề thừa kế gia sản của ông Tào càng phức tạp hơn. Trong trường hợp này, 4 người con của ông Tào có thể có quyền thừa kế tài sản của cha mình. Tuy nhiên, trưởng thôn không đồng ý vì họ ngoài việc là con ruột thì gần như không có bất cứ liên hệ nào với người cha quá cố. Hơn nữa, trước khi mất, ông Tào cũng đã viết giấy ủy thác và trao toàn bộ tài sản của mình cho thôn. Do đó, gần 300.000 NDT tiền mặt và căn nhà rộng 120m2 của ông cụ đều thuộc sở hữu chung của thôn.
Thấy mọi việc trở nên rắc rối, trưởng thôn quyết định nhượng bộ, trao cho mỗi người con của ông Tào 20.000 NDT (hơn 70 triệu đồng) tiền mặt. Tuy nhiên, 4 người này vẫn không hài lòng, thậm chí họ còn nhiều lần gây rối và gắng dùng áp lực của dư luận để khiến trưởng thôn phải thỏa hiệp. Để giải quyết dứt điểm việc này, trưởng thôn đã kiện 4 người con của ông Tào ra tòa. Ngay sau đó, họ đã nhận được giấy triệu tập của tòa án địa phương.
Con trai ông Tào: Ảnh: 163.com
Trước tòa, con trai ông Tào tố cáo trưởng thôn không hoàn thành nghĩa vụ hỗ trợ bố mình trong những năm tháng cuối đời theo như thỏa thuận vì ông cụ luôn phải tự nấu nướng và lo liệu cho bản thân. Không những thế, họ còn phát hiện ngôi nhà nhỏ của ông gắn đầy camera nên cho rằng ông cụ bị kiểm soát.
Về vấn đề này, trưởng thôn cho biết, việc tự nấu nướng và lo liệu việc nhà là nguyện vọng của ông Tào. Hơn nữa, vì ông cụ tuổi cao sức yếu lại ở một mình nên việc lắp camera trong nhà là để đề phòng những trường hợp khẩn cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho ông cụ. Bên cạnh đó, trưởng thôn cũng đưa ra những bằng chứng chứng minh con cái của ông cụ bỏ bê cha mình suốt hơn 60 năm, chưa từng đến thăm ông cụ 1 lần nào. Mãi đến khi ông Tào qua đời, họ mới xuất hiện để tranh giành tài sản.
Sau khi nghiên cứu kỹ vụ việc, căn cứ theo quy định của phát luật, tòa án địa phương đã ra phán quyết cuối cùng rằng tài sản bằng tiền mặt và nhà cửa của ông Tào sẽ thuộc sở hữu của thôn Dương Minh theo đúng thỏa thuận mà 2 bên đã ký kết trước đó. 4 người con của ông Tào không hài lòng với phán quyết này nên đã kháng cáo. Tuy nhiên, đơn kháng cáo của họ bị bác bỏ và bản án ban đầu được giữ nguyên.