Bài viết dưới đây là chia sẻ của bà Ngô (Nam Ninh, Trung Quốc) đang được lan truyền trên nền tảng Toutiao.
Từ chối cơ hội thăng tiến để chăm lo cho con
Người ta vẫn thường nói nuôi con để hưởng tuổi già. Tôi cũng chỉ có một người con trai duy nhất. Tưởng rằng về cuối đời, tôi sẽ không còn phải lo nghĩ gì nhiều nhưng hiện thực lại tàn khốc hơn thế.
Có thể nói, từ nhỏ con trai tôi đã không phải chịu khổ cực. Đi học, vợ chồng tôi cũng chọn cho nó trường tốt nhất. Quần áo hay đồ chơi, tôi cũng mua những món đắt tiền nhất.
Ở những năm cấp 1, cấp 2, thành tích học tập của con khá tốt. Tuy nhiên, theo thời gian, cậu bé chăm ngoan ngày nào dần thay đổi. Kể từ khi lên cấp 3, con trai tôi nổi loạn và không còn chú ý đến việc học.
Để có thời gian dạy dỗ con, thậm chí tôi còn từ bỏ cơ hội thăng tiến. Vợ chồng tôi thuê phòng trọ gần trường học để ngày đêm theo sát con. Song cậu bé ngày ấy vẫn khiến chúng tôi phải thất vọng.
Năm con trai học hết lớp 11, chồng tôi đột ngột qua đời do tai nạn. Tôi không biết có phải sự ra đi của bố đã đánh thức con trai. Kể từ đó, cậu bé dần thay đổi, từ việc học ở lớp cho đến việc tự giác giúp mẹ việc nhà.
May mắn, sau khi hoàn thành chương trình THPT, con trai tôi được nhận vào một trường cao đẳng dạy nghề. Con ăn học xa nhà tốn kém, lại chỉ còn một mình, tôi làm việc cật lực, chắt chiu tiết kiệm từng đồng để lo cho tương lai con. Ngoài công việc chính, buổi tối, tôi còn nhận đồ gia công về nhà làm. Để kịp trả đơn hàng, có ngày tôi chỉ ngủ 5-6 tiếng. Nhờ vậy, tôi có khoản tiết kiệm nhỏ.
Sau khi tốt nghiệp, con trai tôi ở lại thành phố làm việc. Tôi dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để giúp nó mua một căn nhà. Ở thời điểm đó, tôi coi đây như một thành tựu bởi đã hoàn thành trách nhiệm chăm lo con cái.
Vào năm thứ 2 sau khi đi làm, con trai tôi kết hôn. Kể từ khi có vợ, tôi tưởng rằng nhà mình sẽ đông vui hơn. Song, chúng chẳng mấy khi về quê thăm mẹ. Thậm chí, Tết Nguyên đán, thay vì về quê đoàn tụ, các con lại du lịch hoặc ở lại thành phố.
Khoản tiền cùng lời nhắn
Năm tôi vừa về hưu, con dâu cũng sinh em bé. Bắt đầu từ đây, tôi khăn gói lên thành phố chăm con, chăm cháu. Ở nhà con trai, tôi không lúc nào được nghỉ ngơi, từ việc nhà đến chăm cháu, nội trợ. Công việc cứ chất đống và không bao giờ hết.
Dẫu vất vả, mệt mỏi hơn đi làm, nhưng tôi vui vì được sống gần con cháu. Năm ngoái, cháu trai đi mẫu giáo. Tôi cũng thoải mái hơn chút. Công việc chỉ còn là đi chợ về nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa. Tôi nghĩ rằng đây mới thực sự là những ngày tháng hưu trí mình mong muốn.
Đột nhiên, đầu năm nay, con trai đề xuất tôi nên về quê ở vì việc nhà cũng không nhiều, chúng vẫn có thể tự lo được. Chúng còn nói sẽ chu cấp cho tôi một khoản tiền nên có thể yên tâm về quê hưởng tuổi già.
Tuy nhiên, tôi từ chối vì thực sự sau 4 năm xa quê, những người hàng xóm xung quanh cũng dần trở nên xa lạ. Đang ở cùng con cháu vui vẻ, tôi thực sự không muốn quay trở về lủi thủi một mình trong căn nhà.
Vào đêm ngày hôm đó, tôi bất ngờ nhận được thông báo tài khoản của mình nhận thêm 80.000 NDT (gần 300 triệu đồng). Ngạc nhiên với số tiền lớn như vậy, tôi mở ra xem ngay lập tức. Tôi như chết lặng ngay lúc đó bởi đi kèm khoản tiền này là lời nhắn “Chúng con gửi mẹ tiền sau 4 năm chăm cháu. Nếu thấy về quê buồn, mẹ có thể dùng số tiền này để vào viện dưỡng lão sẽ có nhiều người già để trò chuyện”.
Nuôi con trai hơn 20 năm, tiêu cho nó không biết bao nhiêu tiền, rồi lại chăm cháu, giờ đây, tôi lại bị con cái hắt hủi, không muốn sống gần. Thực tế, khoản tiền 80.000 NDT không phải nhằm trả ơn. Có lẽ, chúng muốn tôi về quê nhanh hơn thay vì cố ở lại.
Cả đêm hôm đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Ngay sáng hôm sau, không cần ăn sáng, tôi giục con trai đưa ra bến xe để trở về quê. Về đến nơi tôi cũng chẳng gọi lại cho chúng. Tôi cũng chẳng nhận được cuộc gọi nhỡ nào từ con trai.
Tính đến nay, tôi đã về quê được hơn 6 tháng. Lúc đưa tôi ra bến tàu, con trai luôn miệng nói con sẽ đưa vợ và cháu về thăm mẹ thường xuyên. Thực tế, kể từ đó, chúng chẳng về, số lần gọi điện hỏi thăm cũng ít dần.
Hồi tháng 4 năm nay, tôi bị ốm nặng, chúng cũng chẳng về thăm. Con trai chỉ nhắn tôi uống thuốc và ăn uống đầy đủ là sẽ khỏi.
Kể từ khi nhận 80.000 NDT, tôi nhận ra con trai, con dâu chẳng còn là con tôi nữa. Cháu trai cũng chẳng còn là cháu của tôi nữa. Sau lần ốm đó, tôi cũng cắt đứt liên lạc với chúng. Chẳng cần mong chúng về, tôi tự giải quyết mọi vấn đề của mình. Nếu đau ốm quá mà không thể tự lo được, tôi sẽ tự vào viện dưỡng lão nếu cần thiết.
Cuối cùng tôi dần ra rằng trong cuộc sống, dựa núi, núi sẽ đổ, dựa người, người sẽ chạy, sống trên đời phải luôn nhớ rằng bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất. Có vậy, bạn mới giống như cây cổ thụ luôn trụ vững dù cuộc sống có thế nào.